(HNM) - Giáp Ngọ 2014, năm con ngựa - biểu tượng của mặt trời thuộc dương hỏa, tượng trưng cho sức nóng, cho sức bật, cho sự nhanh nhẹn và dũng mãnh đang đi qua.
Xuân về bên Hồ Gươm. Ảnh: Thái Hiền |
Tháng 11 âm lịch năm con Ngựa, thời tiết rét buốt bao trùm miền Bắc nhưng niềm vui khánh thành cầu Nhật Tân lan tỏa làm nóng bầu không khí Hà Nội. Cây cầu dây văng hiện đại thanh thoát với 5 trụ cầu cao vút tượng trưng cho 5 cửa ô như dải lụa vắt qua sông Hồng. Cùng với cầu Nhật Tân, đại lộ thênh thang mang tên vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng được khánh thành. Đại lộ dài 12,1km mềm mại qua huyện Đông Anh thẳng đến nhà ga T2 mới tinh của sân bay Nội Bài như công trình nghệ thuật sắp đặt trở thành cửa ngõ đi vào Thủ đô. Ngày khánh thành, ông Nguyễn Hữu Chiến, một trong những người lính từng trong đoàn quân về tiếp quản Hà Nội năm 1954 bắt cháu đưa đi, nhìn về cầu Long Biên lịch sử, mắt ông rớm lệ. Thoắt đã hơn nửa thế kỷ…
Trước đó, cầu Đông Trù, cây cầu nằm trên quốc lộ 5 kéo dài cũng đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, rút ngắn quãng đường cho xe tải cỡ lớn chở hàng từ các tỉnh Tây Bắc xuống cảng Hải Phòng và ngược lại. Không chỉ giảm bớt áp lực giao thông cho nội đô mà còn kết nối các tuyến với nhau, tạo thuận lợi cho các tỉnh phía Bắc phát triển kinh tế xã hội. Nhưng đâu chỉ có các công trình tầm cỡ quốc gia, cây cầu nhỏ bắc qua sông Tô Lịch, nối Thanh Nhàn với phố Lạc Trung được đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đi lại dễ dàng hơn, không còn những bộ mặt căng thẳng. Và cuối năm con Dê, đường Thanh Nhàn mở rộng hoàn thành sẽ giải quyết được bức xúc cho những người phải thường xuyên qua lại tuyến đường này. Nhiều ngõ hẹp trong khu vực nội đô cũng được đổ bê tông nâng cấp, tránh ngập úng và cũng là để xe cộ đi lại thuận tiện. Ngạn ngữ có câu "Có đi thì mới đến", nói một cách công bằng, từ lãnh đạo thành phố đến các sở ban ngành và cả người dân Thủ đô đều đã đóng góp trí tuệ, công sức cho những kết quả ấy. Nếu không có sự chia sẻ, chấp nhận thiệt thòi của người dân quận Tây Hồ, huyện Đông Anh thì cầu Nhật Tân, Đại lộ Võ Nguyên Giáp không thể về đích đúng hạn? Qua dự án này càng chứng minh một điều: Khi chính quyền, chủ đầu tư công khai, minh bạch kế hoạch giải phóng mặt bằng, mức đền bù trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân thì người dân sẽ ủng hộ và đồng thuận.
Chợ hoa Hàng Lược những ngày áp Tết. Ảnh: Phương Nguyên |
Từ nhiều năm trước và cả năm 2014, khi nói về Hà Nội, dư luận thường tập trung chủ yếu vào ùn tắc giao thông và lối sống xuống cấp của một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị. Ai cũng biết lối sống xuống cấp diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, chẳng riêng gì Hà Nội, nhưng Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến nên dư luận quan tâm hơn và cũng làm to chuyện hơn. Cái lắc đầu và tiếng thở dài khe khẽ của lớp người lớn tuổi mong "bao giờ cho đến ngày xưa" là có thật. Dù có dùng khái niệm mới "văn hóa động" thay cho khái niệm "văn hóa bất biến" cũng không thể ngụy biện cho lối sống xuống cấp. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã từng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc khi nạn quảng cáo, rao vặt dán trên cột điện, in trên tường tràn lan khiến bộ mặt phố phường nhem nhuốc, nhếch nhác. Trong năm 2014, Bí thư Thành ủy đã trực tiếp đi kiểm tra tuyến phố Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, phê bình vỉa hè ở con đường "đắt nhất hành tinh" vừa kém chất lượng vừa thiếu mỹ quan. Nguyên nhân lối sống xuống cấp có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân chính là các "Luật Giao thông đường bộ", "Luật Bảo tồn văn hóa di sản", "Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm" và các luật khác không được thực thi nghiêm túc. Khi lòng tự trọng, biết xấu hổ trở thành thứ xa xỉ thì trên hết rất cần giữ nghiêm phép nước, song thực tế lại không như vậy. Lãnh đạo thành phố sớm nhận ra điều đó nên lấy năm 2014 là năm "Trật tự và văn minh đô thị", nhà xây trái phép bị xử lý, lập lại trật tự lòng đường vỉa hè, thành phố đã tích cực phối hợp với ngành điện lực, bưu chính viễn thông thực hiện dự án "thành phố không dây", xóa bỏ "mạng nhện" trong không gian đô thị. Từ những tín hiệu tích cực ban đầu, Hà Nội tiếp tục lấy năm 2015 là năm "Trật tự và văn minh đô thị". Nếu năm con Dê này, "Bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội" xin ý kiến các ban ngành và được HĐND thông qua thì thái độ và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, bệnh viện, trường học, khu dân cư và nơi công cộng sẽ dần khác theo hướng văn hóa hơn cho dù bộ quy tắc không có tính pháp lý mà tập trung khơi dậy tính nhân văn, lòng tự trọng trong mỗi con người.
