(HNM) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Lê Vượng là một trong những tay máy bền bỉ nhất gắn liền với Thủ đô trong vài thập kỷ qua. Chỉ đến khi mắt mờ, chân chậm ở tuổi gần 100 ông mới thôi lang thang khắp phố, khắp làng để ghi lại những khoảnh khắc của Hà Nội.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng với chắt trai. |
Nhân chứng thời đại
Chúng tôi tìm đến căn phòng nhỏ ở tầng 2 của một ngôi biệt thự cũ trên phố Trần Quốc Toản, gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đúng ngày Quốc khánh 2-9. Ở độ tuổi "không mấy người bằng" nhưng ông vẫn tinh anh, hoạt bát và không giấu niềm phấn chấn trong cái bắt tay: “Thật là một ngày ý nghĩa”. Xin chụp ảnh trước khi trò chuyện, lão nghệ sĩ chu đáo nhắc người con trai bật đèn, kéo rèm cửa sổ để có ánh sáng tốt. Nghệ sĩ cũng giới thiệu bức tranh do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ tặng, bức ký họa của danh họa Bùi Xuân Phái hay từng bức ảnh mà ông đã chụp với phần thuyết minh của con trai Lê Cường - người đang sống cùng, chăm sóc ông. Tiếng ông sang sảng, đầy tự hào khi nói về người con trai duy nhất theo nghiệp cha.
Rồi câu chuyện hướng về những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, Lê Vượng cùng người anh của mình lập đoàn cải lương Tố Như, đóng góp những vở cải lương mang nội dung cổ vũ tình yêu nước và bí mật tạo điều kiện cho Mặt trận Việt Minh tuyên truyền cương lĩnh trong những buổi diễn...
Sinh năm 1918 trong một gia đình trí thức gốc Hà Nội, Lê Vượng có điều kiện học hành chỉn chu và tiếp cận nhiều tri thức, kỹ thuật mới. Năm 18 tuổi, ông được người thân sắm cho một chiếc máy ảnh, lên phố tham gia hiệu ảnh Khánh Ký của cậu ruột để mày mò học nghề. Nhắc đến nhiếp ảnh, ông say sưa kể: “Ngày đó tôi mê chụp ảnh lắm. Thấy cái gì đẹp, cái gì hay là bấm máy. Phải bấm nhiều lần, nhiều góc rồi về rửa ảnh và mang đến cho bạn bè, họ hàng góp ý”. Bạn bè, họ hàng của ông kỳ thực toàn là những nghệ sĩ danh tiếng như họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao…
Sau Cách mạng Tháng Tám, Lê Vượng tham gia kháng chiến rồi dạy học tại Thanh Hóa và vẫn giữ thói quen chụp ảnh. Năm 1954, Nhà Xuất bản Mỹ thuật âm nhạc cần cán bộ, ông trở lại Thủ đô làm biên tập và sáng tác ảnh cho đơn vị này. Khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thành lập vào năm 1966, ông là một trong những cán bộ đầu tiên được tuyển chọn về công tác với nhiệm vụ chụp ảnh, ghi tư liệu về mỹ thuật, kiến trúc cổ Việt Nam. Cũng từ đây ông có điều kiện đi khắp nơi, miệt mài chụp ảnh và tạo ra một kho tư liệu khổng lồ gồm hơn 8 vạn bức ảnh về các di tích, đường nét kiến trúc cổ, đình chùa, lăng tẩm, miếu mạo, tranh tượng, văn hóa các dân tộc hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nói về sự say sưa với nhiếp ảnh của cha, ông Lê Cường chia sẻ: “Ngày bé, tôi quen với hình ảnh cứ chiều về là bố tôi lại đạp xe đi khắp phố phường, ngõ ngách để chụp hình, đều đặn lắm. Cuối tuần ông còn đạp xe ra ngoại thành tìm cảm hứng sáng tác. Có lúc ông đưa cả anh em tôi theo. Và tôi cũng đam mê nhiếp ảnh từ đó”. Ông Lê Cường nhớ lại, vào những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, như dịp Quốc khánh, cha ông thường tìm đến những vùng quê, làng xã, ghi lại hoạt động lễ hội. Nghệ sĩ cho rằng, văn hóa là con người, là tâm hồn của mỗi mảnh đất và đáng để lưu lại, để kể chuyện cho hậu thế.
