(HNMO) - Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 15 tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Tuy nhiên, không vì thế mà người tiêu dùng tại Hà Nội quay lưng với loại thực phẩm này. Sức mua và giá thịt lợn ổn định.
Sức mua ổn định
Ngày 19-2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo ghi nhận 8 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Đến nay, bệnh đã xuất hiện tại 14 tỉnh ở miền Bắc.
Thịt lợn tại siêu thị có nguồn gốc rõ ràng. |
Ngay sau khi xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh. Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn. Người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng.
Theo khảo sát tại chợ Hôm-Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) vào hôm nay (13-3), thịt lợn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, với giá ổn định. Thịt lợn thăn, ba chỉ hiện được bán phổ biến 90.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, sụn 110.000 đồng/kg, không thay đổi so với thời điểm rằm tháng Giêng.
Chị Hồng Linh (ở Phố Huế), đang mua thịt lợn tại chợ, cho biết, chồng chị là người thích ăn thịt. Vì vậy, trong bữa cơm gia đình, thịt lợn luôn là món được ưu tiên lựa chọn. “Những ngày qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, lúc đầu tôi cũng băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu được biết bệnh không lây sang người nên tôi vẫn mua thịt lợn, nhưng chọn những hàng có nguồn gốc rõ ràng”, chị Hồng Linh nói.
Tại các hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, thịt lợn được bày bán nhiều và cũng có nhiều người mua. Mặt hàng thực phẩm tươi sống nói chung và thịt lợn nói riêng tại đây đều được ghi rõ nguồn gốc, có nơi treo cả một bảng với dòng chữ: “Cam kết đối với sản phẩm tươi sống, 100% có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, 100% hoàn tiền cho quý khách trả hàng trong vòng 24h với mọi lý do”.
Chị Nguyễn Kiều Hương (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) chia sẻ, chị thường mua thịt lợn tại siêu thị nhằm bảo đảm an toàn. Giá thịt lợn tại siêu thị hiện được bán phổ biến ở mức 140.000-155.000 đồng/kg sườn; 119.000-140.000 đồng/kg nạc vai; thăn: 120.000 đồng/kg…
Theo chị Đặng Thị Thu Thủy, nhân viên cửa hàng tiện ích Vinmart+ khu Mai Động, những ngày qua sức tiêu thụ thịt lợn tại cửa hàng ổn định, có ngày tăng nhẹ. Vì vậy, số lượng thịt lợn cửa hàng lấy về có tăng hơn so với trước.
Kiểm soát chặt chẽ
Bà Liễu Minh, tiểu thương thịt lợn tại chợ Hôm-Đức Viên cho hay, mặt hàng tươi sống được đưa vào chợ bán phải đảm bảo đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng ngày, khi lợn được đưa vào chợ, cán bộ thú ý sẽ kiểm tra, yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ. Khi hàng được bày bán, Ban quản lý chợ lại kiểm tra một lần nữa.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, đại diện Ban quản lý chợ Hôm-Đức Viên, đây là chợ lớn nằm ở trung tâm thành phố nên các sản phẩm được đưa vào chợ đều phải được kiểm dịch và bảo đảm an toàn. Đặc biệt, với mặt hàng thịt lợn, công tác kiểm dịch càng được yêu cầu khắt khe hơn.
Trước nguy cơ bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh.
Bà Liễu Minh cho biết, trước khi được đưa vào chợ, thịt lợn được kiểm dịch chặt chẽ. |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay, trên địa bàn Hà Nội có một số lò mổ lớn, như lò mổ ở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), mổ bình quân 1.700-2.000 con lợn/ngày; lò mổ Minh Hiền (huyện Thanh Oai) với khoảng 600-700 con/ngày; lò mổ ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) với 200-300 con/ngày; lò mổ ở huyện Mê Linh với 100-200 con/ngày. Tại các lò mổ trên, khi xe vận chuyển gia súc đến, chốt kiểm dịch tiến hành kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện lợn bị bệnh sẽ không cho lưu thông.
Ngoài các điểm trên, tất cả các lò mổ, đặc biệt là cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ đều được các quận, huyện kiểm tra kiểm soát hằng ngày nhằm ngăn chặn bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, tại các chốt kiểm dịch cố định được đặt ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) và xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn), các xe vận chuyển gia súc, gia cầm từ các địa phương vào Hà Nội bất cứ lúc nào đều được kiểm dịch.
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, nhằm khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thịt lợn vẫn sẽ là món ăn được người tiêu dùng lựa chọn trong bữa cơm hằng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.