(HNM) - Thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực. Kết quả đạt được dù mới chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy bước đột phá từ tư duy đến hành động của lãnh đạo thành phố.
Tạo ra làn gió mới
Trong quản lý đô thị tại thành phố Hà Nội, nhiều năm qua, từng xảy ra những chuyện rất bất cập như, thay một cái bóng đèn, phải trình cấp thành phố phê duyệt. Nhu cầu xây dựng trường học rất lớn, có nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền nhưng một huyện trình hồ sơ làm thủ tục mà 3 năm các cơ quan thành phố không trả lời, đẩy đi đẩy lại.
Tất cả những vấn đề này đã cơ bản được khắc phục sau khi thành phố Hà Nội quyết liệt thực hiện phân cấp, ủy quyền. Đến nay, Hà Nội đã phân cấp, ủy quyền 2 mảng chính là phân cấp quản lý nhà nước và phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, thành phố đã điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện 9 lĩnh vực, là những lĩnh vực liên quan nhiều đến dân sinh, như phân cấp cho cấp huyện đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông; đầu tư xây dựng chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; quản lý tượng đài; quản lý di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông... Cộng với 73 nhiệm vụ đã được thành phố phân cấp trước đây, đến nay, thành phố đã phân cấp cho cấp huyện ít nhất 210 nhiệm vụ chính, tăng gần 200%. Đặc biệt, trước thời điểm thực hiện chủ trương mới, thành phố chỉ thực hiện phân cấp, ủy quyền 91 thủ tục hành chính, chiếm 5,31% trên tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện. Đến nay, thành phố đã phân cấp, ủy quyền tổng số 708 thủ tục hành chính, tăng 6 lần.
Những kết quả đạt được dù là bước đầu, nhưng có ý nghĩa to lớn, cho thấy bước đi đột phá. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, đây là cuộc cách mạng bởi đi liền với phân cấp, ủy quyền, thành phố sẽ tổ chức lại bộ máy làm việc các cấp, bảo đảm công việc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, không còn tình trạng né tránh, không chịu trách nhiệm.
Việc thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tạo ra một làn gió mới, nguồn động lực khích lệ tinh thần chủ động của các địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng khẳng định, nhờ thành phố phân cấp, huyện có điều kiện chủ động trong chuẩn bị nguồn lực, lên kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng. Còn theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, nhờ phân cấp, ủy quyền, địa phương có thêm cơ sở kịp thời điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Bài học từ quyết tâm chính trị
Mặc dù vậy, quá trình từ lúc khởi động đến lúc có kết quả phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ như vừa qua không hề đơn giản. Được khởi động từ tháng 7-2021 với chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nhưng phải đến tháng 11-2022 mới có kết quả.
Nhận xét tại buổi chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo phân cấp, ủy quyền của Thành ủy Hà Nội với các học viên là các Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, cách làm của thành phố Hà Nội đem lại nhiều bài học ý nghĩa về cả lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, bài học quan trọng nhất là tư duy đổi mới và quyết tâm chính trị trong hành động.
Trên thực tế, khi triển khai, thành phố đã nhiều lần bàn thảo và có nhiều vấn đề đặt ra. Nhưng khi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ra nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo, vấn đề từng bước được khơi thông. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Đây là lần đầu tiên thành phố có thống kê, rà soát công phu. Mặc dù văn bản quy định ở các luật, nghị định, thông tư trên các lĩnh vực rất nhiều, nhưng thành phố đã chỉ đạo các sở rà soát những văn bản thường xuyên phải xử lý, giải quyết cho người dân, doanh nghiệp”.
Từ chỗ rà soát đến hình thành đề án, điểm nhấn quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là phải “áp” chỉ tiêu cho các cơ quan thực hiện. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, sau khi đã tổng hợp phân tích, làm rõ cơ sở khoa học có thể phân cấp, ủy quyền mạnh, thì một bài học rất quan trọng là, Ban Chỉ đạo ra yêu cầu khoán chỉ tiêu phải phân cấp, ủy quyền đạt từ 30-40% trở lên. Quá trình thực hiện bảo đảm “có đầu, có cuối”, có phân công và kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong 3 khâu đột phá chiến lược là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế”, trong đó có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả”. Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: “Xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi”.
Những kết quả bước đầu đột phá về phân cấp, ủy quyền vừa qua cho thấy Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng trên. Đây còn là minh chứng sống động về năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trước hết là vai trò của Thành ủy Hà Nội trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.