Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tràn ngập rau Trung Quốc giá rẻ

Theo GDVN| 19/10/2011 09:59

Tại các chợ đầu mối ở Hà Nội trong những ngày qua, rau Trung Quốc tràn lan trong khi rau nội khan hiếm và giá cả tăng vọt do thiếu nguồn cung.


Những ngày vừa qua, giá rau xanh bán lẻ tại các chợ Hà Nội tăng vọt do khan hiếm nguồn cung.

Các ki-ốt bán rau tại một số chợ lớn như chợ Hôm, chợ Mơ, Trương Định … không phong phú và đa dạng về các chủng loại rau như những ngày trước đó. Không ít khách hàng tới hỏi mua nhưng nhìn kệ hàng rau thưa thớt, ít chủng loại họ lại nhanh bước quay đi.

Lý giải cho điều này, một số tiểu thương tại chợ Hôm cho biết: do rau hỏng, chưa lớn kịp… khiến các thương buôn tại chợ Long Biên không có nhiều hàng.


Qua khảo sát của phóng viên, mặt hàng rau khan hiếm nhất vẫn là cải xanh và cải ngọt, do rau bị hỏng trong đợt mưa vừa qua khiến năng suất giảm mạnh. Theo đó, số lượng rau cải lấy về để bán giảm gần 50% so với mấy ngày trước. Một số loại rau khác cũng giảm nguồn cung khoảng 10 – 20 %. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy giá rau tăng vọt trong thời gian vừa qua.

Đã có lúc, rau muống được bán với giá 17.000 đồng/mớ, rau cải ngọt có giá 20.000 đồng/kg. Chị Hòa, tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở cho hay: “Cách đây 1 tháng củ cải chỉ có giá 10.000 đồng/kg, giờ tăng lên 12.000 đồng/kg”.

Và đây cũng là nguyên nhân chủ đạo khiến các lái buôn tăng cường nhập hàng rau xanh từ Trung Quốc (TQ) về phân phối cho các chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội.

Về giá cả, chị Hoa - chủ tiệm rau ở chợ cóc Hoàng Văn Thái cho biết: “Rau nội và rau ngoại mùa này ngang giá nhau, trừ một số loại ở TQ có mà trong nước thời điểm này đang không có như cải bắp. Trong khi đó, rau TQ luôn màu mỡ, bắt mắt hơn nhiều so với rau trồng trực tiếp trong nước. Thêm nữa, bán rau TQ vẫn chạy và nhanh hơn rau nội”.

Theo ước tính của một số tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng: Số lượng rau củ quả Trung Quốc nhập về chiếm tới 50%. Một số loại rau TQ phổ biến trong mùa này là cải bắp, khoai tây, cà rốt, rau cải ngọt, củ cải trắng, cà chua…
“Lấy hàng nội về rất khó bán. Tôi không hiểu tại sao nhưng hầu hết người tiêu dùng nhất là sinh viên đã quen với bắp cải, củ cải đường, khoai tây, cải thảo… của TQ. Cứ đến mua hàng là y như rằng: bàn tay họ thoăn thoắt chọn rau TQ”, đó là câu trả lời vô tư của một người bán hàng tại chợ đầu mối Dịch Vọng mà phóng viên Giáo Dục Việt Nam đã trao đổi được vào sáng sớm hôm nay.

Phân biệt rau TQ và rau Việt Nam như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, chị Thu - tiểu thương buôn rau ở chợ Dịch Vọng tiết lộ một số thông tin “bỏ túi” giúp người tiêu dùng Việt phân biệt được hàng nội và hàng TQ.

Chị nói: Củ cà rốt của Việt Nam (VN) khẳng khiu hơn, xương hơn chứ không mập mạp như cà rốt TQ. Thêm vào đó, màu của cà rốt nội bao giờ cũng nhạt hơn cà rốt hàng nhập.

