Y tế

Hà Nội: Phòng bệnh tay chân miệng gia tăng khi trời nồm ẩm

Thu Trang 17/02/2025 - 14:35

Tuần qua, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội gia tăng so với tuần trước đó. Thời điểm nồm ẩm như hiện nay bắt đầu “vào mùa” của dịch bệnh truyền nhiễm này.

tay-chan-mieng-bv-ha-dong.jpg
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Đào Hiền

Ngày 17-2, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7-2 đến ngày 14-2), toàn thành phố ghi nhận 32 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 22 trường hợp so với tuần trước đó).

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua, trong đó đứng đầu là Sóc Sơn với 7 ca; tiếp đến là Hà Đông (5 ca); Nam Từ Liêm (4 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 96 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 26 ca so với cùng kỳ năm 2024). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 23 quận, huyện, thị xã.

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm do vi rút Enterovirus (EV71) và vi rút Coxsackievirus A16 gây ra, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Cao điểm của bệnh tay chân miệng thường từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Lúc này đang là giai đoạn chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, có mưa phùn kèm theo nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển. Do đó, người dân cần chú ý phòng bệnh tay chân miệng khi dịch bệnh “vào mùa”.

Cùng với tay chân miệng, sởi cũng là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng khi thời tiết nồm ẩm. Tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 114 trường hợp mắc sởi, tương đương so với tuần trước.

Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 441 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2024 không có ca bệnh.

Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó có 47 trường hợp dưới 6 tháng tuổi (chiếm 10,7%); 56 trường hợp từ 6-8 tháng tuổi (chiếm 12,7%); 45 trường hợp từ 9-11 tháng tuổi (chiếm 10,2%), 110 trường hợp từ 1 - 5 tuổi (chiếm 24,9%), 74 trường hợp từ 6-10 tuổi (chiếm 16,8%), 109 trường hợp từ trên 10 tuổi (chiếm 24,7%).

Theo CDC Hà Nội nhận định, số mắc sởi trong tuần tương đương so với tuần trước và vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, thành phố sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, tuần qua, Hà Nội cũng có thêm 12 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 1 trường hợp so với tuần trước) và 1 trường hợp mắc ho gà. Các dịch bệnh khác như: Liên cầu lợn, não mô cầu, uốn ván… không ghi nhận ca bệnh trong tuần.

CDC Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, từ đó tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý dịch.

Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Đông Anh, Hà Đông, Tây Hồ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Sóc Sơn.

Cùng với đó, ngành Y tế và ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng, thủy đậu... trong trường học; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vắc xin trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phòng bệnh tay chân miệng gia tăng khi trời nồm ẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.