(HNM) - Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, song 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương 7.164 triệu USD). Theo nhiều chuyên gia, với những tiền đề hiện nay về thị trường, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 của thành phố được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt kết quả nổi bật, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh; trong đó có hoạt động xuất khẩu của Hà Nội. Tuy nhiên, với việc các cấp, ngành của thành phố triển khai quyết liệt, kịp thời các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020, trở thành “điểm sáng” trong đại dịch.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao
Theo Sở Công Thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội đạt 7.164 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số thị trường truyền thống như: Trung Quốc ước đạt 776 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,8%, tăng 2,6%; Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 813 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,3%, tăng 5,9%; khu vực Đông Nam Á ước đạt 1.340 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,7%, tăng 9,6%; Hoa Kỳ ước đạt 1.462 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 19,4%...
Các mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU như: Điện thoại và linh kiện đạt 177 triệu USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 176 triệu USD, tăng 47,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 313 triệu USD, tăng 22,3%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 199 triệu USD, tăng 21,9%...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tác động đến sản xuất, kinh doanh, thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa được chú trọng, từ việc huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đặc biệt, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng khá một phần là nhờ Hà Nội đã tranh thủ hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, các thị trường xuất khẩu lớn như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng nhanh.
Thành quả từ sự chủ động khắc phục khó khăn
Trong kết quả tăng trưởng xuất khẩu, không thể không nhắc tới vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp Hà Nội đã có phương án khắc phục khó khăn, nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng. Đồng thời chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng thời cơ, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn BRG trong lĩnh vực xuất khẩu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro) đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng về doanh thu sản xuất, kinh doanh; doanh thu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chính trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy…, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu.
“Hapro đã cơ cấu hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, an toàn, hiệu quả, đồng thời thường xuyên kết nối thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài, với đại sứ quán, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại các nước để nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của thị trường, từ đó lựa chọn mặt hàng có tính đột phá. Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Đặc biệt, Hapro cũng sớm tiếp cận thông tin, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu”, ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm chiếu sáng led và phích nước của Rạng Đông được xuất khẩu tới gần 20 quốc gia, trong đó nhiều thị trường mới ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Bắc Á… tăng trưởng mạnh.
Trưởng phòng Xuất khẩu, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thanh thông tin, để đạt được kết quả đó, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020), Ban lãnh đạo công ty đã quyết liệt đẩy nhanh chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong nền kinh
tế số, kinh tế không tiếp xúc, thương mại trực tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ thông tin trong điều hành xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, truyền thông quốc tế và bán hàng.
Thực tế, những bài học đổi mới, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 để duy trì hoạt động xuất khẩu là kinh nghiệm quý cần phát huy trong thời gian tới.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.