Hạ viện Nga đã thông qua đạo luật gồm một loạt các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nước này đang đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây.
Duma quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 4-3 đã thông qua đạo luật gồm một loạt các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nước này đang đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây.
Văn kiện do Chính phủ Nga soạn thảo nói trên cho phép áp dụng lệnh tạm hoãn thanh tra theo lịch trình đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2022, cũng như các cuộc thanh tra theo lịch trình đối với các tổ chức trong ngành công nghệ thông tin (IT) cho đến cuối năm 2024.
Ngoài ra, đạo luật còn đơn giản hóa thủ tục tham gia khu kinh tế tự do ở bán đảo Crimea.
Một tổ chức - đăng ký bên ngoài bán đảo này - chỉ cần có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trên bán đảo là đủ tư cách tham gia.
Duma quốc gia cũng thông qua luật ưu đãi tín dụng - quy định việc hoãn thanh toán hoặc xóa bớt nợ.
Người dân, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả thế chấp, sẽ có thể nhận được ưu đãi nếu hợp đồng cho vay được ký trước ngày 1-3-2022.
Các điều kiện để được ưu đãi bao gồm: Thu nhập giảm trên 30%; khoản vay không vượt quá mức do chính phủ quy định; người vay không được ưu đãi tín dụng nữa.
Để được ưu đãi, người vay phải nộp đơn cho chủ nợ, nêu các yêu cầu liên quan, trong khoảng thời gian từ ngày 1-3 đến ngày 30-9. Chính phủ cũng có quyền kéo dài thời gian ân hạn.
Theo quy định của pháp luật về các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, quyền hạn của chính phủ sẽ được mở rộng: Trong năm nay, chính phủ có quyền cho phép tiếp tục hoạt động mà không cần gia hạn giấy phép, cũng như gia hạn các giấy phép này mà không cần các thủ tục đánh giá sự phù hợp bắt buộc, thanh toán các nghĩa vụ Nhà nước và các dịch vụ công cần thiết.
Ngoài ra, chính phủ có thể miễn thủ tục đánh giá mức độ phù hợp của giấy phép và giấy phép vĩnh viễn, kiểm tra năng lực và gia hạn hiệu lực của chứng chỉ năng lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.