Giáo dục

Hà Nội: Quản lý chặt việc dạy bổ trợ trong nhà trường

Thống Nhất 15/01/2024 - 15:41

Học kỳ II, Hà Nội chỉ đạo các trường trung học cơ sở quản lý chặt việc dạy học bổ trợ.

Sáng 15-1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2023-2024 cấp trung học cơ sở. Hội nghị được triển khai theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

toan-.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Quy mô giáo dục cấp trung học cơ sở thành phố Hà Nội với gần 601.000 học sinh, hơn 35.300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Học kỳ II năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường tiếp tục triển khai hiệu quả việc tự chủ kế hoạch dạy học, kế hoạch bài học phù hợp với thực tiễn nhà trường, kiểm tra và rút kinh nghiệm với lớp 8 và các lớp khác của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các đơn vị, nhà trường tăng cường chỉ đạo việc đổi mới hình thức, phương pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý chặt việc dạy học bổ trợ, dạy thêm, học thêm, dạy học tăng cường trong nhà trường.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tập trung chuẩn bị tốt cho công tác xét tốt nghiệp trung học cơ sở và kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025.

Cũng trong học kỳ II, cấp trung học cơ sở thành phố Hà Nội sẽ chuẩn bị tổ chức đánh giá việc dạy học và sử dụng sách giáo khoa lớp 8, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 9 - lớp cuối cùng trong lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị, nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ I năm học 2023-2024. Quy mô và chất lượng giáo dục ở cả diện đại trà và mũi nhọn tương đối ổn định, phát triển. Toàn ngành hoàn thành mục tiêu thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học.

Đáng chú ý, đến thời điểm này, các nhà trường đều đã bắt nhịp nhanh với chương trình, sách giáo khoa lớp 8 - khối lớp đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý… đã dần được tháo gỡ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Quản lý chặt việc dạy bổ trợ trong nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.