Khi chúng tôi bước vào những công đoạn cuối hoàn thành bài viết này, đại dịch Covid-19 đang “nóng” trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội. Thêm một mùa giãn cách xã hội, ngoài đường, chỉ nhè nhẹ tiếng xe cộ, thưa vắng những ồn ào… Nhưng gần 30 chuyên gia, nhà quản lý, nhà văn hoá, những người làm nghệ thuật, những doanh nhân… mà chúng tôi trò chuyện, lại mang đến một không khí, một niềm hứng khởi hoàn toàn khác.

Những chia sẻ, những câu chuyện của họ trái ngược hoàn toàn với yên ắng ngoài kia, nó sôi động bởi những hoạt động thực tế họ đã trải nghiệm, nó lung linh với những dự định họ đang ấp ủ, nó hân hoan bởi niềm tin của họ về một dự thảo nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố sắp được thông qua sẽ cởi trói cho biết bao tâm tư, mở đường cho những hướng đi mới…

Công nghiệp văn hoá ư? Với những người “ngoại đạo” như chúng tôi, nó thật sự mới mẻ, bởi chúng tôi cũng mới chỉ nghe nhiều, hiểu được một chút qua thông tin từ các cuộc toạ đàm của Thành uỷ Hà Nội tổ chức trong mấy tháng vừa qua. Còn với họ, tất cả đều rất rõ ràng. Thực tế trong nước, nước ngoài như thế nào; đâu là thế mạnh, điểm yếu của Hà Nội… – họ đều có thể khúc chiết mà chỉ ra cho chúng tôi.

Sau tất cả thực tế rõ ràng đó, một câu hỏi lớn hơn và có tính quyết định hơn đối với tiến trình xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô được đặt ra: Chúng ta sẽ phát triển, sẽ đi lên bằng những động lực nào? Làm sao để biến những tiềm năng, mà chúng ta ví von có giá trị như những “mỏ vàng”, thành những nguồn tiền vật chất có thể sờ nắm được, thành nguồn thu quý giá cho ngân sách Hà Nội như một cực tăng trưởng mới năng động, hiệu quả? Và họ đã giúp chúng tôi nguyên liệu để định hình 4 động lực, không chỉ nhằm xây dựng Thủ đô chúng ta, trái tim của nước Việt, giàu đẹp, văn minh hơn, mà quan trọng hơn, để chúng ta hình thành một nền công nghiệp văn hoá thực thụ với bản sắc riêng, tạo dựng một thương hiệu giá trị hơn trong mắt bạn bè năm châu, rằng Hà Nội – thành phố hơn 1.000 năm tuổi - không chỉ là thành phố của di sản, mà còn là thành phố của những bộ óc sáng tạo hàng đầu khu vực.

Bước sang ngày thứ tư của đợt giãn cách xã hội lần thứ hai tại Hà Nội để phòng, chống dịch Covid-19, điện thoại của Trần Dương Quý vẫn liên tục bận với các tin nhắn, cuộc gọi đặt hàng. Thợ thuyền đã cho nghỉ, dịch vụ “ship” cũng tạm dừng hoạt động nên anh khất khéo khách chờ thêm độ chục ngày. Ngắt điện thoại, nghĩ đến việc đốt thêm chuyến lò, đợi qua đận thực hiện “Chỉ thị 16” có hàng trả đơn mới, nét mặt người nghệ nhân trẻ làng gốm Bát Tràng lại tươi rói…

6 năm về trước, “rể” làng Bát Tràng Trần Dương Quý vốn là dân ngoại đạo, đã bỏ ngang vị trí kỹ sư công nghệ thông tin của một tập đoàn lớn để “đồng cam cộng khổ” cùng vợ, tìm đầu ra cho sản phẩm của làng gốm danh tiếng đang ngày một thu hẹp. Lại thêm tin đồn làng gốm Bát Tràng khi đó còn bán “độn” đồ ngoại lai, chưa rõ thực hư ra sao, nhưng cũng khiến nhiều nghệ nhân làng nghề trên 500 tuổi buồn thắt tâm can…

Không thể duy trì việc sản xuất thủ công, kinh doanh cũng theo kiểu “thủ công”, tri thức nghề nghiệp được đào tạo lúc này trở thành vốn quý để chàng thanh niên trẻ thay đổi tư duy làm nghề. Nếu không biết làm mới những thứ đã cũ, không tìm ra được hướng đi hợp thời, thực tế hơn, kinh tế hơn cho các sản phẩm truyền thống thì sẽ “rớt đài” trong cuộc đua thị trường - Quý “ngộ” ra vậy và bước đi dứt khoát đầu tiên là anh quyết định đưa gốm Bát Tràng “lên sàn” online.

Với thế mạnh chuyên môn, anh làm bài bản từ lập fanpage, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thực sự là của làng gốm Bát Tràng trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram và nhiều công cụ trực tuyến khác… Chinh phục “thượng đế” trên thị trường online, giúp họ như được “mắt thấy tay chạm” vào những lọ, bình, bát đĩa, đèn, tranh gốm chuẩn tinh hoa Bát Tràng, Quý đầu tư mạnh về… chữ tín. “Không gì thu hút và níu chân khách bằng các sản phẩm chất lượng, luôn được đổi mới đa đạng về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước và phong cách phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp”, anh lý giải. “Quả ngọt” mà Quý gặt hái liên tiếp sau đó là các hợp đồng giá trị cao như đơn hàng bán 700 chiếc bình“hút lộc” vào tháng 7/2020 đã mang về cho xưởng 1,4 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, giao thương ngưng trệ, các đơn hàng, bạn hàng hay hợp đồng truyền thống của làng gốm Bát Tràng hầu như không còn. Nhưng nhờ đẩy mạnh bán online, các đơn hàng của Phúc gia tiên, xưởng gốm của hai vợ chồng anh Quý vẫn đạt quá nửa so với trước. Nhẩm ra con số khoảng 60%, vợ chồng anh lạc quan vì lò vẫn được đốt, có nguồn thu nuôi thợ, chờ sau dịch “bật lò xo”.

Khắp làng Bát Tràng hôm nay, gia đình nào cũng đều tìm đến bán hàng online như một cứu cánh. Họ chăm chút xây dựng thương hiệu của dòng họ, tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ, của mạng xã hội để đầu tư quảng bá, giúp nhiều người biết đến gốm Bát Tràng, xoá đi định kiến về các sản phẩm mẫu mã nghèo nàn, kém “thời thượng” một thời. Và họ cũng mở ra cho mình một thị trường mới có giá trị hơn: Những sản phẩm độc đáo với giá từ hàng chục triệu đồng trở lên vẫn có sức hút với phân khúc khách hàng nhất định.

Yêu nghề, giữ nghề và sáng tạo không ngừng để sống với nghề là nhịp chảy mạnh mẽ trên vùng đất bồi ven sông Hồng, nơi có nguồn đất sét trắng tốt làm gốm. Hoạ sĩ Trần Văn Kiên là một trong những thợ gốm trẻ tìm ra cách hoà vào nhịp chảy ấy. Xưởng gốm Ký Danh của Kiên tuy lò đốt nhỏ, thợ thuyền còn ít nhưng có “sức nặng” riêng. Mê gốm từ nhỏ, lần mò học hỏi rồi bám trụ tại đất gốm đã gần 20 năm, Kiên luôn trăn trở bảng màu gốm của mình vẫn thiếu màu huyết dụ, thứ men gốm “danh bất hư truyền” từ xưa đến nay ít người làm được.