Trong năm con Ngựa, Hà Nội còn làm được nhiều việc như: Duy trì được sản xuất công nghiệp, tháo gỡ nhiều nút thắt để các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp phụ trợ, công viên phần mềm. Đây là tiền đề thu hút các dự án mới tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, thành phố đồng ý cho doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi mục đích từ thương mại đang ế ẩm thành nhà ở xã hội giúp doanh nghiệp bán được hàng và người dân có thu nhập trung bình thêm cơ hội an cư. Và tết Ất Mùi này, hàng trăm hộ gia đình hẳn sẽ ấm cúng, vui vẻ trong căn nhà mới mà họ ao ước bao nhiêu năm nay. Tại các huyện ngoại thành năm 2014 cũng có nhiều xã đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, Hà Nội cũng là Thủ đô đang phát triển, nên công việc trước mắt còn ngổn ngang, công việc trong tương lai cũng bề bộn, phức tạp. Mặt trời chưa lên nhưng thành phố đã bị hàng vạn chiếc xe máy đánh thức. Đến giờ đi làm, đưa con đi học, hàng triệu chiếc xe máy cùng đổ ra đường, lại thêm ô tô, xe máy từ các tỉnh đổ về trong khi hạ tầng đang mở rộng, thi công sẽ vẫn là những bức bối. Chừng nào tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, Diễn - ga Hà Nội chưa hoàn thành thì ách tắc, ùn ứ giao thông là khó tránh. Cùng với các vấn đề xã hội cần giải quyết thì cải cách hành chính dù được tăng hạng năm 2014, song để đi đến cái đích nền hành chính phục vụ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đối với người dân, từng gia đình lại có nỗi niềm riêng, người nghèo lo lắng nồi cơm năm nay có được như năm ngoái không, bệnh tật chạy chữa thế nào khi giá viện phí tăng cao. Rồi thực phẩm không an toàn bán tràn lan, bệnh ung thư ngày càng nhiều…
Trong các truyền thuyết về Thăng Long thường liên quan nhiều đến con Rồng (thành Thăng Long), Ngựa (đền Bạch Mã) hay con Chó (đền Cẩu Nhi) song con Dê lại có liên quan đến một phong tục đẹp ở khu phố cổ. Thời xưa, vào ngày rằm tháng Giêng, tại đền Bạch Mã diễn ra buổi đấu giá đèn lồng, đèn làm bằng khung gỗ tốt, lợp bằng gấm điều trên có chữ bằng quì "Tam Dương Khai Thái". Nhà đền sẽ bán cho người nào trả giá cao nhất và tiền đó một phần để dùng vào việc thờ cúng một phần giúp dân nghèo. "Tam Dương Khai Thái" là tên một quẻ trong dịch, chữ Dương ở đây đồng âm với Mùi (dê) tượng trưng cho sự khai mở. Quẻ này là quẻ thành công ba việc lớn nôm na là "khó khăn qua đi, khai mở và thông thuận". Tuy nhiên thành công không bỗng nhiên đến mà phải có cơ sở và cơ sở là Hà Nội đã quyết tâm, Hà Nội đã làm và sẽ làm quyết liệt thì quẻ dịch này ứng với Hà Nội trong năm Ất Mùi.
Nói về thành công, người xưa có câu "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", hiểu nôm là năm 2014 là năm thuận lợi cho Hà Nội, Hà Nội rộng hơn từ khi mở rộng, có vùng đất cao có nơi đất thấp, có sơn, có thủy và sông Tích khởi nguồn từ Ba Vì, sông ôm lấy núi là địa lợi. Nhưng người xưa lại nói thêm "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa" (thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người). Lòng người trong thiên hạ là lòng dân, khi dân an, dân tin và mọi việc làm đều vì dân thì chẳng có lý gì mà lòng dân không thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.