(HNMO) - Cục Thuế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan trong xử lý các khoản nợ liên quan đến đất.
Đây là một phần nội dung Công văn số 1048/UBND-KT về việc tăng cường các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 12-4.
UBND thành phố yêu cầu Cục Thuế Hà Nội, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế thành phố, triển khai quyết liệt đúng quy định các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, cưỡng chế nợ thuế; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý, nợ của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, cơ cấu lại khoản nợ để có biện pháp đôn đốc phù hợp, bảo đảm thu tiền thuế nợ đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan trong xử lý các khoản nợ liên quan đến đất.
UBND thành phố cũng yêu cầu Cục Thuế Hà Nội phân tích thực trạng nợ thuế của doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các trường hợp doanh nghiệp nợ lớn, chây ỳ làm việc trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế mời người nộp thuế làm việc trực tiếp tại UBND thành phố, động viên người nộp thuế nộp tiền thuế nợ trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.
UBND các quận, huyện, thị xã thành lập, kiện toàn các Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế trên địa bàn; xây dựng chương trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, phối hợp với cơ quan thuế địa phương tập trung đôn đốc thu hồi, xử lý nợ thuế…
Trước đó, tại thời điểm ngày 31-12-2020, Cục Thuế Hà Nội hoàn thành cả 3 chỉ tiêu được giao năm 2020 về thu nợ, giảm nợ và khoanh nợ. Tỷ lệ nợ khả năng thu bảo đảm dưới 5% số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác đôn đốc thu hồi nợ còn một số tồn tại, hạn chế, như: Số tiền nợ đọng vẫn còn ở mức cao; các khoản nợ chờ xử lý (chủ yếu là các khoản nợ có vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất) chiếm tỷ trọng lớn, nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm, chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không phát sinh doanh thu, không có khả năng nộp nợ nhưng không thuộc đối tượng khoanh nợ, tiền chậm nộp vẫn phát sinh. Một số người nộp thuế cố tình chây ỳ, đã bán hàng, thu tiền nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ với ngân sách nhà nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.