Đem tâm tư của mình ra “thách đố” hai người thầy là họa sĩ Phạm Mai Châu và Phạm Việt Đoàn, từ cuối năm 2020 đến nay, trong xưởng gốm nhỏ nằm giữa làng Bát Tràng, ba mái đầu loang nhiều thứ tóc chụm lại, miệt mài nghiên cứu, trao qua đổi lại để đi đến quyết định dùng các loại khoáng tự nhiên sẵn có trong nước, pha chế theo công thức đã tìm ra chứ quyết không mua từ nước ngoài và cũng không dùng màu sẵn có. Không nhớ sau bao lần thử nghiệm thất bại, phải điều chỉnh lại công thức, nung gốm ở nhiều mức nhiệt, nhiều xương gốm khác nhau mà không nản lòng, giữa tháng 3-2021, họ cho ra những lò mẻ gốm đầu tiên có màu men đỏ bóng ưng ý.

Từ thành công đưa được thứ men quý hiếm từ giấc mơ ra ngoài đời thực, Trần Văn Kiên đã có kế hoạch “hậu” Covid-19 cho riêng mình. Anh tự tin có thể đưa những sản phẩm mang tính sáng tạo, nghệ thuật cao đến lớp khách hàng “khó tính” trong và ngoài nước, cùng họ được trầm trồ, thích thú khi khám phá thức quà tinh hoa của gốm Bát Tràng.

Từ đất nghề ven đê Bát Tràng, hướng sang khu nội đô phía bên kia sông Hồng, khu vực bãi bồi thuộc phường Phúc Tân, Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nơi đang là khởi nguồn cho một ước mơ… lớn đến 50.000m2 của kiến trúc sư (KTS) Đoàn Kỳ Thanh. Con số đó là quy mô của dự án “Quận kiến trúc sông Hồng” được ông cùng các cộng sự đã ấp ủ nhiều năm với khát vọng tạo không gian sáng tạo đủ tầm cỡ cho Hà Nội. “Không gian này tựa một chiếc “tổ” lớn, quy tụ những người yêu mến, gắn bó và hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật; nơi hội tụ, giao thoa, sản sinh ra những ý tưởng sáng tạo và cũng là không gian thưởng lãm nghệ thuật, vui chơi giải trí dành cho tất cả mọi người”, ông Thanh giới thiệu đơn giản.

“Một xã hội, cũng như một đô thị muốn có được tương lai phát triển lâu dài cần xác định rõ được giá trị cốt lõi cần được bảo vệ và cần có không gian cụ thể cho việc phát huy giá trị đó. Giá trị cốt lõi của Hà Nội phải là thiên nhiên và tính sáng tạo, năng động. Không gian thiên nhiên cốt yếu đã nằm ngay vị trí trung tâm thành phố, chính là con sông Hồng, nơi gắn liền với hồn cốt của cả nền văn minh châu thổ từ cổ xưa tới nay. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, là nơi tập trung sức sáng tạo nên nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng lại có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, những sáng tạo được hội tụ, giao thoa và được giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước, thì đó sẽ trở thành không gian phát triển rất mạnh mẽ và hiệu quả - nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ”, KTS Đoàn Kỳ Thanh lý giải và kỳ vọng nhiều với sự lựa chọn của mình.

“Cha đẻ” của những không gian sáng tạo đình đám một thời như Zone 9 hay khu sáng tạo Hanoi Creative Hub đang hoạt động hiệu quả hiện nay chia sẻ, thiết kế của quận nghệ thuật sông Hồng hướng đến xu thế chung là không gian xanh và giảm mật độ xây dựng xuống mức thấp nhất để con người vừa có thể kết nối cộng đồng, vừa tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên. Nghệ thuật và sáng tạo là hai yếu tố xuyên suốt không gian, từ không gian bên trong các toà nhà cho đến không gian ngoài trời, nơi dành cho các công viên, sân khấu nước và không gian diễn ra các triển lãm nghệ thuật, các hoạt động thưởng lãm, trải nghiệm nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại…

Có lẽ được thiết kế bằng tất cả năng lượng, nhiệt huyết và kinh nghiệm trong xây những chiếc “tổ” sáng tạo cho Hà Nội, đề án “Quận nghệ thuật sông Hồng” của KTS Đoàn Kỳ Thanh và các cộng sự “nghe phong thanh” đã được Hội đồng giảm khảo Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội (do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam và một số đơn vị tổ chức) đánh giá cao trong hàng loạt tác phẩm dự thi “nặng ký” khác.

Những đốm lửa mà KTS Đoàn Kỳ Thanh hay những thanh niên như Trần Dương Quý, Trần Văn Kiên đang nhen lên mở ra kỳ vọng mới về sự trở lại nhộn nhịp của ngành kinh tế sáng tạo tại Thủ đô sau đại dịch. Tư duy phát triển sản phẩm văn hóa để mang về giá trị kinh tế lớn đã và đang trỗi dậy trong lớp người trẻ và cả lớp người biết nhanh nhạy đón làn sóng phát triển đầy tiềm năng của thế giới để tìm hướng đi riêng, định hình bản sắc của mình.

Quãng thời gian đợt dịch Covid-19 thứ tư hoành hành thật đặc biệt. Được ở nhà thực hiện giãn cách là một may mắn, nhưng lại có chuyện đặt ra – dù muốn hay không muốn đề cập – làm gì, chơi gì, xem gì cho đỡ buồn tẻ? Truyền hình thì hết phim Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ đến phim Mỹ; ca nhạc cũng vậy, còn các “sản phẩm” nội địa thật khó hút khán giả. Giới trẻ tìm đến các nền tảng số của nước ngoài, sôi động, phong phú hơn, như Netflix. Đám “teen” thì rộ lên với Tiktok, Youtube… Và đấy là một phần của câu chuyện lớn hơn: Công nghiệp văn hóa – chúng ta có gì để tạo lập chỗ đứng vững chắc trên chính sân nhà?

Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại (29,5 triệu việc làm so với 25 triệu), Trong đó, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, doanh thu của ngành này là 743 tỷ USD và tạo việc làm cho 12,7 triệu lao động.

Ở phạm vi hẹp hơn, tầm quốc gia, tại Anh, công nghiệp văn hóa tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Tại Đức, báo cáo năm 2019, một năm trước đại dịch Covid-19, cho thấy, ngành này mang về tổng doanh thu 174,1 tỷ euro và tạo việc làm cho khoảng 1,8 triệu người, trong đó, doanh thu cao nhất đến từ mảng phần mềm/trò chơi với hơn 50 tỷ euro. Ở Ấn Độ, doanh thu từ điện ảnh là 3,6 tỷ USD, trong khi tại Nhật Bản, công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế, trong đó, thị trường truyện tranh và tạp chí hằng năm mang về khoảng 3,2 tỷ USD…

Những con số này đủ để chúng ta thấy sức mạnh khủng khiếp của ngành công nghiệp văn hoá - đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia và kết quả cuối cùng là dịch vụ, sản phẩm văn hóa của họ nở rộ, xuất khẩu đi khắp nơi.

