(HNM) - Joe Ruelle - anh chàng người Canada nói tiếng Việt siêu và chuẩn hơn cả người Việt đã từng làm MC, diễn viên, xuất bản sách với những góc nhìn thú vị về Việt Nam. Mới đây, Joe (được gọi thân mật là "Dâu Tây") đã sáng tác ca khúc "Hanoi Boogie" khá vui nhộn để chào mừng thành phố nghìn năm tuổi nơi anh đang sống. Ca khúc cho ta thấy Hà Nội thật đáng yêu trong mắt một người nước ngoài như "Dâu Tây".
Joe Ruelle (trái) và Lee Kirby - ca sĩ hát chính Hà Nội Boogie trong phòng thu. |
Mới ra mắt khoảng nửa tháng nay, nhưng "Hanoi Boogie" đã được nhiều bạn trẻ yêu thích. Giờ tới một số cửa hàng, quán ăn phục vụ người nước ngoài, đã có thể thưởng thức giai điệu vui nhộn của ca khúc rồi. Tác giả của ca khúc không phải ai khác, chính là anh chàng "Dâu Tây" nổi tiếng. Cảm xúc bắt nguồn vào một buổi chiều mùa đông, phần lời ca khúc được Joe hoàn thành không bao lâu sau đó. Nhưng phải mất vài tháng để hoàn thiện phần nhạc và thu âm cho ca khúc. Trang web chính thức của bài hát www.hanoiboogie.com, giới thiệu: "Vào một buổi chiều mùa đông, một nhóm người Tây quyết định tặng quà cho thành phố nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó chỉ là một món quà giản dị, nhưng là cách chúng tôi chúc mừng sinh nhật thành phố và cảm ơn quãng thời gian đẹp đẽ tại nơi đây".
Nhóm những người biết ơn Hà Nội ở đây ngoài "Dâu Tây" là 15 người "Tây" khác cùng góp giọng, góp tiếng đàn cho ca khúc. Ca sĩ hát chính là Lee Kirby - chàng trai Anh hát nhạc Trịnh, cùng Ruth Mortimer (dẫn chương trình của VTV4), Kate Cameron, nhà văn Meke Kamps đến từ Hà Lan cùng nhóm bè. Nhóm chơi nhạc là Dan Ruelle (em trai Joe), Dave Payne, Martin Bulard… đều là những người "biết ơn Hà Nội" như lời họ nói.
Trong "Hanoi Boogie", Joe đã thể hiện cái nhìn về Hà Nội qua chuyện tình của một đôi trai gái. Những nơi chốn hẹn hò, những việc họ làm, những thói quen của họ đã khắc họa một Hà Nội trẻ trung, sinh động như thành phố vốn có. Nhưng khi nghe ta không thấy quá nhiều hình ảnh mang dấu ấn nghìn năm như Tháp Rùa, như nét trầm mặc phố cổ, nét thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội. Mà lại xuất hiện bến Hàn Quốc, Nhật Bản (đường ven Hồ Tây), những góc nhỏ bí mật ở Trường Ams (Hà Nội - Amsterdam) là những khoảng không gian yêu thích của nhiều bạn trẻ. Cả món trà chanh trên phố Nhà Thờ, cà phê đá, kem sô-cô-la được mua bằng mấy đồng tiền lẻ cho em… Đó đều là những thói quen rất thời thượng của bạn trẻ Hà Nội. Bằng những hình ảnh gần gũi như vậy, Hà Nội hiện lên trong bài hát hết sức "mộc", sinh động và tự nhiên. Joe cũng cho thấy sự lãng mạn với những góc nhìn rất thơ về Hà Nội, đó là hình ảnh mùa thu đang đến trong ly cà phê đá, là mặt trời bỗng trở màu đỏ chói và lặn dần sau dáng dấp của khu phố cổ. Tất nhiên, bài hát không giấu được nét hóm hỉnh của chàng "Dâu Tây", ấy là sau một ngày dài đưa em đi qua bao phố phường Hà Nội, chàng trai muốn hôn "em" nhưng không biết làm thế nào, đành ngồi sát bên em như một chú hổ con sợ hãi… Chuyện tình giản dị của họ với những điều rất đỗi bình thường như vậy đang tiếp diễn, như "thành phố anh yêu mến đang trôi theo". Hà Nội với Joe là vậy, yên bình, giản dị như những thứ bảy có anh gần em vậy. Dù có vài sự thay đổi từ xe Wave sang ô tô Toyota thì thành phố này vẫn xanh.
Cùng với những hình ảnh gần gũi của Hà Nội, điệu boogie vui tươi, thoải mải khiến người nghe cũng muốn lắc lư, nhún nhảy theo. Đó là nhịp sống thật trẻ của Hà Nội hiện thời. Và Joe cùng nhóm bạn đang muốn nhiều bạn trẻ cùng nhảy điệu boogie trên khắp thành phố Hà Nội trong dịp Đại lễ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.