(HNMO) - Nhằm hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng do sự cố nước sông Đà gây ra đến cuộc sống của khoảng 250.000 hộ dân khu vực phía Tây Nam Hà Nội, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo việc điều tiết bổ sung các nguồn nước sạch khác thay thế, đồng thời yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả để người dân sớm được cấp nước sạch ổn định trở lại.
Không để người dân thiếu nước
Thông tin mới nhất vừa được phát đi từ UBND thành phố Hà Nội, cho đến chiều 16-10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ việc nạo vét đất đá tại khu vực bị đổ dầu thải; ngăn chặn váng dầu không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà và súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn.
Kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lấy ngày 14-10 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước mặt sông Đà có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó chỉ tiêu Styren có kết quả là 5µg/l, thấp hơn quy chuẩn cho phép (20µg/l), nên từ 20h30 ngày 16-10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống. Tuy nhiên, Viwasupco tiếp tục nêu rõ khuyến cáo được UBND thành phố đưa ra vào chiều 15-10-2019 là “chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt”.
Ông Nguyễn Hữu Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), đơn vị phân phối nước sạch sông Đà, cho biết, lúc 20h ngày 16-10, đơn vị đã tiếp nhận được nước sông Đà từ Viwasupco và đã mở van, tăng áp để cấp nước tới hơn 147.000 khách hàng thuộc các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy...
Còn tại Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội, đóng trên địa bàn huyện Hoài Đức, đến rạng sáng 17-10 cũng đã tiếp nhận nguồn nước trên để cấp lại vào hệ thống truyền dẫn của đơn vị.
“Khi nào người dân có thể yên tâm sử dụng nguồn nước này để ăn uống trở lại?” - Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, công tác lấy mẫu nước tại các vị trí để xét nghiệm chất lượng sẽ được thực hiện hằng ngày. Chỉ khi công tác thau rửa kết thúc và kết quả xét nghiệm nước tại các vị trí đều bảo đảm chất lượng, các chỉ số đều đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, thành phố sẽ có thông báo về việc sử dụng nước sạch sông Đà để ăn uống.
Ông Đặng Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, trong thời gian này, công ty tiếp tục mở cửa 24/24h bốn nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng để người dân chủ động vào lấy nước sạch sử dụng sinh hoạt, ăn uống. Đồng thời, công ty hỗ trợ cấp nước miễn phí bằng xe téc cho người dân, cung cấp miễn phí bình nước tinh khiết loại 20 lít cho các trường mầm non.
Công ty nước sạch Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cấp nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước ngầm khác để cung cấp cho khu vực các phường: Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Thanh Xuân Nam, Kim Giang, một phần phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) và các hộ dân dọc đường Nguyễn Trãi (từ ngã tư Chiến Thắng, quận Hà Đông đến ngã tư đường Nguyễn Trãi thuộc phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) với sản lượng ngày 15-10 là 35.000m3/ngày đêm; ngày 16 và 17-10 là 60.000m3/ngày đêm. Các khu vực này người dân có thể dùng nước để ăn uống.
Cuộc sống sinh hoạt của người dân đã vơi đi nhiều vất vả
Chiều 17-10, ghi nhận của HNMO tại một số chung cư thuộc các quận: Nam Từ Liêm, Hà Đông..., cuộc sống sinh hoạt của người dân bớt đi nhiều vất vả khi nước sạch sông Đà đã được cấp lại.
Tại chung cư VOV phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), chị Lê Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ vệ sinh của chung cư, đang vệ sinh khu vực bể nước, cho biết, bể nước tại đây đã được thau rửa sạch sẽ nên trong ngày 17-10, Ban quản lý tòa nhà đã bơm nước trở lại.
Anh Phạm Quang Thuận (số nhà 1801, nhà D2 chung cư VOV) chia sẻ, từ khi cơ quan chức năng khuyến cáo không sử dụng nước sạch sông Đà để ăn uống, gia đình phải mua nước bình về sinh hoạt khá tốn kém. Tuy vậy, ngay sau đó, Ban quản trị tòa nhà đã mua nước từ các xe téc về phục vụ miễn phí cho các hộ dân. “Ngày 17-10, nước sạch sông Đà đã cấp trở lại, chúng tôi rất phấn khởi nhưng mới chỉ sử dụng để tắm giặt, vệ sinh. Nước ăn uống sử dụng nguồn do Ban quản trị tòa nhà cấp riêng”, anh Thuận nêu cụ thể.
Tương tự, tại tòa nhà Intracom 1 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), nước sạch sông Đà cũng đã được cấp trở lại. Anh Phùng Văn Phượng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ nêu, trong những ngày qua, chung cư vẫn còn nước dự phòng trong bể chứa trên tầng thượng nên cuộc sống của cư dân không bị xáo trộn nhiều. Còn theo anh Nguyễn Đông Hải, Phó Trưởng ban quản lý tòa nhà: “Nước sạch sông Đà đã cấp lại nhưng đa số các hộ dân đi làm đến chiều mới về nên 18h ngày 17-10, chúng tôi mới mở nước trở lại. Về cảm quan, tôi chưa phát hiện nước có gì bất thường...”.
