Xét tổng thể, Thủ đô Hà Nội có cơ sở để hãnh diện trước những kết quả đạt được, với sức đóng góp to lớn đồng thời xứng đáng với vị thế, vai trò là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước.
Năm 2024 qua đi, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. Và Hà Nội đã cùng cả nước vượt khó, nỗ lực phục hồi để lấy lại phong độ, thúc đẩy tăng trưởng với kết quả đáng ghi nhận. Xét tổng thể, Thủ đô có cơ sở để hãnh diện trước những kết quả đạt được, với sức đóng góp to lớn đồng thời xứng đáng với vị thế, vai trò là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước.
Dấu ấn công-thương
Đánh giá chung cho thấy, các ngành kinh tế tiếp tục phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, phù hơp với đặc điểm, thế mạnh của Thủ đô. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 6,21%; nông nghiệp tăng 2,52%, dịch vụ tăng 7,14%.
Số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới đạt trên 27 nghìn đơn vị, tổng vốn đăng ký trên 276 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn thành phố có trên 401.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Trước hết, các cân đối lớn của kinh tế Hà Nội đươc bảo đảm. Ước tính, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,52% (năm trước tăng 6,27%), với quy mô khoảng 58 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước của thành phố đến hết ngày 31-12 là hơn 501.600 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách thành phố vượt 500.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương có số thu lớn nhất cả nước, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng thu ngân sách của cả nước; trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng khoảng 27%, lớn nhất cả nước.
Bên cạnh đó, hoạt động công nghiệp, thương mại, thị trường nội địa diễn ra khá sôi động và đồng đều, góp phần kích đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024. Ước cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 5,86% so với năm 2023.
Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất trang phục; chế biến thực phẩm; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...
Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt trên 2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt gần 549 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 881 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%. Những thực tế trên thật sự mang lại sự chuyển biến rõ nét và thể hiện đà tăng tiến trong đời sống kinh tế Thủ đô.
Đáng ghi nhận là, năm 2024, Hà Nội đạt kim ngạch xuất khẩu 19,43 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023 (cao gấp hơn 3 lần so với kế hoạch). Đây là kết quả rất ấn tượng, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, thể hiện sức vươn và bứt phá ấn tượng, tầm vóc của mình trong lĩnh vực xuất khẩu vốn cạnh tranh rất căng thẳng trên thị trường quốc tế.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, gồm: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 25,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 28,5%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13,9%; hàng dệt may đạt 2,1 tỷ USD, tăng 10,2%; hàng nông sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 34,9%...
Song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác cải cách hành chính, kiến tạo thể chế theo hướng tiến bộ, đồng hành cùng doanh nghiệp và phục vụ người dân tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Đó cũng là nguồn động lực, khích lệ trào lưu đầu tư, khởi nghiệp đồng thời củng cố, nhân lên niềm tin trong kinh doanh trên địa bàn.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cũng như nhiều đơn vị xác nhận đã được thụ hưởng sự quan tâm, phục vụ từ phía cơ quan chức năng. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, thiết thực đã mang lại tác động tích cưc, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đồng thuận.
Nỗ lực không ngừng, giữ đà tăng trưởng
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu kế hoạch GRDP tăng từ 6,5% trở lên, chủ trương tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu tăng trưởng. Đó là, thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá; nhất là xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng số hiện đại, chuyển đổi xanh… Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như vi mạch, bán dẫn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo.
Song song với đó, Hà Nội tập trung thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với phát triển sản phẩm Việt, thương hiệu Việt...
Thành phố tập trung bảo đảm cung ứng điện, xăng, dầu, bình ổn thị trường, cân đối cung - cầu hàng hóa. Thành phố cũng luôn xác định người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ và chủ động nâng cao hiệu quả phục vụ với tinh thần đồng hành.
Trong đó, chủ động duy trì cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả. Qua đó, huy động, phát huy tối đa các nguồn lực, động lực cho phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Hà Nội cần điều hành quyết liệt, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án đầu tư công đang triển khai, để giải ngân tối đa nguồn vốn này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Tại hội nghị khóa sổ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 với tinh thần mới, khí thế mới, vươn mình, trỗi dậy trên tất cả các mặt, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.