(HNM) - Hà Nội đã bắt đầu bước vào mùa lễ hội (LH). Kỳ nghỉ Tết Quý Tỵ kéo dài, dự kiến lượng khách đến với các LH sẽ tăng hơn mọi năm nên nếu không tổ chức, quản lý tốt sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội trao đổi cùng Hànộimới về công tác chuẩn bị tổ chức LH xuân năm nay.
- Thưa ông, Hà Nội có tới 1.095 LH, nhiều nhất cả nước. Ông đánh giá như thế nào về “bức tranh” LH của Thủ đô trong những năm gần đây?
- Không thể phủ nhận vài năm trước một số LH lớn, diễn ra dài ngày ở Hà Nội còn những “hạt sạn” không đáng có. Báo chí phản ánh, dư luận lên án, các cơ quan quản lý vào cuộc quyết liệt, nhờ đó hai năm trở lại đây, nếp sống văn minh trong LH dần dần được hình thành. Không khó để nhận ra, LH chùa Hương đón 1,4 triệu lượt khách nhưng đã giảm bớt tình trạng rác thải, chèo kéo khách, ách tắc giao thông, không còn tệ người ăn xin, bày bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành… Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, hội đền Cổ Loa, các LH đền Hai Bà Trưng, chùa Thầy, chùa Tây Phương… đều có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Mặc dù vậy, ở đâu đó vẫn còn hiện tượng lợi dụng LH để trục lợi cá nhân, hành nghề mê tín dị đoan, nghi lễ rườm rà, tốn kém, đặt tiền lễ quá nhiều… làm giảm nét đặc sắc, tính thiêng của LH, ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan di tích.
Lễ rước tại đền Thượng, Hội đền Gióng (Sóc Sơn). Ảnh: Quốc Khánh |
- Mùa xuân hội đã đến, ông có thể cho biết khâu chuẩn bị được tiến hành như thế nào để LH thực sự thay đổi về chất?
- Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố trong công tác tổ chức, quản lý LH, Sở VH,TT&DL đã chủ động có kế hoạch phối hợp với BTC lễ hội các địa phương tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân nắm bắt được nội dung các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp ứng xử và các hoạt động dịch vụ ở LH; Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Quy chế tổ chức LH; Quy chế kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng… Song song với công tác tuyên truyền, Sở phối hợp với Thanh tra Bộ VH,TT&DL và các đơn vị liên quan tiến hành thanh, kiểm tra một số LH lớn. Sở còn có quy định, tổ chức LH phải được sự đồng ý của chính quyền cấp trên. Đối với các LH không cần xin phép thì UBND xã, phường, thị trấn có LH phải báo cáo bằng văn bản lên phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện, thị xã. Trước mùa LH năm nay, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình 04, đồng thời định hướng, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chú trọng tới quản lý, xây dựng nếp sống văn minh trong LH.
Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn đều đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức LH ở các địa phương. Hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn) tiếp tục được cộng đồng nuôi dưỡng, gìn giữ và phát huy giá trị. Khó như khâu đưa dịch vụ ra ngoài không gian tổ chức LH thì năm nay, BTC LH đền Cổ Loa (Đông Anh) đã quyết tâm làm bằng được. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, sân lễ hội, đường kéo quân ở đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) đã được san gạt để đón mùa hội mới. Các LH còn lại đều có BCĐ, BTC, bố trí lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; tổ chức cho những người tham gia làm dịch vụ, bán hàng ăn uống ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Tất cả đã sẵn sàng cho mùa xuân hội diễn ra trong an toàn, trật tự, văn minh.
Để hạn chế mặt trái của LH, Sở VH,TT&DL sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên tục thanh tra, kiểm tra đột xuất cả trong và sau thời gian diễn ra LH. Nếu phát hiện nơi nào sai phạm sẽ xử phạt nghiêm minh.
- Hà Nội sẽ xử lý thế nào với hành vi đốt đồ mã, “hối lộ” thánh thần bằng tiền lẻ trong di tích, LH gây phản cảm, thưa ông?
- Ngoài Nghị định 75 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 07 ngày 27-4-2012 quy định thực hiện việc cưới, việc tang và LH trên địa bàn và nhiều quy định khác yêu cầu, hướng dẫn người dân không đốt đồ mã nơi thờ tự. Nhờ đó, tình trạng đốt đồ mã nơi công cộng ở Hà Nội giảm hẳn. Thế nhưng, chúng ta mới chỉ cấm đốt đồ mã mà không cấm sản xuất, cấm giới thiệu, quảng bá nên rất khó quản lý. Tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp tháo gỡ mâu thuẫn này.
Người dự hội gài nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, gốc cây, hay các phiến đá dọc đường đi gây phản cảm là cách họ đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng nơi, đúng chỗ chứ không phải tiền công đức. Hiện nay, chúng ta mới có quy chế quản lý tiền công đức chứ chưa có quy định nào quản lý tiền giọt dầu nên rất khó đưa ra mức xử phạt. Theo tôi, cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi. Trong mùa LH xuân Quý Tỵ, một số địa phương bố trí người trực ở các điểm di tích chính, nhắc nhở người dân không vứt tiền bừa bãi.
Nhân đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, đến với LH là đến nơi sinh hoạt văn hóa công cộng, cho nên mỗi người dân và khách tham quan hãy thể hiện sự văn hóa từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, đến thái độ, hành vi ứng xử với di tích, với các hoạt động trong LH.
- Có ý kiến cho rằng, tính chất, xu hướng của LH hiện nay đã thay đổi, người dân đến LH có cả nhu cầu du lịch trong khi Hà Nội tập trung nhiều LH lớn, lại là điểm đến du lịch trọng điểm thì công tác tổ chức, quản lý LH cũng phải thay đổi. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Ý kiến này không phải không có lý, nhưng theo tôi, đối với các LH dân gian, chúng ta nên tế lễ theo nghi thức truyền thống trong không gian truyền thống, còn phần hội hè, sinh hoạt vui chơi thì nên tổ chức ở những điểm hợp lý. Bên cạnh đó, chúng ta nên tạo ra nhiều điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng để kéo giãn người dân ra khỏi những tụ điểm quá đông người, góp phần hạn chế tiêu cực phát sinh. Thời cuộc thay đổi, nhu cầu của người dân khi tham gia sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng qua loại hình LH cũng thay đổi, mà khâu quản lý, tổ chức chậm thay đổi thì chưa hẳn đã là hay!
- Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho mùa lễ hội xuân Quý Tỵ thành công tốt đẹp!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.