Trước khi “cơn sóng thần” Covid-19 ập đến, người Việt Nam, người Hà Nội đã quen thuộc với việc hưởng thụ sản phẩm văn hóa “thoát thai” từ công nghiệp văn hóa Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Phim Hàn Quốc làm mưa làm gió trong cả giới trẻ và trung niên. Phim Ấn Độ trở thành những “bữa trưa, bữa tối” trường kỳ của các bà nội trợ. Mỹ, Nhật Bản xuất khẩu phim, kịch bản truyền hình, gameshow… cho nhiều nhà đài ở Việt Nam, cũng như các nhà đài khai thác thị phần Hà Nội.

Thử giải mã hiện tượng Hàn Quốc, một đất nước không quá xa Việt Nam, ngay từ những năm 90, quốc gia này đã bắt đầu thai nghén, hình thành những chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa; đã chủ trương đầu tư, xây dựng hình ảnh, đất nước, văn hóa Hàn Quốc thông qua các bộ phim truyền hình và thậm chí là các MV ca nhạc để xuất khẩu đi khắp thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo của họ thông qua trợ cấp và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, sản xuất ra nhiều các sản phẩm truyền thông cho văn hóa – du lịch của họ khiến văn hóa đại chúng Hàn Quốc ngày càng phổ biến trên thế giới. Và theo đó, món kim chi của Hàn Quốc, thực chất là dưa cải thảo muối thôi, khi qua phim ảnh, thậm chí đã trở thành tên gọi của đất nước Hàn Quốc - “Xứ sở kim chi”; rồi đảo Jeju khiến bất cứ ai xem phim Hàn đều muốn một lần đến đây nếu đi du lịch nước này... Làn sóng Hàn Quốc trở thành một hiện tượng toàn cầu cũng chính nhờ phần lớn vào Internet và phương tiện truyền thông xã hội.

Với những bước đi bài bản như vậy, không khó hiểu khi nền kinh tế văn hóa của Việt Nam đã, đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai. Thạc sĩ Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã đúng khi nhận định: “Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt…”.

Và đấy cũng là vấn đề của công nghiệp văn hóa Hà Nội, mà nhìn rộng ra, đó là xu thế toàn cầu hóa mà chúng ta buộc phải tiếp cận và thích ứng.

Nói như TS Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, công nghiệp văn hóa ở Thủ đô hiện nay về cơ bản vẫn khai thác những lợi thế có sẵn, chưa phát triển những ngành công nghiệp đòi hỏi sáng tạo cao như thiết kế, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi điện tử… Trong khi với toàn cầu hóa, nơi thế giới đã trở thành một “làng toàn cầu”, tiêu thụ những món ăn chung được sản xuất hàng loạt, thì nhu cầu về sự “riêng biệt”, tìm đến cái khác biệt trở thành một xu hướng; sản phẩm muốn tồn tại, muốn kinh doanh được buộc phải có bản sắc, dấu ấn đặc trưng.

Nhìn về ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo tại Việt Nam, chúng ta chưa có những con số thống kê chi tiết. Nhưng ước tính, ngành này đang chiếm khoảng 3% GDP của cả nước. Với Hà Nội, con số này cao hơn một chút, đạt khoảng 3,7% GRDP, song vẫn còn vô cùng khiêm tốn nếu đem so với vị thế là kinh đô – thủ đô, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả dân tộc; một thành phố nằm trong danh sách không nhiều thành phố trên thế giới có tuổi đời hơn 1.000 năm, được vinh danh là Thành phố vì hoà bình, Thành phố sáng tạo, đoạt nhiều giải thưởng về điểm đến hàng đầu thế giới…

TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội có nhiều điểm mạnh: Di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng trên địa bàn Hà Nội là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, vốn bền vững của công nghiệp văn hóa. Con người (cả chủ thể và khách thể) là điểm mạnh, ưu thế cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, sử dụng, tiêu thụ. Hà Nội tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng chung đánh giá, vốn văn hóa, tiềm năng văn hóa của Hà Nội là thế mạnh mà không thành phố nào của Việt Nam có thể đạt được. Tất cả kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội nếu biết sử dụng, khai thác, không chỉ đơn thuần là tạo ra sản phẩm văn hóa, mà còn là lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội, làm cho Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. “Chúng ta sẽ vô cùng tiếc nếu không biết cách sử dụng kho tàng này cho sự phát triển của Thủ đô”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn trăn trở.

Rõ ràng, Hà Nội không thiếu nguồn lực để tạo thương hiệu riêng, đặc biệt. 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.350 làng nghề; 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật; 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực... – một mảnh đất quá màu mỡ, đủ để “làm” không biết bao nhiêu chiếc “tổ đại bàng”.

Còn về bề dày lịch sử, Hà Nội là vùng đất hội nhập và hội tụ những giá trị văn hóa. Hà Nội - trung tâm lớn về văn hóa của cả nước, là miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. , đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản.

Và Hà Nội đã bước đầu có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa - nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa. Đã 2 năm, Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”. Và Hà Nội đang nỗ lực thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Đấy là tiềm năng. Nhưng những chấm phá của công nghiệp văn hóa Hà Nội đã có. Du lịch văn hóa đang trở thành xu hướng của ngành công nghiệp không khói Thủ đô. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn liền với du lịch nở rộ. Có thể dễ dàng liệt kê những chương trình, lễ hội có tiếng như: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF); Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Triển lãm mỹ thuật quốc tế Hanoi March Connecting; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Lễ hội Singapore, Lễ hội văn hóa Hàn Quốc, Lễ hội văn hóa - ẩm thực Pháp, Lễ hội Đức, Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại, Lễ hội thiết kế sáng tạo RMIT, Chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”...

Cùng với đó là sự phát triển chủ động, mạnh mẽ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng của các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cộng đồng như: Không gian đi bộ Hồ Gươm, phố Bích họa Phùng Hưng, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân, Phố sách Hà Nội…; hay của các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa sáng tạo như: Vicas Art Studio, hafnoi Design Center, Hanoi Creative City, Heritage space, The vuon, Toong Co-working Space, AgoHub, Ơ kìa Hà Nội...

Phát triển các lĩnh vực văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước” theo Chiến lược của Chính phủ; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới là một yêu cầu rất thực tế.

Từ đầu tháng 6-2021, tâm tư như được “chắp cánh” khiến Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng hoàn thành một phần trọng trách được giao trong trạng thái thăng hoa. Đó là được tham gia chuẩn bị cho 3 hội thảo của Thành ủy Hà Nội nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội diễn ra trong các ngày 10/6, 18/6 và 9/7/2021.

Hơn chục năm về trước, khi vừa nhận chức Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa), bắt gặp ánh mắt thao thiết hoài niệm về nghề “vít đầu thiên hạ” của những người thợ cạo già làng Kim Liên, vị chủ tịch phường trẻ (sinh năm 1971) đã 4 năm liền mở cuộc thi tay nghề, chọn ra "tay kéo vàng", khuấy lên tình yêu nghề có nguy cơ mai một của những thợ trẻ, đồng thời dành tâm trí lập đề án khôi phục làng nghề, vừa gìn giữ truyền thống, vừa tạo được công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động… Nay ở cương vị quản lý mới, trách nhiệm đặt lên vai ông không chỉ là phục dựng lại một làng nghề cổ, mà là góp phần tìm hướng bảo tồn, phát huy giá trị, nâng tầm cho khối lượng đồ sộ các di sản vật thể và phi vật thể của Hà Nội, để chúng không chỉ là những di sản “đứng yên” cho mọi người ca tụng, mà là những di sản mang giá trị tài sản.

