Dù đã có nhiều ca khúc bất hủ về Hà Nội, nhưng nơi đây vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), các tác giả càng hăng say, hứng khởi sáng tác về mảnh đất này, tạo nên những thanh âm mới thấm đẫm vẻ đẹp và hơi thở thời đại, góp phần kiến thiết Thủ đô, xây dựng người Hà Nội trong giai đoạn mới bằng âm nhạc.
Góc nhìn đa chiều về Hà Nội
Đời sống âm nhạc về Hà Nội thời gian này, như nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định, là vô cùng sôi nổi, với sự hòa mình, dấn thân, tìm tòi của nhiều thế hệ nhạc sĩ. Nhất là mảng ca khúc đang có được mùa bội thu với hàng trăm sáng tác mới ra đời.
Các nhạc sĩ kỳ cựu vẫn đều đặn sáng tác những tác phẩm mới với những dấu ấn riêng. Tiêu biểu như nhạc sĩ Cát Vận với ca khúc “Hàng Buồm phố cổ tôi yêu” về nơi hội tụ của văn nghệ sĩ Thủ đô; nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí với bài hát “Hà Nội vinh quang” mà ông tâm sự đã ấp ủ sáng tác đến gần 10 năm; nhạc sĩ Lê Mây tạo nên sự độc đáo, khác biệt trong ca khúc “Chùa Hương”, “Mùa”… Thế hệ nối tiếp có nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung vừa ra mắt bộ đôi ca khúc “Thanh âm Hà Nội” và “Cô đơn giữa Hà Nội” tri ân với mảnh đất này; nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh thể hiện những hương hoa đắm say của Hà Nội qua bài hát “Hà Nội thơm”… Các ca khúc đang được nhiều ca sĩ danh tiếng thể hiện, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống.
Minh chứng rõ ràng nhất là tại cuộc thi sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội” năm 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), đã ghi nhận gần 200 ca khúc mới sáng tác về Hà Nội. Trong đó có nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Như ca khúc “Hà Nội mùa yêu thương” của nhạc sĩ Vũ Ngọc Đảm, viết về sự chuyển mình đẹp đẽ và thơ mộng của bốn mùa ở Thủ đô, bằng giai điệu blue jazz trẻ trung, giàu tiết tấu, hợp thị hiếu của người yêu nhạc hiện nay. Cảm hứng từ chính câu chuyện tình yêu của bố mẹ thời bao cấp ở Hà Nội, nhạc sĩ trẻ Tạ Duy Tuấn gửi gắm trong ca khúc “Hà Nội ngày… tháng… năm” thông điệp về sự gắn bó, tình yêu với Hà Nội và sự tiếp nối xây dựng Thủ đô của thế hệ trẻ.
Còn Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Thúy My lại đặt tâm huyết của mình trong loạt ca khúc dành cho thiếu nhi như “Hà Nội Thủ đô em mến yêu”, “Tự hào Thủ đô mến yêu”... Những hình ảnh Hà Nội thân thương, con người thân thiện, đặc biệt là lịch sử hào hùng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình được nhạc sĩ đưa vào các ca khúc với giai điệu hứng khởi, dễ hát, dễ thuộc và phần rap tươi mới, hợp thời đại thu hút được sự chú ý của thế hệ măng non… Ban tổ chức còn chọn 70 tác phẩm tiêu biểu, chất lượng từ cuộc thi in thành tuyển tập ca khúc “Thanh âm Hà Nội” năm 2024 để lan tỏa tới công chúng.
Nối tiếp dòng chảy dựng xây Thủ đô bằng âm nhạc
Đã có biết bao nhạc sĩ sáng tác về Hà Nội, cũng đã có rất nhiều tác phẩm hay về nơi đây để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Song, các nhạc sĩ đương thời vẫn nối tiếp dòng chảy đó, tạo nên những tác phẩm mới mang hơi thở của thời đại hôm nay. Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung bày tỏ: “Hà Nội luôn mang một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Nơi đây không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà còn bởi tâm hồn, tình cảm của con người. Thủ đô hôm nay cũng đang vươn lên không ngừng, đổi mới và hiện đại. Như bao người con Hà Nội, tôi muốn thể hiện tình yêu, tri ân của mình với mảnh đất này. Và âm nhạc có lẽ là cách thể hiện thú vị nhất”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Vũ Ngọc Đảm chia sẻ nhiều trăn trở, cân nhắc khi viết ca khúc về Hà Nội để tạo ra nét mới, khác biệt với những tác phẩm nổi tiếng trước đây. “Tôi chọn chủ đề ca khúc, đặt tên, thể loại rồi chắt chiu những chi tiết, góc nhìn riêng đưa vào tác phẩm”, tác giả ca khúc “Hà Nội mùa yêu thương” kể. Còn nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn cho hay, anh viết ca khúc bằng sự thăng hoa, cảm xúc từ trái tim và tư duy âm nhạc của thế hệ mình. “Các tác giả trẻ hiện nay có điều kiện vô cùng thuận lợi khi được sống trong lòng Thành phố Vì hòa bình, được tự do sáng tác, phát huy năng lực. Tôi rất tự hào và vinh dự được đóng góp xây dựng Thủ đô, phát triển văn hóa Hà Nội bằng âm nhạc”, tác giả “Hà Nội ngày… tháng… năm” bày tỏ.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ đã tham gia sinh hoạt trong Đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Thúy My dành nhiều tâm huyết viết ca khúc về Hà Nội cho thiếu nhi, với mong muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc, tình yêu Hà Nội tới thế hệ trẻ. “Thẩm mỹ âm nhạc của thiếu nhi hiện nay có nhiều thay đổi, vì vậy, viết ca khúc cho các em phải có sự mới mẻ, “bắt trend” trong tiết tấu, ca từ, để các em cất tiếng hát cảm thấy hứng khởi, yêu thích”, nhạc sĩ Thúy My cho hay.
Theo dõi đời sống âm nhạc của Thủ đô nhiều năm, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhận định, các sáng tác mới về Hà Nội hôm nay phong phú, đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật, có sức lan tỏa. Có cả sáng tác về vẻ đẹp Hà Nội xưa mang âm hưởng dân gian đương đại và có những tác phẩm về Hà Nội hiện đại, năng động mang phong cách trẻ trung của pop, rock, nhạc điện tử… để cho đơn ca, song ca, tốp ca hay đối tượng thiếu nhi thể hiện. Đặc biệt, lớp tác giả trẻ biết kế thừa và tiếp nối thế hệ đi trước dành tình yêu, tâm huyết sáng tác về Hà Nội, góp phần cho sự phát triển âm nhạc Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.