(HNMO) – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Năm 2015, tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với ba mục tiêu trọng tâm hơn là không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn là việc đi lại trật tự, ngăn nắp, văn minh, thể hiện văn hóa.
Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP nêu lên tại hội nghị sơ kết thực hiện chỉ thị số 01/CT-UBND về “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra sáng 30/12.
Chủ tịch đánh giá sau một năm thực hiện Chỉ thị 01 đã tạo được tiến bộ, chuyển biến rõ rệt trong văn minh, trật tự nhưng chưa thực sự đạt như mong muốn, do đó TP đã đề xuất với Thành ủy tiếp tục triển khai trong năm 2015.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị. |
Chỉ thị 01 đã đặt ra 3 mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm: Trật tự giao thông, đường thông hè thoáng, đi đúng làn đường, khắc phục tình trạng giao thông lộn xộn. Giải pháp thực hiện là cải thiện hạ tầng giao thông, giữ gìn lòng đường phục vụ cho giao thông, đỗ xe theo quy định, có sự quản lý. Tuyên truyền để người Hà Nội đi đúng phần đường, làn đường của mình.
Vấn đề thứ 2 là tập trung chỉnh trang mỹ quan môi trường, khắc phục sự nhếch nhác, bụi bặm, những khu vực còn tối tăm tồn tại ở Hà Nội. Theo Chủ tịch yếu điểm kiến trúc của Hà Nội là vỉa hè lát gạch còn màu sắc lòe loẹt. Biển hiệu chiếu sáng chưa có tính nghệ thuật, mỹ thuật. Văn hóa ứng xử của người Hà Nội nơi công cộng cũng là vấn đề dù thời kỳ mặc áo may ô, quần đùi ra đường đã khắc phục được.
Bên cạnh đó, sự hội nhập văn hóa ở Thủ đô chưa lựa chọn được những tinh hoa, tạo nên những vấn đề trong ứng xử, văn hóa. Chủ tịch đánh giá, việc ban hành Chỉ thị 01 là một chủ trương đúng đắn, chủ đề được lựa chọn chắt lọc, nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. TP đã xanh hơn, sáng hơn, đẹp hơn, ý thức của người dân đã tăng lên, trật tự hơn. Nhận thức và ý thức hành động của mỗi người dân Hà Nội đã có sự chuyển biến ở ngoài xã hội, công sở và trong từng khu dân cư, gia đình.
Qua quá trình thực hiện đã có những cách làm hay. Ví như, quận Hoàn Kiếm đã lựa chọn các tuyến phố đi bộ và tổ chức hoạt động của các tuyến thành công với quyết tâm mạnh. TP cũng đã giải tỏa 200 điểm chợ cóc, chợ tạm. Bên cạnh đó, một số điểm xác định là trung tâm thương mại đã phải quay trở lại xây dựng các chợ dân sinh để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chủ tịch cho biết TP đã phải giải quyết những vấn đề phức tạp như bù đắp cho nhà đầu tư để chuyển hướng. “Ví như khách sạn SAS ở công viên Thống nhất, việc thu hồi để trả lại màu xanh cho công viên thực hiện như thế nào khi nhà đầu tư đã xây dựng tầng hầm, nhưng TP thiếu chỗ đỗ xe. TP đã quyết định tận dụng tầng hầm cho bãi đỗ xe ngầm, bên trên trả lại cho đất cây xanh. Nếu theo đúng quy hoạch, rạp xiếc cũng là đất cây xanh. Nhiều việc tưởng như đơn giản nhưng rất khó. Sắp xếp các địa điểm kinh doanh, tháo dỡ mái che, mái vẩy, cũng không đơn giản. Nhà dân, cửa hàng ở hướng tây cần có mái che vậy tháo dỡ phải đi cùng với việc hướng dẫn người dân làm mái che, mái vẩy cho phù hợp với kiến trúc đô thị nhưng cũng phải phù hợp với khả năng kinh tế của người dân” – Chủ tịch chia sẻ .
“Hạ ngầm đường dây rất tốn kém, vậy giải quyết được rác trời chỉ còn cách bó, thanh thải, sắp xếp cho gọn lại. Hà Nội đã chỉnh trang, trang trí bằng hệ thống đèn chiếu sáng vừa đảm bảo tính truyền thống, vẫn mang tính hiện đại, nhưng cũng không để lòe loẹt, thể hiện tính văn hóa. Trật tự giao thông đã khá hơn, tai nạn giao thông giảm, điểm đen giảm” – Chủ tịch bày tỏ.