Hà Nội - mảng ảnh đậm sâu
Dù đi khắp chốn, từ núi cao đến biển cả, trong Nam, ngoài Bắc đến các nước láng giềng hay quốc gia phương Tây xa xôi, nhưng Hà Nội vẫn là nơi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng dành tình yêu sâu đậm. Ông hiện sở hữu một kho ảnh về Thủ đô khó ai có thể tạo dựng được.
Trong cuốn sách ảnh “Những khoảnh khắc” dày dặn chọn lọc khoảng 200 bức ảnh đặc sắc của Lê Vượng (xuất bản năm 2012) mà ông đặt ngay trên ghế ngồi, lần giở hằng ngày, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc viết: “Lê Vượng không chạy theo một trường phái nào cả. Ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần với hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc. Đặc biệt về màu sắc, ảnh của ông gần với hội họa Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng”.
Điều ấy là có nguyên do. Lê Vượng là cháu ruột của danh họa Lê Phổ - người vẽ bức tranh “Đời sống gia đình” nổi tiếng thế giới vừa được đấu giá vượt ngưỡng 1 triệu USD. Từ thuở nhỏ, hai chú cháu hơn kém nhau 10 tuổi nên chơi rất thân với nhau. Dẫu mỗi người có một đam mê riêng, nhưng họ từng cùng mua từng thước phim, từng món họa phẩm, cùng đi thực tế sáng tác và thường xuyên nhận xét về tác phẩm của nhau. “Chú Lê Phổ góp ý với tôi rất nhiều về góc chụp, còn danh họa Nguyễn Đỗ Cung là người thầy dạy tôi về đường nét, màu sắc, bố cục”, nghệ sĩ Lê Vượng chia sẻ.
Ảnh chụp về Hà Nội của Lê Vượng không chỉ là những khoảnh khắc ông chứng kiến, mà chất chứa yếu tố hội họa, ẩn sâu nét tinh tế của người Tràng An. Bức “Một góc phố Hà Nội” với những mái ngói cổ xưa gợi nhiều đến tranh phố của Bùi Xuân Phái. Cầu Thê Húc, tháp Rùa hay cổng chùa Trấn Quốc trong những bức ảnh đen trắng của ông hằn lên đường nét cá tính, chất chứa sự thăng trầm của mảnh đất Kinh kỳ. Kể cả những ảnh ông chụp làm tư liệu - về một góc chùa, một mảnh gốm cổ hay hoa văn trang trí - cũng thấy bóng dáng, hồn cốt Hà Nội qua nhiều thời kỳ. Những bức “Xuân về”, “Sáng sớm”, “Hoa gạo đầu thôn”… làm nên một phong cách ảnh hội họa về Hà Nội không trộn lẫn của Lê Vượng.
Không chỉ nổi bật ở những bức ảnh phong cảnh, thói quen ghi lại mọi cái đẹp trong tầm mắt của Lê Vượng đã tạo nên những câu chuyện kể về cuộc sống của người Hà Nội trong gần một thế kỷ qua. Đó là những phu kéo xe hồi đầu thế kỷ XX, những người dân chài sinh sống ven sông Hồng, nhịp sống hối hả của người Hà Nội hôm nay... Niềm vui của ông hiện giờ là có đủ đầy con, cháu, chắt thành đạt quây quần bên cạnh, nhắc về người vợ xinh đẹp nhất nhì đất Hà thành mà ông may mắn được làm bạn đời.
Mùa thu năm trước, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng hân hoan trong ngày nhận Giải thưởng lớn trong hệ thống giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Năm nay, ông có yếu đi đôi chút, bước chân chậm hơn nhưng vẫn tinh anh, rạng ngời trong buổi khai mạc triển lãm “10 năm - Vì tình yêu Hà Nội” tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm giữa tháng 8. Sức lao động bền bỉ, hăng say của ông vẫn đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.