Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Sốt thú chơi "cây ăn thịt"

(Theo Đời sống và Pháp luật)| 10/09/2010 15:16

Thời gian gần đây, người dân Hà Nội rất chuộng


Đó là những loại cây dưới cái tên cây nắp ấm, cây bình nước, cây ăn ruồi, cây đầu rắn, cây loa kèn vàng, cây hố bẫy... Những loại cây này phần lớn được nhập ngoại, rất ít cây có nguồn gốc từ Việt Nam. Theo các tài liệu khoa học, sở dĩ những loại cây này được sở hữu cái tên lạ lẫm "cây ăn thịt" là do chúng sinh sống trong điều kiện sống nghèo dưỡng chất, nên một số bộ phận cây như lá, thân phải có sự thay đổi để tìm dưỡng chất nuôi cây bằng cách "ăn thịt" côn trùng.

"Cây ăn thịt" - thứ cây được quảng cáo là mang đến sự giàu sang, phú quý


Mua "cây ăn thịt" sẽ được giàu sang?


Hiện nay trên thị trường cây cảnh Hà Nội, "cây ăn thịt" bán khá chạy. Theo quảng cáo của các chủ cửa hàng cây cảnh, cây nắp ấm là loại cây phong thủy được để ở bàn làm việc, trưng tại phòng khách. Đặt cây theo hướng Đông - Nam hoặc Đông - Bắc sẽ mang đến giàu sang, sung túc khiến nhiều người tin theo phong thuỷ và chọn mua về trang trí trong nhà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các cửa hàng cây cảnh bày bán nhiều loại cây bắt ruồi, muỗi, sâu bọ, côn trùng và bán rất chạy. ông Nguyễn Thế Hùng, chủ tiệm cây cảnh 739, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết: "Cây ăn thịt được bán ở Hà Nội chủ yếu là cây nắp ấm, cây bắt ruồi, cây loa kèn vàng, cây gọng vó, cây đầu rắn....Tất cả số cây này đều được nhập ngoại với mẫu mã đa dạng, từ hình dạng đến màu sắc nên được nhiều người chọn mua. Giá cây nhập ngoại được bán từ 200- 500 nghìn đồng /chậu. Cây trong nước có giá từ 70- 180 nghìn đồng /chậu. ông Hùng bảo: "Muốn mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần đặt hàng trước".

Sau một hồi lân la hỏi chuyện ông chủ vườn "cây ăn thịt" tôi được biết, loại cây này (cả hạt giống) được giao bán phổ biến trên mạng (đặc biệt là các đại lý ở TP.HCM). "Cây ăn thịt" chủ yếu là cây nhập ngoại, giá được giao bán từ 250- 600 nghìn đồng /chậu, những cây đẹp, lạ có giá từ 1-1, 2 triệu đồng. Nhiều đại lý câu khách bằng những chiêu quảng cáo khuyến mại: "Cây khoẻ đẹp, chất lượng, sức sống tốt, có gốc bự đã sống lâu năm. Mua 5 cây giảm 10% , mua 10 cây giảm 15%. Nhận chuyển hàng qua bưu điện, vận tải...". Đặc biệt, trên mạng rao bán cây bắt ruồi Venus, loài cây nổi tiếng là "kỳ diệu" trong nhóm "cây ăn thịt", có những chiếc lá kỳ lạ với hai mảnh có khớp nối với nhau. Mỗi lá đều có mép gai nhọn trông rất đẹp. Cũng chính vì vẻ đẹp của cây mà các con mồi bị sập bẫy dễ dàng.

Khi phóng viên gọi điện đến số 0932077xxx đặt mua "cây ăn thịt", chủ đại lý niềm nở: "Cây phong thuỷ đấy, để trong nhà sẽ rất vượng. Hàng nhập ngoại đủ loại"... Không những thế, khi đặt mua "cây ăn thịt", các chủ hàng còn tiếp thị bằng cách hướng dẫn cách chăm sóc cây theo phương pháp tiết kiệm túi tiền. "Cây ăn thịt" dễ chăm sóc, không cần phân bón mà chỉ cần tưới nước là cây sống được rất lâu. Nhiều loại cây khi lớn sẽ trổ bông sinh hạt, chỉ cần gieo hạt là cây mọc và phát triển tốt.