Theo Chủ tịch để tạo ra một Hà Nội văn minh, cần mỗi con người, mỗi góc phố, mỗi hàng cây đều phải văn minh, xanh, sạch. Chủ tịch ghi nhận, biểu dương các tổ chức cơ quan, các cấp, các ngành và người dân đã hưởng ứng, thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”. Tuy nhiên, còn có những vấn đề chưa chuyển biến, chuyển biến còn chậm. Còn nhiều nơi nhếch nhác, đường phố bụi bặm. Còn những ngõ, phố chưa được sắp xếp, chỉnh trang. TP đánh giá đây không phải là việc dễ, không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực. Có những công trình công cộng còn chưa được giữ gìn sạch, đẹp. Trật tự giao thông còn lộn xộn. Một số tuyến đường dù được phân làn, phân luồng nhưng có những điểm chưa phù hợp; người tham gia giao thông tại Hà Nội chưa đi trật tự như TP Hồ Chí Minh. Nước sông hồ còn ô nhiễm. Sở TNMT cần có giải pháp xử lý mùi của các sông, hồ, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra việc chèo kéo khách du lịch vẫn còn tồn tại.
Tiếp đó là nguy cơ tái phát ùn tắc giao thông. Hệ thống cầu vượt đưa vào sử dụng nhưng với tốc độ gia tăng của phương tiện, xe máy khoảng 10% (4 triệu xe máy), ô tô đạt mức hơn nửa triệu nguy cơ ùn tắc đang tăng lên. Đổ phế thải, rác thải bừa bãi cũng có nguy cơ tái diễn.
Năm 2015, theo Chủ tịch phải có sự đột phá, tránh biến hè đường thành “tài sản riêng”; Xử lý những vấn đề bức xúc hiện nay. Nhà nước lo xử lý rác trời, người dân các cơ quan cần có ý thức chỉnh trang công sở, nhà cửa; sửa sang mái che, mái vẩy. Về cách thức tổ chức thực hiện, TP cần lựa chọn những đầu việc lớn, các ngành lựa chọn những lĩnh vực, địa phương lựa chọn những địa bàn để tập trung thực hiện, tạo mô hình để nhân rộng, có thể thu hút nhiều người tham gia, có thể huy động nguồn lực của xã hội. Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tính toán điều kiện khả thi; tính đến nguồn lực, tính thiết thực, hiệu quả.
Chủ tịch cũng lưu ý cách làm kinh điển nhưng hiệu quả đó là tổ chức các đợt cao điểm, ra quân, khuấy động phong trào. Sáng 5/1 tới đây, TP sẽ tổ chức ra quân phát động “Năm văn minh trật tự 2015”. Kỳ vọng năm 2015 sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại hơn.
Một số ý kiến về thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị: - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa: Với vị trí quận trung tâm, công tác giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là một trong hai khâu đột phá của quận. Nhiều giải pháp đã được đề ra để đạt mục tiêu sạch hơn, đẹp hơn, gọn hơn. Quận tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh ngoài mặt phố. Với những hộ trây ỳ, công an phường mời lên ký cam kết trực tiếp, nêu rõ các hành vi vi phạm, chế tài xử lý. Tổ chức rà soát các điểm giao thông tĩnh; Tập trung xóa bỏ các tụ điểm phức tạp, 6 điểm bệnh viện lớn, quảng trường ga Hà Nội… - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức: Đan Phượng có tốc độ đô thị hóa nhanh nên các vấn đề trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, giao thông… đều phức tạp. Các chi hội, thôn, phố đã vào cuộc đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp, khối lượng rác thu gom hàng ngày đảm bảo 98%. UBND huyện đã tổ chức 8 cuộc ra quân lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Đề cao ứng xử văn hóa giữa con người với con người, giữa cán bộ với người dân và ứng xử của con người với môi trường. - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng: TP có lượng dân cư đông, luôn ở mức khoảng 10 triệu dân, áp lực lên hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội. Sự đầu tư chưa đồng bộ, chính sách quản lý còn thiếu, ý thức của người dân còn chưa cao. Năm 2014 là năm đột phá trong trật tự văn minh đô thị, các ngành, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Các thành tích, kết quả đã đạt được trong năm 2014 là đáng khích lệ nhưng chưa thực sự như mong muốn. Đầu voi, đuôi chuột; đánh trống bỏ dùi…, năm 2015 tiếp được lựa chọn thực hiện phải phát huy kết quả đạt được, phát huy những ưu điểm, cách làm hay. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.