“Đã đến lúc chúng ta phải quay trở về với bản ngã, Hà Nội phải “đào bật lên”, “khoe” được với mọi người tôi có cái này”, ông Hoàng say sưa nói như trở về tuổi ngoài 30 với nung nấu ý định phục dựng làng nghề cắt tóc Kim Liên thuở nào.

Cùng dòng suy nghĩ nhiệt huyết ấy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẳng thắn trao đổi: “Công nghiệp văn hóa phụ thuộc vào tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Hai yếu tố đầu tiên chính là lợi thế của Hà Nội và hai yếu tố tiếp theo là phương tiện chúng ra có thể sử dụng trong bối cảnh hiện nay để tạo ra lợi thế cho hai yếu tố đầu tiên. Có những đô thị biết phát triển văn hóa tạo ra nhiều lợi ích như thế nào nhưng họ không có thế mạnh lĩnh vực này. Trong khi đó, Hà Nội có quá nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Thậm chí, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại khi chưa tận dụng được thế mạnh về văn hóa để tạo ra động lực mới cho phát triển Thủ đô”.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thực tiễn thế giới và Việt Nam cho thấy sản phẩm văn hóa và tinh thần không chỉ có mục đích giải trí, mục đích kinh tế, mà cao hơn nữa, là khẳng định về mặt chính trị, khẳng định tầm vóc của đất nước, sức mạnh mềm của dân tộc, từ đó tạo ra uy tín của dân tộc, của một địa phương. Hà Nội muốn khẳng định vị trí của mình, không chỉ bằng kinh tế, mà phải thông qua văn hóa.

Thực tế, chúng ta đang có không ít rào cản cần phải vượt qua, những khó khăn nội tại cần phải giải quyết. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, cản trở lớn nhất khi xây dựng công nghiệp văn hóa chính là nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa bởi “khi nhận thức được đầy đủ, chúng ta sẽ có giải pháp và hành động phù hợp. Ngược lại, nó chỉ như món trang sức hay một khẩu hiệu mà không đến được đích chúng ta mong muốn”.

Có lẽ xuất phát từ mục đích thực hiện bài bản, thận trọng, trước tiên tạo nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vị trí và vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, chuỗi tọa đàm do Thành ủy Hà Nội tổ chức trong tháng 6 và tháng 7-2021 đã tạo tiếng vang lớn. Nhiều ý kiến tham vấn, đóng góp tích cực từ các của đại diện các cơ quan trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo dường như một lần nữa “vỡ hoang” các khái niệm, kiến thức, thông tin còn mới mẻ về lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thành quả “gặt hái” sau 3 tọa đàm là hàng trăm sáng kiến, góp ý, ý tưởng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo trên địa bàn Thủ đô, giúp dần định hình một bức tranh tổng thể về nền công nghiệp văn hóa mà Hà Nội hướng đến. Trưởng phòng Quản lý văn hóa Bùi Minh Hoàng đã cẩn trọng lưu lại tất cả trong một cuốn tài liệu dày mà càng đọc, ông càng thấm thía, tâm đắc…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nguyễn Văn Phong

“Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo. Trong khuôn khổ pháp lý của mình, Hà Nội sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất để tạo ra môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng cam kết sẽ chủ động tìm đến với các đơn vị, tổ chức, các mô hình sáng tạo có giá trị để mời gọi hợp tác cùng phát triển”

Chủ trì cả ba cuộc tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trân trọng từng ý kiến đóng góp quý giá. Đồng chí chia sẻ, trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người Hà Nội. Nhiệm kỳ này, Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại. Do đó, những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị là động lực và cơ sở để thành phố hoàn thiện nội dung dự thảo đề án, bảo đảm yêu cầu toàn diện, bao quát, có điểm nhấn và nhất là phải có tính khả thi.

Sau cảm xúc mừng vui vì có cơ hội được bày tỏ những suy tư, trăn trở bấy lâu hay đóng góp giải pháp, hiến kế cho Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa, hầu hết các chuyên gia tham dự tọa đàm đều cảm nhận, chủ trương ra Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trong nhiệm kỳ này của Thành ủy Hà Nội là chủ trương trúng và đúng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Hà Nội, với xu thế chung của thế giới; cụ thể hóa thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đã được UNESCO công nhận.

“Việc thành phố khắc phục nhiều khó khăn, trở ngại, dành tâm sức để tổ chức các cuộc toạ đàm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là minh chứng cho tầm quan trọng của chiến lược đối với hiện tại và tương lai của thành phố”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ.

Là khách mời của hội thảo đầu tiên, có cơ hội được nói ra những lời “gan ruột” của người vừa hoàn thành dự án không gian sáng tạo xứng tầm cho Hà Nội, nơi những người trẻ tài danh quy tụ, kết nối, cộng sinh để trao tặng cho thành phố nhiều thứ “hay ho”, KTS Đoàn Kỳ Thanh cảm nhận những chiếc “tổ” như thế sẽ sớm được tạo dựng cùng với lộ trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố.

Hà Nội xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hoá là ưu tiên hàng đầu, là con đường để văn hoá Thủ đô tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hoá quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hoá. Với một nền văn hiến hơn 1000 năm, Thăng Long – Hà Nội có thể làm gì để tạo động lực tăng trưởng, khai thác hiệu quả cơ hội phát triển mới?

TIẾP TỤC KHAI THÁC HIỆU QUẢ CÁC SẢN PHẨM, LĨNH VỰC THẾ MẠNH

Làm mới, gia tăng giá trị cho các sản phẩm đang là thế mạnh của Hà Nội sẽ tạo ra những thị trường rộng mở hơn, khai phóng dồi dào hơn nguồn tài nguyên sáng tạo.

NHẠC SĨ NGUYỄN QUỐC TRUNG

Sản phẩm phải được xây dựng nghiêm túc, có đời sống dài lâu

“Việc đầu tiên là cần thay đổi cách tư duy, xây dựng những tác phẩm ở bất cứ thể loại nào một cách nghiêm túc, có tầm nhìn, có đầu tư về mọi mặt để có đời sống lâu dài và thuyết phục mọi tầng lớp khán giả”

Chúng ta thường không thích nghe về những hạn chế và đánh giá một cách khách quan, thường có xu hướng “tô hồng” khi xây dưng dự án nào đó. Tuy nhiên, nhìn ra được hạn chế cũng là một điểm mạnh và từ đó cũng sẽ phát huy được những điểm mạnh. Chính vì vậy, tôi nhấn mạnh cần một cái nhìn khách quan, hiểu biết và liên kết đến các nền công nghiệp văn hóa phát triển khác trong đánh giá hiện trạng về công nghiệp văn hóa và công nghệ sáng tạo của Hà Nội. Từ việc đánh giá khách quan về thực trạng và tiềm năng sẽ dẫn tới việc lựa chọn mô hình phát triển tập trung, tránh dài trải hay lãng phí ngân sách.