Vừa làm cảnh, vừa diệt côn trùng

Theo mô tả của ông Hùng, cây nắp ấm có hình dáng như chiếc bình nước. Mùi hương ngon ngọt đặc trưng của cây này có khả năng dụ các con mồi bay về phía cây, đậu vào miệng bình, lớp gai nhọn dày ở mép lá khép chặt lại, hút con vật xuống đáy. Khi đó chất nhầy được phóng ra, tiêu diệt con mồi. Khi đã tiêu hóa hết, cây bắt ruồi lại sẵn sàng chờ con mồi mới. Một dạng cây khác có hình dáng như đầu rắn. Con mồi chỉ tiến gần đến miệng rắn là bị ngoặm ngay lập tức. Cây loa kèn vàng thì có một cách khác để nhử động vật. Bên trong lá của hoa loa kèn vàng có một chất ngọt khiến côn trùng rất thích, nhưng khi ăn vào chúng sẽ bị tê liệt và rơi vào đáy hoa rồi bị phân hủy thành chất dinh dưỡng cho cây. Một loại cây bắt ruồi - giống như những lá xương rồng xếp thành bông hoa với tua tủa gai để bắt giữ con mồi bằng chất keo dính. Càng giãy giụa, con mồi càng dính chặt vào cây. Cuối cùng con vật kiệt sức và chết, dịch tiêu hóa của cây chảy ra nhiều hơn để tiêu hóa con vật. ông Hùng bật mí: "Với những cây bắt ruồi, cái lá nào tiêu hóa quá nhiều ruồi sẽ héo và chết. Nó cũng có thể chết nếu "ăn" phải những thức ăn không tươi, mặc dù cái cây vẫn tiêu hóa hết".

Khi đang tìm hiểu về loại "cây ăn thịt", tôi gặp anh Nguyễn Hải Hà (phường Yên Sở, Hà Nội) đang chọn mua cây nắp ấm. Anh cũng là chủ nhân của một vườn "cây ăn thịt". Khi được hỏi về loại cây này, anh Hà rất tự hào về thú chơi có một không hai của mình. Anh Hà khoe: "Năm 2007, tôi vào chơi nhà một người bạn ở quận 1, TP.HCM và được tặng một cây nắp ấm. Bạn tôi bảo rằng đó là loại "cây ăn thịt", cây phong thuỷ lại rất hữu ích có thể bắt muỗi, tôi thấy làm lạ. Khi ấy, ở TP.HCM thú chơi “cây ăn thịt” trở thành mốt. Nghe về loại cây này, tôi cũng rất hào hứng và mua thêm vài “cây ăn thịt” ra Hà Nội làm quà tặng. Từ đó đến nay, tôi đã có một bộ sưu tập cho mình". Lý do để anh chơi "cây ăn thịt" thật đơn giản, nó vừa có thể trang trí ngôi nhà thêm tươi tắn, vừa có thể diệt côn trùng. Lợi cả đôi đường. Có lần ghé vào hàng cây cảnh chơi, thấy "cây ăn thịt" đẹp quá, tôi đã mua luôn cả 10 chậu về đặt ở vườn nhà".

Chỉ tay về phía cây nắp ấm màu đỏ, anh Hà nói: "Những người chơi cây cảnh bây giờ rất sính cây nắp ấm, nó là biểu trưng đem lại sự giàu sang. ở Hà Nội chủ yếu bán "cây ăn thịt" nắp ấm, đầu rắn... Vẻ đẹp của cây khiến bất kỳ ai lần đầu tiên nhìn thấy cũng bị hút hồn. Vẻ đẹp lạ kỳ và rực rỡ". Anh Hà nói thêm: "Một buổi sáng nhàn rỗi, ngồi nhâm nhi ly càfê, ngắm cây ăn thịt thì thật thú vị. Một con ruồi vo ve quanh cây nắp ấm, chỉ cần đậu vào miệng ấm sẽ bị lá cây khép chặt lại, giữ con ruồi bên trong. Một lúc sau, lá cây mở ra và con ruồi đã biến mất vì đã bị cây... "ăn thịt" mất rồi". Anh Hà bảo rằng: "Càng ít dinh dưỡng, những hố bẫy côn trùng càng tươi tốt, đẹp rực rỡ để mời gọi côn trùng sập bẫy. Khi côn trùng rơi vào hố bẫy, nắp ấm sẽ đóng lại và chất nhầy trong hố bẫy sẽ xử lý, chế biến thịt côn trùng thành chất dinh dưỡng nuôi cây".

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn cảnh báo, "cây ăn thịt" ngoài vẻ đẹp còn tiềm ẩn những mối nguy hại đến sức khoẻ của con người. Trước đây, đã có những thông tin cảnh báo về tác hại của nhiều sinh vật ngoại lai như cây mai dương... Vì vậy khi chọn mua những loại "cây ăn thịt", người dân cần tìm hiểu rõ nguồn gốc và tác dụng của nó với môi trường, sức khoẻ con người, đừng bị vẻ đẹp của "cây ăn thịt" đánh lừa... mắt nhìn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sốt thú chơi "cây ăn thịt"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.