Đối với bắp cải, có thể nhận biết bằng cách: Bắp cải TQ thường to bằng nắm tay, tròn, xanh nhạt, lá xoăn, bọc trong nilon trắng. Còn rau bắp cải Đà Lạt to, dẹt trắng, giống rau cải bắp miền Bắc, ăn ngọt hơn. Su hào VN màu sắc tươi hơn trong khi rau TQ màu dại và to hơn. Súp lơ bày bán trên thị trường hiện nay, theo chị Thu chủ yếu là hàng TQ, mặt dầy hơn,trắng hơn chứ không "mỏng tay" như súp lơ ở VN. Còn mướp đắng TQ thường dài, thẳng tuột và gai nhẵn hơn so với mướp đắng nội.

“Riêng dưa chuột TQ mùa này hầu như không nhập về, vì trong nước lúc nào cũng sẵn. Ngoài ra, đậu đũa là loại rau rất khó phân biệt là ta hay TQ vì khi rau TQphát triển tốt, nhìn quả đậu mập, xanh non mơn mởn không khác đậu đũa của ta”.

Chị Thu "bật mí": Hầu hết cánh tiểu thương khi đi nhập rau về đều biết: Đó là rau TQ hay rau nội, tuy nhiên chị Thu đinh ninh: “Người tiêu dùng bình thường chắc chắn sẽ không thể phân biệt được”. Tùy vào nhu cầu cụ thể mà các tiểu thương sẽ nhập nhiều rau nội hay rau TQ.

Sau nhiều lần đi chợ và trò chuyện với người bán hàng, bà Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã nghiệm ra một kinh nghiệm rằng: “Củ quả của Việt Nam thường mùa nào thức nấy. Vì thế, nếu có rau củ trái mùa, phần nhiều từ Trung Quốc nhập về. Đặc biệt, một số loại rau quả không thể trồng được ở Việt Nam do thời tiết khắc nghiệt, buộc nhập về từ Trung Quốc”.

Ngoài ra, khi đi chợ, khi mua rau, củ, quả, bà Hòa thường để ý tới lớp vỏ bọc bên ngoài. Bởi “Nếu họ bọc túi bóng trắng hoặc lớp xốp mỏng thì chắc chắn đó là hàng TQ. Trong quá trình vận chuyển, các lái buôn đã bọc vỏ bao vào để hoa quả không bầm rập, tránh va chạm gây hư hỏng”.

Tuy nhiên, với lo lắng cho sức khỏe và dinh dưỡng bữa ăn gia đình, bà Hòa nhắn nhủ: “Không nên ham mua nhiều loại rau quả trái mùa và màu mè bắt mắt, cứ mùa nào thức đó ăn thì tốt hơn”.

Cần tăng cường kiểm soát

Giữa lúc những mớ rau nội như rau muống, mùng tơi, cải canh đang khan hiếm với giá tăng vọt, rau vụ đông chưa nhiều thì thay bằng việc đi hết một vòng chợ tìm những mớ rau nội hiếm hoi, không ít người tiêu dùng đành phải gật đầu bằng lòng sử dụng rau TQ vì vừa rẻ hơn (khoảng 20 đến 25%) lại vừa sẵn mặc dù trong lòng luôn phân vân: Liệu rau nhập ngoại có an toàn?

Đề cập tới vấn đề này, Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn - Trưởng phòng khiếu nại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: “Trước tiên về phía các cơ quan chức năng cần tăng cường và thắt chặt công tác kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Về phía người tiêu dùng, cần phải cẩn thận không chỉ đối với rau nhập từ TQ mà cả rau nội địa, khi sử dụng cần có thông tin về rau như kết quả kiểm định của các cơ quan quản lý. Thêm nữa, người tiêu dùng luôn phải chủ động trong việc phản ánh thực trạng đối với các cơ quan chức năng để họ nắm bắt và làm tốt hơn”.

Cũng trong quá trình trao đổi, ông Tuấn cho biết: Hiện tại, ở Việt Nam có nhiều dự án rau sạch đang gấp rút được triển khai. Vấn đề cấp thiết đặt ra là không thể để sự đành lòng chấp nhận của người tiêu dùng trở thành quen. Các cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng và thắt chặt quản lý nhưng có lẽ cần phải thúc đẩy mạnh hơn thực thi các dự án rau sạch để nhanh chóng đáp ứng tốt hơn nguồn cung trong nước bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tràn ngập rau Trung Quốc giá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.