Với lĩnh vực âm nhạc, âm nhạc của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung rất đa dạng, độc đáo nhưng gần như chưa đạt được tới tinh hoa văn hóa đủ sức cạnh tranh và thuyết phục khán giả cả trong và ngoài nước. Hạn chế đầu tiên là thiếu cả về chất và lượng các không gian để tạo nên những sản phẩm độc đáo; thiếu sự gắn kết phổ cập tới công chúng và thiếu cảm hứng cho sáng tạo đỉnh cao; thiếu sự đầu tư nghiêm túc nên không có sản phẩm đạt được đẳng cấp quốc tế. Vì không có nhiều tác phẩm đỉnh cao tạo cảm hứng dẫn lối cho nền công nghiệp âm nhạc nên dẫn đến thiếu hoặc không khả thi khi xây dựng nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung.

Âm nhạc truyền thống đang được lựa chọn giới thiệu vì sự lạ lẫm, độc đáo vốn có của nó, chứ chưa được xây dựng, sáng tạo nghiêm túc để nó trở thành những sản phẩm âm nhạc đỉnh cao và tinh tuý. Bao nhiêu năm qua, kể cả khi du lịch Việt Nam phát triển thì cũng vẫn từng đó những món ăn cũ kỹ, nhàm chán, chứ không có mấy sản phẩm được xây dựng nghiêm túc, có đời sống dài lâu.

Từ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các dự án như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) và Hoà nhạc cổ điển Hà Nội Vietnam Airlines (Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert) với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng London, một trong những dàn nhạc giao hưởng danh giá nhất thế giới, tôi thấy chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị.

Vì vậy, muốn phát huy thì việc đầu tiên là cần thay đổi cách tư duy, cần xây dựng những tác phẩm ở bất cứ thể loại nào một cách nghiêm túc, có tầm nhìn, có đầu tư về mọi mặt để có đời sống lâu dài và thuyết phục mọi tầng lớp khán giả.

BÀ TRẦN LY LY, GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT NHẠC VŨ KỊCH VIỆT NAM

Tập trung vào sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm Hà Nội cần phải có

“Thành phố cần “đặt hàng đích” với các đơn vị nghệ thuật, tổ chức hoặc cá nhân nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ uy tín có khả năng sản xuất những chương trình nghệ thuật, vở diễn nghệ thuật chất lượng, mang giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, tạo thương hiệu của thành phố”.

Mặc dù được coi là non trẻ so với các nước trên thế giới, nhưng Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua chính là sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đối với sự phát triển chung của đất nước.

Đối với nghệ thuật biểu diễn, tài sản lớn nhất chúng ta có là dân số trẻ, đa dạng và tài năng; tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin; thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Tuy nhiên, ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu hụt nguồn nhân lực, đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế thừa... Trong đó, thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế văn hóa của Việt Nam chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu và ảnh hưởng đến sức sáng tạo của ngành.

Nhìn lại có thể thấy, nghệ sĩ trẻ - lớp tiếp nối cho nền nghệ thuật, đang rất thiếu hoặc chưa có nhiều điều kiện để rèn luyện, phát triển và khẳng định tài năng. Điều dễ nhìn thấy nhất hiện nay là nhiều nghệ sĩ trẻ đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề; nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch, cải lương… hay nghệ thuật hàn lâm như opera, giao hưởng, ballet.

Để có thể phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn lên tầm cao mới, tiếp tục khai thác hiệu quả các sản phẩm truyền thống, cần thực hiện các cuộc khảo sát về hiện trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. Cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố hạ tầng đến con người, đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật; chú trọng hướng phát triển của nghệ thuật biểu diễn để có được một nền văn hóa đỉnh cao, trong đó tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm, mà các thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có Hà Nội cần phải có.

Bên cạnh đó, thành phố cần “đặt hàng đích” với các đơn vị nghệ thuật, tổ chức hoặc cá nhân nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ uy tín có khả năng để sản xuất những chương trình nghệ thuật, vở diễn nghệ thuật chất lượng, mang giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, tạo thương hiệu của thành phố.

BÀ NGÔ PHƯƠNG LAN, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI XÚC TIẾN PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM, NGUYÊN CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN ẢNH

Không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim

“Đội ngũ làm phim ở Hà Nội đang mai một, thiếu và yếu. Hiếm nhà đầu tư điện ảnh ở Hà Nội, trong khi khoảng 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở thành phố Hồ Chí Minh. Không khí làm điện ảnh ở Hà Nội gần như “nguội lạnh”. Điều này rất cần suy nghĩ…”

Hà Nội từng làm nên dòng chảy chính của điện ảnh Việt Nam từ khi hòa bình lập lại (năm 1954) cho đến trước thời kỳ đổi mới. Hà Nội là nơi “đóng đô” của tất cả các cơ quan điện ảnh ở Trung ương. Hệ thống rạp chiếu phim ở Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được định danh từ năm 2012, qua 4 kỳ tổ chức đã có thương hiệu quốc tế, trở thành liên hoan phim trẻ, nhiều sáng tạo mới, được tổ chức bài bản với các bộ tuyển chọn phim chất lượng cao, thu hút các nền điện ảnh châu Á và thế giới tham dự. Khán giả Hà Nội yêu điện ảnh, hứng thú với phim nghệ thuật – điều kiện tốt để tạo sự cân đối giữa các dòng phim… Đây là những thế mạnh, tiềm năng dễ thấy để có thể phát triển công nghiệp điện ảnh ở Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện đội ngũ làm phim ở Hà Nội đang mai một, thiếu và yếu. Hiếm nhà đầu tư điện ảnh ở Hà Nội, trong khi khoảng 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở thành phố Hồ Chí Minh. Không khí làm điện ảnh ở Hà Nội gần như “nguội lạnh”. Điều này rất cần suy nghĩ, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim.

Do đó, để làm sống lại niềm tự hào một thời, Hà Nội cần có kế hoạch, cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp và hiệu quả cho việc sản xuất phim. Đặc biệt, cần phát triển đội ngũ làm phim gồm các nhà sáng tác, nhà làm phim, nhà sản xuất phim… bởi yếu tố cốt lõi của việc phát triển công nghiệp điện ảnh là sản xuất ra sản phẩm chất lượng - nghĩa là làm ra những bộ phim tốt và hay, được công chúng đón nhận.

Chiến lược thu hút các hãng phim nước ngoài đến Hà Nội làm phim rất cần thiết, bởi hợp tác làm phim với nước ngoài sẽ thúc đẩy công nghiệp điện ảnh trong nước phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ khác, tạo nguồn thu lớn, đồng thời, góp phần quảng bá hữu hiệu hình ảnh thành phố và phát triển du lịch. Chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài đến quay phim là ưu đãi sản xuất phim. Đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ có chương trình ưu đãi sản xuất phim với mức hoàn tiền trung bình ở mức 20%- 25% chi phí sản xuất tại địa phương.

Thành phố cũng nên quan tâm đến việc phổ biến phim, có cơ chế ưu đãi đối với việc phát hành, phổ biến những phim Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục; phát huy hiệu quả hệ thống rạp của thành phố, phục vụ chiếu bóng lưu động tại các huyện, xã không có rạp; phát triển thương hiệu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và các giải thưởng điện ảnh uy tín chúng ta đang có.

Ngoài ra, xây dựng trường quay cũng là một phần của phát triển công nghiệp điện ảnh, đồng thời có giá trị cả về phát triển du lịch và các dịch vụ kèm theo.

