(HNMO) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: đoàn đại biểu Quốc hội TP nhận được nhiều kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri, qua đơn thư của người dân về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù GPMB… trên địa bàn TP.
Bí thư đề nghị UBND TP tập trung giải quyết các vấn đề trên để tránh tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất trật tự an ninh cho TP.
Những thông tin trên đã được Bí thư Phạm Quang Nghị nêu ra trong cuộc họp sáng 15/10, giữa Đoàn ĐBQH TP với Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh của TP Hà Nội trong 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2013 và kiến nghị của thành phố với kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII; kết quả 5 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.
Báo cáo tại cuộc họp về tình hình phát triển KT-XH của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: TP Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013 trong điều kiện có nhiều khó khăn: nhập khẩu giảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại; sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, thu ngân sách đạt thấp so với dự toán... Dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp Ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, nhân dân Thủ đô, tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm vẫn có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng.
Theo đó, ngay từ đầu năm, TP đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. TP đã xét duyệt hồ sơ và quyết định hỗ trợ lãi suất vay đầu tư 7,6 tỷ đồng; giảm, giãn thuế, phí theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với tổng số tiền là 4.503 tỷ đồng. Chính phủ đã cho phép thí điểm hỗ trợ lãi suất sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, triển khai từ đầu tháng 10/2013.
Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục phát triển: Tổng sản phẩm trên địa bàn quý III tăng 8,3%, cao hơn mức của quý I và II (tương ứng là 7,5% và 7,85%). Tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 7,88% (tương đương mức tăng 9 tháng năm 2012 là 7,93%); trong đó, dịch vụ tăng 8,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,42% và nông nghiệp tăng 2,35%. Vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn TP tiếp tục được bảo đảm; sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế đạt kết quả tốt; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường; nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, trong một thời gian ngắn chuẩn bị, nhưng TP đã hoàn thành việc xây dựng và trình HĐND thông qua 11 Nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa Luật Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TP và quản lý theo pháp luật. An ninh chính trị được giữ vững, hoạt động đối ngoại được quan tâm và mở rộng cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, TP hiện còn gặp 6 vấn đề hạn chế. Một là, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm, vốn đầu tư xã hội đạt thấp. Hai là, thu ngân sách dự kiến không đạt dự toán năm 2013. Ba là, thị trường bất động sản tuy có chuyển biến tốt hơn song còn chậm, lượng hàng tồn kho còn lớn; công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Bốn là sự phối hợp quản lý các khu đô thị (sau đầu tư) còn bất cập, đặc biệt là việc quản lý các khu nhà tái định cư phục vụ di dân GPMB.
Năm là, các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số khu, cụm công nghiệp là vấn đề bức xúc, chưa có giải pháp và vốn xử lý dứt điểm. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại vẫn còn hạn chế, rác thải tồn đọng tại các khu vực ngoại thành cần tập trung hơn.
Sáu là, tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông mặc dù hàng năm đều giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Tình hình trên được Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhìn nhận từ những nguyên nhân khách quan là do tác động nặng nề, phức tạp của suy thoái kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực trong giải quyết công việc chưa thực sự quyết liệt, còn trì trệ, thiếu năng động sáng tạo; sự phối kết hợp của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong một số công việc còn chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả.
Trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH và xu hướng tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, dự báo tăng trưởng quý IV của Hà Nội sẽ đạt khoảng 8,9-9,0% và cả năm 2013 đạt khoảng 8,2- 8,3% (đạt kế hoạch là từ 8,0-8,5%). Trong 23 chỉ tiêu đề ra, 3 chỉ tiêu là: thu ngân sách, vốn đầu tư xã hội, kim ngạch xuất khẩu dự kiến TP không đạt kế hoạch.
Tại cuộc họp, sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề nghị ĐB phản ánh tại Quốc hội xung quanh vấn đề thu ngân sách 2013, và dự toán 2014 của Hà Nội. Năm 2013, TP không đạt so với dự toán ban đầu, nguyên nhân do sản xuất kinh doanh gặp hết sức khó khăn. TP tiếp tục phải thực hiện NQ 02 của Chính phủ về giãn, hoãn thuế cho DN. Hà Nội được CP giao thu ngân sách quá cao (tăng 30%). Thu ngân sách không đạt, TP phải rà soát tiết kiệm chi thường xuyên, UBND TP đã cố gắng cân đối. Theo Chủ tịch, trong dự toán 2014, rút kinh nghiệm từ năm 2003 phải giao sát thực tiễn, chấp nhận bội chi ngân sách trong ngắn hạn. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị HDND TP cho phép ban hành trái phiếu để đảm bảo nguồn lực cho thực hiện khâu đột phá là dđu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Phạm Quang Nghị nghi nhận, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, TP đã thông qua được 11 Nghị quyết. Đây là kết quả rất nổi bật vì đã TP ban hành các Nghị quyết đúng tiến độ, đúng thời điểm Luật Thủ đô có hiệu lực. Đây có thể coi là một chuyển biến đáng kể trong việc đưa Luật vào cuộc sống. Với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền, Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng 7,88%, cao hơn mức trung bình của cả nước, các lĩnh vực đạt kết quả khá khả quan. Đặc biệt việc hoàn thành và đưa vào sử dụng một số cây cầu vượt đã góp phần làm cho vấn đền ùn tắc giao thông đạt được kết quả rõ nét.
Tuy nhiên, Bí thư cũng nhấn mạnh, khó khăn thách thức còn nhiều, UBND thành phố cần chỉ đạo với tinh thần năng động, quyết liệt hơn nữa. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2013 và làm tiền đề để thực hiện nhiệm vụ năm 2014.
Bí thư cho biết, kỳ họp Quốc hội thứ 6 là kỳ họp dài nhất trong 6 kỳ họp với một số nội dung chính: Thông qua dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, Luật Đất đai (sửa đổi) và xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội.
Trong thời gian tới, Bí thư đề nghị Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Đoàn ĐBQH trong thực hiện công tác góp ý các dự thảo luật, cung cấp thông tin. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH thường xuyên nhận được kiến nghị của cử tri trong thẩm quyền của TP như: đất đai, GPMB, trật tự đô thị... đề nghị UBND TP quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tạo lòng tin cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.