Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội quyết xóa mọi loại rác (tiếp theo)

Nhóm PV Nội chính| 15/05/2013 06:37

(HNM) - Không riêng Việt Nam, thư rác hay tin nhắn rác đã trở thành vấn nạn chung của thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 1 triệu thư rác được gửi đi mang bao phiền hà cho người sử dụng điện thoại di động.


Nhưng đổi lại điều đó đã đem về lợi nhuận "khủng" cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Thủ đô, bắt đầu từ ngày 15-5, Hà Nội sẽ siết chặt công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về chống thư rác. Đáng mừng, các nhà mạng cam kết sẵn sàng vào cuộc cùng Hà Nội để xóa thư rác cho dù có phải giảm doanh thu.

Hà Nội sẽ siết chặt xử lý các trường hợp vi phạm quy định về chống thư rác.



"Tuyên chiến" với tin nhắn rác

Chắc chắn đối với những ai sử dụng điện thoại di động đều đã nhiều lần nhận được tin nhắn rác có nội dung quảng cáo như xem bói, cá độ bóng đá, kết quả xổ số, mua bán sim điện thoại, bán hàng hạ giá... Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Tô Văn Động, chỉ cần một cú "click" chuột, ngay lập tức 1.000 tin nhắn rác sẽ được gửi tới bất cứ số điện thoại di động nào. Trước tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13-8-2008 về chống thư rác; tiếp đó là Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP nhằm áp dụng chế tài xử lý mạnh hơn với thư rác. Thực hiện các nghị định này, mới đây Thanh tra Bộ TT&TT đã phải xử phạt 4 doanh nghiệp kinh doanh nội dung số với tổng số tiền là hơn 1,7 tỷ đồng vì thực hiện phát tán tin nhắn rác, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn có nội dung đồi trụy… Tuy nhiên, trước nguồn lợi nhuận "khủng", các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này đã phớt lờ các quy định, vì vậy tin nhắn rác chưa có dấu hiệu giảm.

Trên cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động, các chiêu trò của các tổ chức, doanh nghiệp làm nội dung tin nhắn rác và không có đầu số (viết tắt là CP), Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 309 cụ thể hóa các quy định của Chính phủ và Bộ TT&TT. Với bản kế hoạch này, có thể nói Hà Nội đã đi đầu các tỉnh, thành phố trong việc tuyên chiến với tin nhắn rác. Theo đó, cũng tương tự như việc xử lý quảng cáo rao vặt (QCRV) theo Kế hoạch 167 của UBND TP Hà Nội, quy trình xử lý tin nhắn rác gồm 5 bước. Người nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi nhỡ lừa đảo có thể đến Phòng Văn hóa - Thông tin cấp quận, huyện, trụ sở các xã, phường, thị trấn và Phòng tiếp dân của Sở TT&TT để cung cấp thông tin. Khi đã có trong tay các đầu số, số điện thoại nhắn tin rác, số điện thoại thực hiện cuộc gọi nhỡ lừa đảo, Sở sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn và có đầu số (viết tắt là CSP), doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với các CP. Cùng với đó, Sở yêu cầu các CSP phải rà soát, loại bỏ khỏi hệ thống những thiết bị, cơ sở dữ liệu các trò chơi có yếu tố lừa đảo, vi phạm thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan và cam kết không cung cấp dự đoán kết quả xổ số… Ngoài ra, CSP phải cung cấp thông tin, nội dung quảng cáo của doanh nghiệp và công khai giá cước.

Khó cũng phải làm

Cắt vào "dạ dày" của các CP là việc khó, nhưng cần phải làm. Khi Hà Nội quyết liệt xử lý sẽ có một số doanh nghiệp làm nội dung tin nhắn rác và không có đầu số phải đóng cửa, bị thiệt hại về kinh tế, chắc chắn số này nghĩ ra trăm phương nghìn kế để trốn tránh hoặc chần chừ không chấp hành. So với việc xử lý QCRV sai quy định theo Kế hoạch 167 của UBND TP, việc xử lý tin nhắn rác được dự báo sẽ phức tạp hơn nhiều. Lực lượng chức năng buộc phải tìm đến trung tâm của CP để "bắt tận tay day tận trán", tìm chứng cứ mới xử lý được nhưng không thể vì khó mà không có giải pháp. Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, các tổng công ty bưu chính viễn thông cương quyết xử lý các CP vi phạm.

Điều thuận lợi, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành kế hoạch cụ thể hóa Nghị định của Chính phủ về xử lý tin nhắn rác đã nhận được sự ủng hộ cao của Bộ TT&TT và ba nhà mạng: Viettel, Vinaphone, MobiFone. Tại hội nghị triển khai Nghị định 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà mạng cam kết với Hà Nội sẵn sàng chịu mất một nguồn thu đáng kể (năm 2012 các nhà mạng đã thu về hàng nghìn tỷ đồng từ dịch vụ này) để ngừng cung cấp giao dịch đối với các CP, các đại lý vi phạm các quy định. Vấn nạn tin nhắn rác khiến người tiêu dùng thiếu lòng tin vào sự quản lý của cơ quan nhà nước. Do vậy, tới đây Thanh tra của Sở TT&TT sẽ vào cuộc quyết liệt. Ngoài việc xử lý trong phạm vi thành phố, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông, liên kết vùng với các tỉnh, thành phố để xử lý các CP ở ngoại tỉnh, sản xuất tin nhắn rác gây ảnh hưởng tới người sử dụng điện thoại trên địa bàn thành phố. Dù khó, vấp phải nhiều cản trở, song quan điểm của thành phố Hà Nội là không thể để tin nhắn rác "lũng đoạn" vì đây cũng là một trong những loại rác phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội.n

Đã cắt liên lạc 3.677 số điện thoại “rác”

(HNM) - Ngày 14-5, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức giao ban quản lý nhà nước thực hiện Kế hoạch 167 của UBND TP Hà Nội về quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV) trên địa bàn. Tính đến nay, Sở TT-TT đã yêu cầu các nhà mạng cắt liên lạc 3.677 số điện thoại vi phạm quy định về QCRV và không mở lại với những số điện thoại quảng cáo trái phép này. Hiện nay, website của Sở cũng đã mở chuyên mục "Danh sách các số điện thoại QCRV" trong đó công khai danh sách các số điện thoại vi phạm kèm theo nội dung quảng cáo và vị trí QCRV. Trước đó, ngày 13-5, Sở cũng có công văn gửi các DN yêu cầu cắt liên lạc 51 số điện thoại "rác", trong đó nhà mạng Viettel có 28 số, Vinaphone: 12 số, MobiFone: 8 số, VNPT Hà Nội: 3 số.

Châu Anh
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết xóa mọi loại rác (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.