(HNM) - Ngày 28-10, bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao đổi với một số cơ quan báo chí về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh thành phố gặp nhiều khó khăn về nguồn lực.
- Tại buổi thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề, Hà Nội đang chịu sức ép lớn về đô thị, giao thông. Xin đồng chí cho biết cụ thể những sức ép đó là gì?
- Giao thông là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy sức ép rất lớn đối với Hà Nội hiện nay. Tăng trưởng dân số Thủ đô khoảng 2,4% năm (200.000 người/năm), trong khi mỗi năm thành phố phải giải quyết khoảng 160.000 việc làm mới. Tăng dân số cơ học đi liền với tăng nhu cầu đi lại, phương tiện giao thông cá nhân. Hà Nội hiện có khoảng 560.000 xe ô tô, 5,5 triệu xe máy. Tỷ lệ gia tăng ô tô khoảng 16,9%/năm, xe máy tăng gần 8%. Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng của thành phố chỉ 3,9%/năm. Nhìn những số liệu thống kê trên có thể thấy ngay sự bất cập, việc đầu tư hạ tầng không đáp ứng được.
- Thành phố sẽ làm gì để giải tỏa sức ép này, thưa đồng chí?
- Thành phố đang rất nỗ lực cố gắng giảm mật độ dân cư khu trung tâm, việc này đã có định hướng, có kế hoạch chiến lược từ lâu. Hiện Hà Nội đang tập trung vốn phát triển các tuyến đường vành đai (1, 2, 2,5, vành đai 3,5) đồng thời hoàn thiện các trục xuyên tâm, thêm trục hồ Tây - Ba Vì, mở rộng, kéo dài trục quốc lộ 6, nhiều kết nối từ vành đai đến các trục... tạo ra những ô bàn cờ và có những kết nối năng động, linh hoạt cho hệ thống giao thông, qua đó thúc đẩy việc phát triển các khu đô thị ra xa khu trung tâm. Thời gian vừa qua, Hà Nội tiến hành rà soát các dự án nhiều năm không triển khai. Với những dự án dừng sẽ để dành thêm diện tích cho không gian đô thị. Từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đã khởi công xây dựng 6 hồ điều hòa, công viên, mở thêm không gian cho giao thông và công cộng; tiếp tục đầu tư làm đường trên cao, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị. Thành phố đã rất tích cực kêu gọi nguồn vốn xã hội, nhà đầu tư trong, ngoài nước, nhưng chưa nhà đầu tư tư nhân nào quan tâm đến tàu điện ngầm. Nếu không giải quyết được vấn đề tàu điện ngầm thì sẽ khó khăn cho giao thông trong những năm tới.
Từ nay đến năm 2020, Hà Nội phải tăng thêm gần gấp đôi lượng tuyến xe buýt. Hiện chúng ta tính độ bao phủ của xe buýt công cộng đối với các khu dân cư (12 quận nội thành) chỉ được 71%, nhiều tuyến không thuận tiện cho người dân chuyển tuyến. Các tuyến xe buýt nối với các huyện cũng vẫn còn thiếu. Lượng xe là 96 tuyến với 1.500 xe nhưng vẫn chưa đủ, thành phố dự kiến phát triển lên 150 tuyến với trên 2.000 xe. Đồng thời phải thiết kế, kết nối để làm sao người dân chuyển từ phương tiện công cộng này sang phương tiện công cộng khác thuận tiện.
Rồi đến một lúc nào đó cần hạn chế phương tiện cá nhân, nhiều quốc gia có nguồn vốn, năng lực hơn chúng ta cũng đã áp dụng phương án đó. Trong dự thảo đề án dự kiến đến năm 2025 cấm xe máy các quận nội đô, nhưng trên thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Có khả năng phải lùi thời điểm cấm xe máy trong nội đô đến năm 2030. Từ nay đến lúc đó, người dân có khoảng 14 năm để chuẩn bị, thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.
- Nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực vốn đã khó khăn, nay với dự kiến điều chỉnh mức điều tiết ngân sách cho các địa phương của Chính phủ, đồng chí có suy nghĩ gì về điều này?
- Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đầu tàu kinh tế lớn, có trách nhiệm đóng ngân sách lớn cho trung ương để trung ương còn lo cho rất nhiều địa phương khác. Đó là trách nhiệm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, thách thức rất lớn cho cả hai thành phố là vấn đề về đô thị. Với chủ trương điều chỉnh mức điều tiết ngân sách như vậy thì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ gặp phải thách thức rất lớn về đô thị. Việc điều tiết theo tỷ lệ nào đó cho hợp lý để hai thành phố vẫn đáp ứng được nhu cầu và quan trọng nữa là tiếp tục tạo ra nguồn thu tốt để đóng góp cho trung ương cần được cân nhắc. Cả hai thành phố đang bàn với các bộ, ngành, trung ương để trình ra Quốc hội quyết định về tỷ lệ này.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Năm 2030, các quận nội đô có thể sẽ không lưu thông xe máy Trao đổi về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, đề án đang đưa ra lấy ý kiến người dân và đã nhận được ý kiến nhiều chiều. Thành phố sẽ tiếp tục bàn thảo, hoàn thiện đề án này nhưng chúng ta phải hiểu đến một lúc nào đó phải hạn chế xe cá nhân… Nhiều quốc gia đã áp dụng phương án đó nhưng họ có nguồn vốn, có năng lực tài chính hơn nên việc triển khai ít khó khăn và theo lộ trình ngắn hơn. Hà Nội cũng đặt ra lộ trình có thể đến năm 2030, các quận nội đô sẽ không lưu thông xe máy. Việc đề ra lộ trình như vậy nhằm để người dân sẽ có thời gian để chuẩn bị, còn thành phố cũng có thời gian để đầu tư hạ tầng, mở rộng các phương tiện giao thông công cộng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.