Ngày 4-1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội thông tin, cơ quan này đang tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động, chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các đánh giá cho thấy, năm 2023, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá hàng tiêu dùng, thực phẩm, giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương bình quân năm 2023 cho người lao động bằng năm 2022. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp thuộc công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước: Tăng 0,72% so với năm 2022. Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại, bằng năm 2022.
Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, mức thưởng Tết trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm đáng kể so với năm 2023. Cụ thể, thưởng Tết Dương lịch 2024, giảm từ 16,67% đến 32,31% so với Tết 2023. Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023, trong đó, mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm.
Để vơi bớt nỗi lo cho người lao động, Công đoàn Hà Nội đã triển khai kế hoạch và các chương trình hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Các hoạt động dành cho Tết Giáp Thìn 2024 được thực hiện ở tất cả các cấp Công đoàn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ những đoàn viên, người lao động và thân nhân đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau nằm viện dài hạn; bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gặp khó khăn do suy giảm kinh tế…
Đơn cử, LĐLĐ thành phố sẽ tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” trực tiếp tại các địa bàn có đông công nhân lao động, có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng phiếu mua hàng, tặng sản phẩm thiết yếu với giá “0 đồng”, tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, tư vấn, tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động…
Tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử, các siêu thị nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết của đoàn viên, người lao động với giá ưu đãi, đảm bảo chất lượng. Tổ chức chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024”, hỗ trợ phương tiện đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết và đón quay trở lại làm việc sau Tết…
Thông qua các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; tạo động lực, cổ vũ đoàn viên, người lao động làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, gắn bó, đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững; củng cố niềm tin, gắn bó của đoàn viên, người lao động, thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.