(HNMO) – Đây là thống kê được Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đưa ra trong buổi giao lưu - tọa đàm trực tuyến: “Làm gì để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện?” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 1-12.
Toàn cảnh buổi tọa đàm – giao lưu trực tuyến. |
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, trong năm 2017 thành phố đã xảy ra 820 vụ cháy, trong đó có 31 vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Các vụ cháy đã khiến 21 người chết, 12 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trên 300 tỷ đồng và 50ha rừng. So với năm 2016, số vụ cháy giảm 11 vụ nhưng lại tăng 1 người chết và tăng 100 tỷ đồng thiệt hại về tài sản. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh đánh giá, số lượng các vụ cháy đã giảm nhưng lại có diễn biến phức tạp hơn, diễn ra chủ yếu ở các quận nội thành, trong đó tập trung tại các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân.
Tại buổi giao lưu – tọa đàm trực tuyến, hàng chục độc giả đã gửi câu hỏi về vấn đề an toàn phòng chống cháy, nổ trong sử dụng các thiết bị điện trong sinh hoạt hằng ngày. Cùng với giải đáp những thắc mắc của độc giả, các khách mời đến từ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố còn đưa ra những khuyến cáo hữu ích đối với người dân về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại hộ gia đình.
Buổi giao lưu – tọa đàm trực tuyến nhằm giúp cho độc giả hiểu hơn về những nguy cơ, kỹ năng cần thiết để xử lý khi xảy ra cháy, nổ trong quá trình sử dụng điện tại gia đình. Qua đó nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.