ÔNG PHẠM TUẤN LONG, CHỦ TỊCH UBND QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI

Các giá trị của sáng tạo được đầu tư sẽ tạo tiếng vang

“Hoàn Kiếm đã và đang tập trung nghiên cứu nhiều phương án khai thác các không gian trống quy hoạch làm các không gian văn hóa nghệ thuật, nhằm sử dụng các khu đất trống trên địa bàn quận được hiệu quả hơn”.

Hà Nội có lợi thế rất lớn về văn hóa so với các địa phương. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ, nhiều sản phẩm sáng tạo của người Hà Nội, được thế giới công nhận. Đứng trước nhiều lợi thế, để phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả, Hà Nội cần làm rõ lĩnh vực nào phải được ưu tiên quan tâm đầu tư.

Hiện nay, sự hỗ trợ cho phát triển văn hóa chưa nhiều, những người làm nghệ thuật đang hoạt động khá độc lập…C húng ta cần quan tâm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ, đến sản phẩm văn hóa, tạo ra môi trường văn hóa chất lượng để họ có thể quảng bá sản phẩm của mình… Ví dụ như hiện nay, Hà Nội có một số phòng tranh tổ chức đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, đây là nơi chúng ta tăng nguồn thu, đồng thời cũng là nơi giám sát, kiểm soát chất lượng nghệ thuật.

Hoàn Kiếm được xác định là trung tâm của Thủ đô Hà Nội, có diện tích nhỏ hẹp nhưng lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa, con người của dân tộc. Quận cũng là nơi hội tụ tinh hoa văn sĩ, trí thức, các nhà mỹ thuật, trong đó có nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật nước nhà. Lợi thế đó đã khiến Hoàn Kiếm trở thành trung tâm văn hóa, thu hút nhiều giới văn nghệ sĩ có tiếng ở nước ngoài tới thăm và làm việc, qua đó tiếp nhận được nhiều nét văn hóa mới, đặc sắc của nước ngoài.

Ý thức rõ lợi thế của mình khi sở hữu hệ thống di sản cùng không gian văn hóa sáng tạo quý báu - nền tảng của hệ sinh thái sáng tạo, quận Hoàn Kiếm luôn dành sự quan tâm đặc biệt để giữ gìn, bảo tồn, phát huy lợi thế hiện có, đem đến những không gian sáng tạo có giá trị thực tiễn, góp phần để Hà Nội - Thành phố sáng tạo, thành phố đáng sống - phát triển bền vững.

Các giá trị của sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật khi được đầu tư bài bản sẽ tạo được tiếng vang. Do đó, Hoàn Kiếm xác định sẽ đưa vào các mô hình không gian sáng tạo, từ đó, các giá trị di sản văn hóa của Hoàn Kiếm sẽ được phát huy, góp phần phát triển kinh tế của quận nói riêng và thành phố nói chung. Quận Hoàn Kiếm đã và đang tập trung nghiên cứu nhiều phương án khai thác các không gian trống quy hoạch làm các không gian văn hóa nghệ thuật nhằm sử dụng các khu đất trống trên địa bàn quận được hiệu quả hơn. Dự kiến, dự án này sẽ tập trung vào hai phường Phúc Tân và Chương Dương.

PHÁT HUY LỢI THẾ CỦA CÁC CÁ NHÂN, DOANH NGHIỆP NHỎ

Với một nền công nghiệp văn hoá còn non trẻ, đa phần các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, việc thiết lập hệ thống cơ chế, chính sách để huy động tổng lực sức mạnh của lực lượng này sẽ mang lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể.

ÔNG LÊ QUỐC VINH, CHỦ TỊCH CLB DOANH NHÂN SÁNG TẠO (VCE CLUB)

Để doanh nghiệp nhỏ tự thân vận động, “tự lớn” thì sẽ rất lâu

“Một công ty nhỏ trong lĩnh vực sáng tạo cũng tiềm tàng tạo ra giá trị cả tỷ USD – chỉ có ngành công nghiệp sáng tạo mới tạo được ra giá trị cao như vậy mà không tiêu tốn nguồn lực xã hội, nhiên liệu và cũng không cần đến tài nguyên…”

Tương lai đến năm 2030, chúng ta kỳ vọng công nghiệp sáng tạo sẽ chiếm 7% GDP, tức xấp xỉ 25 tỷ USD, trong đó, tỷ trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh cao hơn. Con số đó khả thi với điều kiện chúng ta tạo ra được nền tảng phát triển. Bởi thực tế, một công ty nhỏ trong lĩnh vực sáng tạo cũng tiềm tàng tạo ra giá trị cả tỷ USD - chỉ có ngành công nghiệp sáng tạo mới tạo được ra giá trị cao như vậy mà không tiêu tốn nguồn lực xã hội, nhiên liệu và cũng không cần đến tài nguyên. Bởi tài nguyên chính của ngành này là chất xám trong mỗi con người.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, năng lực nội tại, trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam khá vượt trội so với các nước trong khu vực. Như vậy, cần khẳng định, công nghiệp văn hóa tạo ra giá trị, động lực lớn cho phát triển, giúp chúng ta có thể cạnh tranh ngang bằng với các nước trên thế giới.

Hiện các doanh nghiệp tư nhân trong ngành sáng tạo hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, nếu để họ tự thân vận động, “tự lớn” thì sẽ rất lâu. Thậm chí, họ sẽ không bao giờ “lớn” nếu thành phố không có hành động cụ thể. Đơn cử, các không gian sáng tạo không thể hình thành nếu chỉ có mỗi nhà đầu tư tư nhân tham gia. Trước hết, đó phải là một dự án của nhà nước.

Với nhiều tập đoàn lớn, việc xây dựng các không gian như thế “dễ như trở bàn tay”, nhưng họ chưa làm vì chưa nhìn thấy hiệu quả ở đó. Do đó, nếu nhà nước xây dựng những không gian đầu tiên, cho thấy sức sống, sức hấp dẫn với nhiều ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt thì sẽ khuyến khích sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo tập trung, tạo ra các sản phẩm để trưng bày, mua bán... Từ đó, không chỉ là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh, tạo ra nhiều tiềm lực kinh tế khác, mà chính là tiền đề vững chắc để tạo lập thị trường, tạo dựng nền công nghiệp sáng tạo.

Hà Nội đang có hơn 100 trung tâm sáng tạo nhưng nằm tản mát, quy mô nhỏ, nếu không phải là người trong ngành thì không biết đến; công chúng Hà Nội cũng không nhìn thấy, người nước ngoài, người từ tỉnh khác đến Hà Nội cũng không nhìn thấy… Trong khi đó, Hà Nội nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, mà cụ thể trong lĩnh vực thiết kế. Vì vậy, chúng ta cần định hình, xây dựng hình ảnh một thành phố thiết kế thực sự, để mọi người nhìn thấy “chất” thiết kế của thành phố thấm đẫm trong các công trình lớn, toà nhà, công trình công cộng hay những trung tâm sáng tạo, nơi tập trung các công ty thiết kế, sản phẩm thiết kế...