Khẩn trương thau rửa toàn bộ bể nước các khu vực ảnh hưởng
Để khắc phục các hậu quả của nguồn nước cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà cho các vùng bị ảnh hưởng, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu toàn bộ ban quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất (trừ những khu vực đã được cấp nguồn từ nguồn nước sạch do Công ty nước sạch Hà Nội cung cấp) tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc các tòa nhà.
Tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), địa bàn tập trung 24 bể chứa nước của 12 tòa trong tổ hợp chung cư HH Linh Đàm bị ảnh hưởng bởi sự cố nguồn nước sạch sông Đà, công tác này đang được khẩn trương hoàn tất theo đúng thời hạn mà thành phố giao (trước ngày 20-10).
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm cho biết, đến 10h30 ngày 17-10, công tác thau rửa bể nước ngầm và bể nước mái nhà của tòa HH1A đã hoàn tất. Trong quá trình thau rửa bể chứa có sự kiểm tra, giám sát của đại diện cư dân chung cư. Nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được đưa vào bể chứa của tòa HH1A để cấp cho cư dân.
“Bên cạnh việc thau rửa bể, chúng tôi cũng mời cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng quận Hoàng Mai xuống lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm, khi có kết quả sẽ công bố công khai cho người dân được biết”, ông Chiến cho biết.
Ông Đặng Trường Giang, cán bộ UBND phường Hoàng Liệt nêu, sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND phường Hoàng Liệt, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm và các đơn vị có liên quan về việc bảo đảm nguồn nước sạch cho cư dân tổ hợp chung cư HH Linh Đàm bị ảnh hưởng bởi sự cố nguồn nước sạch sông Đà. Công tác thau rửa bể chứa gặp trở ngại khi toàn bộ tổ hợp chung cư HH Linh Đàm có 24 bể chứa nước với tổng dung tích khoảng 30.000m3, mất rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thành tất.
Nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn này, UBND quận Hoàng Mai đã điều động khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ Công an quận, Ban Chỉ huy Quân sự quận và Đoàn Thanh niên quận phối hợp với 30 nhân viên Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm tham gia súc rửa, thau bể ngầm và bể mái các toà HH còn lại trước ngày 20-10.
Ông Phạm Kim Tuấn (62 tuổi, cư dân tòa HH4C) cho biết, sau khi quận, phường và đơn vị quản lý, vận hành tổ hợp chung cư có những giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm nguồn nước sạch, cư dân tổ hợp chung cư HH Linh Đàm đã yên tâm hơn. “Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia phối hợp với các đơn vị chức năng trong quá trình thau rửa bể chứa nước để rút ngắn thời gian hoàn thành và được cấp nước sạch trở lại”, ông Tuấn nói.
Với những nỗ lực khắc phục triệt để trên của thành phố, người dân hy vọng sẽ sớm được cấp lại nguồn nước sạch, ổn định. Và cũng chính người dân sẽ được theo dõi, giám sát kết quả xét nghiệm các mẫu nước từ đầu đến cuối nguồn được thực hiện hằng ngày và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày tới.
Ngày 16-10, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng nước đóng chai, đóng bình lợi dụng tình hình hiện nay để tăng giá bán nhằm trục lợi, làm lũng đoạn thị trường.
Theo khảo sát của HNMO trong ngày 17-10, nhu cầu nước đóng chai, bình của người dân Hà Nội vẫn cao khiến nhiều siêu thị, cửa hàng trong tình trạng khan hàng. Tuy nhiên, giá bán các mặt hàng này tương đối ổn định. Tại siêu thị TK Mart trên phố Hạ Đình, nước Lavie loại bình 5 lít được bán với giá 25.000 đồng/bình, nước Aquafina loại 1,5 lít có giá 9.000 đồng/chai. Ở một số siêu thị khác, giá phổ biến là 23.000-25.000 đồng/bình 5-6 lít; 9.000-12.000 đồng/chai 1,5 lít.
Ở nhiều cửa hàng bán lẻ, giá cũng không thay đổi. Anh Trần Minh Công, chủ cửa hàng tạp hóa (khu tập thể 5D5 Thanh Xuân Bắc) cho hay, mặc dù những ngày qua, nhu cầu về nước lọc tăng mạnh nhưng cửa hàng vẫn niêm yết mức giá cũ. Hiện, anh bán nước Lavie loại 1,5 lít với giá 8.000 đồng/chai, loại 6 lít 23.000 đồng/bình, loại bình 20 lít có giá 55.000-58.000 đồng/bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.