(HNM) - Nhiều đại biểu cho rằng, Hà Nội đã đạt thời điểm
Lo ngại chênh lệch giới tính
Đánh giá kết quả công tác DS-KHHGĐ của Thủ đô trong giai đoạn 2011-2015, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Tạ Quang Huy cho biết, số sinh luôn duy trì ở mức trung bình khoảng 120.000 trẻ/năm. Nếu như năm 2012, số sinh con thứ ba trở lên tăng cao (gần 12.000 trẻ) thì đến năm 2013-2014 đã giảm xuống còn hơn 9.000 trẻ và 6 tháng đầu năm 2015 là hơn 3.600 trẻ. Mặt khác, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai tăng từ 74,5% (năm 2011) lên 76% vào năm 2014.
Hà Nội đã làm tốt công tác sàng lọc trước sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. |
Cùng với đó, chất lượng dân số từng bước được nâng cao, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng tăng qua các năm. Năm 2012, tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 40,36%, đến năm 2014 tăng lên 67%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2012 là 20,21% đến năm 2014 là 47,6%. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố đã thực hiện sàng lọc sơ sinh cho gần 62% số trẻ sinh ra, phát hiện 646 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD (trẻ không đủ men này các tế bào hồng cầu khó hoạt động bình thường), 20 trường hợp nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh. Dự kiến cuối năm, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 85%, hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Hiện nay, Hà Nội đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", chất lượng dân số đang từng bước được nâng cao, tạo điều kiện cung ứng nguồn nhân lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác dân số đang đối mặt với nhiều vấn đề như: Đông dân, địa bàn rộng, dân trí không đồng đều; tỷ lệ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ cao; tăng dân số cơ học cao hơn tăng dân số tự nhiên. Chính sách DS-KHHGĐ còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Ông Tạ Quang Huy cho rằng, quy mô dân số đông, địa bàn rộng, trong đó 18 huyện, thị xã có mức sinh cao đã tác động tới các chỉ tiêu về dân số của Hà Nội. Hiện tỷ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa bền vững. Ở một số huyện, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn ở mức cao. Thêm vào đó, tâm lý các cặp vợ chồng muốn sinh con trai khiến cho việc khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba gặp khó khăn.
Giám sát chặt, xử lý nghiêm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020 là quy mô dân số không quá 8,5 triệu người vào năm 2020, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 12,5%. Cùng với đó là tập trung nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm tỷ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh ít nhất là 80%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt ít nhất 85%. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, vận động và giáo dục về bình đẳng giới và vị trí, vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững của gia đình, xã hội, từ đó triển khai có hiệu quả đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội giai đoạn 2016-2020".
Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tinh khi sinh, theo ông Tạ Quang Huy, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chẩn đoán, lựa chọn giới tính khi sinh để giáo dục, răn đe, tạo dư luận xã hội. Tuy nhiên, tại một số xã, phường, công tác kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát ngay từ đầu năm.
Đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: Thành phố sẽ tập trung duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, ổn định cơ cấu dân số góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội đang duy trì ở mức 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Các địa phương có tỷ số giới tính cao trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái là: Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín… Theo các nhà chuyên môn, chỉ số giới tính khi sinh được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.