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần nhanh chóng thiết lập một thị trường thiết kế, một thị trường công nghiệp văn hóa thực thụ, nơi có người bán, người mua, có cơ chế vận hành và đặc biệt có “toà án” về bản quyền, nơi thụ lý rất nhanh và đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời mọi sao chép, “ăn cắp” trí tuệ, chất xám trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế…

ÔNG TRẦN DƯƠNG QUÝ, CHỦ CƠ SỞ GỐM PHÚC GIA TIÊN, LÀNG NGHỀ GỐM BÁT TRÀNG

Tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp làng nghề

“Mẫu mã sản phẩm ở Bát Tràng không được bảo hộ nên khi doanh nghiệp đầu tư công sức sáng tạo, cho ra một sản phẩm bán chạy hôm nay thì ngay ngày mai, hàng xóm làm y chang, bán với giá rẻ hơn, khiến doanh nghiệp không còn… đường sống”

Dịch Covid-19 bùng phát, các xưởng sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ Bát Tràng không còn các đơn hàng gốm sứ quà tặng lớn. Nhiều mặt hàng gốm sứ vốn chỉ là đồ trưng bày, trang trí nên khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cũng ít “mặn mà” hơn với mặt hàng này. Thị trường thế giới đóng băng. Thị trường trong nước cũng dần thu hẹp, nhất là khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía nam tạm ngừng giao thương do dịch bùng phát phức tạp.

Không còn đường bán hàng truyền thống, có đến 99% các doanh nghiệp, nhà xưởng tại Bát Tràng phải tự thích ứng chuyển mình, tự học hỏi để bán hàng online trên các mạng xã hội nhằm cầm cự sản xuất, nuôi thợ, giữ nghề. Đây là dấu hiệu đáng mừng vì trong “cái khó ló cái khôn”, các nhà xưởng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã tự thân vận động, tận dụng thế mạnh của mạng xã hội và áp dụng công nghệ thông tin, tìm đầu ra mới cho sản phẩm.

Tuy nhiên, việc bán hàng online cũng là câu chuyện buồn của làng nghề khi chưa được thực hiện bài bản. “Trăm hoa đua nở”, bất cứ ai cũng có thể lên mạng, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Với các cá nhân, họ có thể “bán cho vui”, “lấy công làm lãi”, bán được chút nào hay chút đó, thậm chí với lợi nhuận rất thấp, khoảng 10%, vô tình phá giá thị trường. Trong khi những doanh nghiệp làm bài bản, chính quy, đầu tư nhiều về thợ thuyền, sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới và quảng bá, PR marketing trên các sàn thương mại điện tử… thì mức lợi nhuận này không đủ chi phí duy trì sản xuất.

Chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề cần phải bàn. Khách hàng có thể ưng cùng một mẫu sản phẩm nhưng có xu hướng tìm chỗ nào rẻ hơn để mua. Chất lượng hàng nhận được khác biệt với sản phẩm “ngắm” trên mạng làm giảm uy tín của sản phẩm làng nghề. Hơn nữa, mẫu mã sản phẩm ở Bát Tràng không được bảo hộ nên khi doanh nghiệp đầu tư công sức sáng tạo, cho ra một sản phẩm bán chạy hôm nay, thì ngày mai, hàng xóm làm y chang, bán với giá rẻ hơn, khiến doanh nghiệp không còn… đường sống.

Các doanh nghiệp làng nghề Bát Tràng nói riêng cũng như các doanh nghiệp làng nghề khác của Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức trong thời kỳ nền kinh tế hội nhập sâu rộng, khiến sản phẩm làm thủ công, công nghệ còn thấp trong nước ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nước ngoài. Việc thay đổi liên tục về thiết kế mẫu hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường cả trong nước và quốc tế, tìm đúng phân khúc khách hàng để tiếp thị sản phẩm là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn về mở rộng mặt bằng sản xuất, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu hụt về kỹ năng nghề, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị tiên tiến… đang là những rào cản lớn mà các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề rất cần được thành phố đồng hành “cởi gỡ”.

ÔNG TRẦN HÙNG, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CHUYÊN MÔN HIỆP HỘI QUẢNG CÁO VIỆT NAM

Doanh nghiệp quảng cáo ở Hà Nội chưa được khai thác hết tiềm năng

“Quảng cáo ngoài trời vốn là một loại hình có ưu thế mạnh của Hà Nội, nhưng gần đây có phần giảm sút do nhiều bất cập về mặt quản lý và tổ chức thực hiện. Đó thực chất là sự lãng phí tài nguyên, hạn chế sáng tạo, giảm nguồn thu. Nếu những hạn chế này được khắc phục thì các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng khai thác được tối đa tiềm năng của quảng cáo Hà Nội”.

Hà Nội, với vị trí đặc biệt của Thủ đô, từ trước tới nay vẫn là trung tâm quảng cáo phát triển nhất nhì cả nước. Khách trong nước, ngoài nước đến Hà Nội đều cảm nhận được đời sống kinh tế, xã hội rất đặc trưng của Hà Nội thông qua các loại hình quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời, với những hình thức quảng cáo truyền thống như bảng vẽ, hộp đèn, bảng điện tử, đến những hình thức quảng cáo công nghệ cao như màn hình LED, màn hình LCD…

Bằng các hoạt động của mình, các công ty quảng cáo đã có những đóng góp tích cực vào nguồn ngân sách, vào các hoạt động xã hội của thành phố, góp phần làm cho cảnh quan của Thủ đô trở nên văn minh, sinh động, hấp dẫn hơn.

Nếu nói đến tiềm năng của 12 lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa như trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đề ra thì vị trí, tiềm năng thể hiện qua chỉ tiêu của Chính phủ giao cho ngành quảng cáo chỉ đứng sau ngành du lịch. Thế giới cũng coi quảng cáo là ngành công nghiệp “trắng”, hằng năm cho doanh thu tới hàng trăm tỷ USD.

Tuy vậy, theo chúng tôi, các doanh nghiệp khai thác quảng cáo ở Hà Nội chưa được phát huy hết tiềm năng. Đặc biệt, quảng cáo ngoài trời vốn là một loại hình quảng cáo có ưu thế mạnh của Hà Nội nhưng mấy năm gần đây có phần giảm sút mạnh do nhiều bất cập về mặt quản lý và tổ chức thực hiện. Các doanh nghiệp quảng cáo vẫn đang mong chờ thành phố công khai quy hoạch quảng cáo; được tiếp tục khai thác quảng cáo tại các dải phân cách, các nhà chờ xe buýt (bị tạm dừng quảng cáo từ năm 2016 đến nay) hoặ tại nhiều con đường mới mở, nhiều khu vực có thể khai thác quảng cáo chưa được tận dụng… Các doanh nghiệp cũng mong được thành phố nhìn nhận cởi mở hơn với những phương thức quảng cáo mới, tiên tiến, hiện đại.

Để góp phần cùng cả nước đạt chỉ tiêu do Chính phủ giao cho ngành quảng cáo, thành phố nên xây dựng một đề án tổng thể, đánh giá thật khách quan thực tại và đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, cho từng loại hình quảng cáo. Để đưa quảng cáo thực sự trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mạnh của Hà Nội thì các chủ thể của ngành này cần được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Thành phố cần tiếp tục cải tiến, giảm các thủ tục hành chính trong việc giải quyết hồ sơ tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo, cấp phép xây dựng bảng quảng cáo tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo trong việc sáng tạo, phát triển các hình thức quảng cáo mới, phát huy hết năng lực của các doanh nghiệp nội địa để thực hiện các công trình quảng cáo của thành phố trước khi có ý định mời các công ty nước ngoài vào đầu tư, khai thác…

Về mặt quản lý, cần công bố công khai, minh bạch quy hoạch quảng cáo; kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý quảng cáo cho phù hợp với thực tế; hạn chế những quy định bất hợp lý như “đồng phục quảng cáo”, tháo dỡ bảng, dừng tiếp nhận hồ sơ quảng cáo chờ quy hoạch…; tăng cường các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp quảng cáo, lắng nghe ý kiến đóng góp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chính đáng của doanh nghiệp, đi kèm với xây dựng chế độ thưởng, phạt công minh.

