Phòng cháy chữa cháy

Hà Nội: Ưu tiên phân bổ đầu tư công cho hạ tầng phòng cháy, chữa cháy

Tiến Thành 14/02/2025 - 17:24

Ngày 14-2, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nêu rõ, việc triển khai thực hiện phải bám sát theo mục tiêu, yêu cầu và định hướng Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, bảo đảm tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn thành phố, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; bảo đảm tính liên kết, thống nhất, tính khả thi, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực, địa phương; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong triển khai thực hiện.

Thành phố huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, đầu tư công tập trung cho các dự án quan trọng của thành phố. Đồng thời, đề cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp.

Hà Nội ưu tiên phân bổ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách thành phố giai đoạn 2024-2025 và giai đoạn đến năm 2030 để thực hiện các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là các dự án để triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trong đó, xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng phòng cháy, chữa cháy phù hợp với xu hướng “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Bảo đảm hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất, có khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương; hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của ngành Công an và các ngành/lĩnh vực có liên quan; hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ưu tiên phân bổ đầu tư công cho hạ tầng phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.