ÔNG NGUYỄN CÔNG HOAN, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY DU LỊCH FLAMINGO REDTOURS

Khai thác giản đơn làm mai một tài nguyên của Hà Nội

“Tài nguyên du lịch Hà Nội vốn đã hấp dẫn du khách nên thời gian qua việc khai thác rất giản đơn, không có sự chắt lọc, sáng tạo, gọt giũa, gia tăng giá trị, khai thác không khoa học làm mai một giá trị thậm trí là bị biến tấu, mất dần đi giá trị cốt lõi nguyên gốc của nó”.

Hà Nội có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những hạn chế, khó khăn trong phát triển du lịch của Hà Nội lại xuất phát từ chính việc có quá nhiều tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, những tài nguyên du lịch Hà Nội vốn đã hấp dẫn du khách nên thời gian qua, việc khai thác rất giản đơn, không có sự chắt lọc, sáng tạo, gọt giũa, gia tăng giá trị, khai thác không khoa học, làm mai một giá trị, thậm chí là bị biến tấu, làm mất dần đi giá trị cốt lõi nguyên gốc của nó.

Tiềm năng du lịch Hà Nội đa dạng nên sản phẩm du lịch Hà Nội chủ yếu mang tính tổng hợp, là phép cộng đơn thuần các dịch vụ, các giá trị khác nhau mà không có sự phân loại, chuyên sâu để tạo nên các dòng sản phẩm chuyên biệt. Cách làm này có thể phù hợp với nhu cầu lần đầu, nhu cầu chung trước đây của du khách, nhưng không phù hợp với xu hướng sử dụng các sản phẩm du lịch có tính chuyên sâu theo từng chủ đề của du khách, sản phẩm dành cho khách quay trở lại.

Trong khi đó, doanh nghiệp Du lịch Hà Nội nhiều nhưng phát triển theo hướng dàn hàng ngang, cạnh tranh trực tiếp với nhau, thay vì mỗi đơn vị tìm cho mình những dòng sản phẩm đặc trưng riêng, thị trường riêng.

Trong suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt. Điều đó bắt buộc các doanh nghiệp phải có giải pháp để tái thiết, có tính toán phù hợp hơn để xác định một hướng đi mới. Đó là cần xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính chuyên sâu theo từng chủ đề, theo từng thị trường khách, theo từng thời điểm, cá biệt hóa với từng đối tượng khách hàng. Các đơn vị cần xác định những sản phẩm đặc trưng chỉ có của Hà Nội với những sản phẩm mà Hà Nội có, các địa phương khác cũng có để kết nối bổ sung giữa Hà Nội với các địa phương khác, không xây dựng sản phẩm du lịch theo địa giới hành chính.

Việc khai thác các tài nguyên du lịch cần được thực hiện một cách hiệu quả, sáng tạo, bổ sung các giá trị gia tăng nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Văn hóa truyền thống phải được khai thác một cách chắt lọc thành các sản phẩm du lịch có đặc trưng riêng mà du khách có khả năng cảm nhận, mong muốn được trải nghiệm và sẵn sàng chi trả, từ đó khai thác du lịch sẽ hiệu quả hơn về mặt kinh tế.

Để phát triển lĩnh vực công nghiệp du lịch, thu hút, giữ chân du khách, kéo khách trở lại thì văn minh của điểm đến rất quan trọng. Việc xây dựng bộ tiêu chí ứng xử của người dân Hà Nội, tạo nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội sẽ là yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị bền vững của điểm đến.

Đồng thời, để trở thành điểm đến của đông đảo du khách với các nhu cầu khác nhau thì Hà Nội không thể tách ra khỏi thế giới, mà cần phải tiếp tục hội nhập mạnh mẽ hơn. Thành phố cần sẵn sàng tiếp nhận, khuyến khích tạo điều kiện đầu tư, phát triển các giá trị văn hóa, những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí đương đại là nhu cầu chung của nhân loại, tạo thêm sức hút với du khách bốn phương.

TẠO ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN BẰNG SỨC MẠNH SỐ

Việc thực hiện chuyển đổi số để tăng năng suất và tăng giá trị sản phẩm/dịch vụ trong nhóm ngành kinh tế sáng tạo cần phải được thực hiện sớm, mạnh mẽ, chủ động, với nguồn lực và quyết tâm cao.

ÔNG NGUYỄN VĂN KHOA, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM (VINASA)

Gần 50% doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đặt trụ sở tại Hà Nội

“Với một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc kết hợp với một nền công nghệ đã bắt kịp những xu hướng công nghệ mới nhất của toàn cầu, tôi cho rằng, công nghiệp văn hóa của Việt Nam vô cùng hứa hẹn trong thời đại số”.

Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm công nghệ đã và đang thâm nhập rất sâu hỗ trợ trong công nghiệp văn hóa. Rất nhiều xu hướng công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và dự báo sẽ rất phổ biến trong thời gian tới, có thể góp phần phát triển đa dạng công nghiệp văn hóa của Việt Nam trên nền các di sản. Ví dụ như: công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường (VR, AR, XR, Hologram, in 3D) – những công nghệ đang tạo ra cách mạng trong nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc, mỹ thuật, triển lãm, du lịch văn hóa… Trí tuệ nhân tạo (AI) đang hỗ trợ tạo ra những nội dung, những sản phẩm âm nhạc, văn hóa nhanh chóng, đa dạng và ngày càng hay. Cloud và công nghiệp nền tảng đang tạo ra những kênh phổ biến sản phẩm văn hóa như điện ảnh, biểu diễn…, giúp các sản phẩm này nhanh chóng tiếp cận khán giả toàn cầu.

Hà Nội là thủ đô, là trái tim của Việt Nam. Công nghiệp Văn hóa phát triển sẽ không chỉ đem lại giá trị cho Hà Nội, mà đem lại giá trị cho cả Việt Nam. Hà Nội vì thế, với tôi, có nhiều lợi thế lắm: Có đầy đủ sự đa dạng và đậm đà trong văn hóa truyền thống, từ công trình kiến trúc, di tích lịch sử, thủ công mỹ nghệ, đến các di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, các lễ hội… Có những trung tâm nghệ thuật biểu diễn hàng đầu, những nghệ sỹ hàng đầu của đất nước…

Về công nghệ, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm công nghệ không chỉ của Việt Nam, mà đã ghi dấu vị thế trên trường quốc tế. Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn lọt Top 20 những thành phố hấp dẫn nhất về dịch vụ ủy thác phần mềm thế giới (Theo báo cáo của AT Keaney). Khoảng gần 50% doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đặt trụ sở tại Hà Nội. Đây là những điểm mạnh, những lợi thế vô cùng lớn của Hà Nội.

Để văn hóa là một ngành công nghiệp quan trọng có khả năng đem lại nguồn thu lớn, Hà Nội cần có những chính sách, bước đi bài bản về thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng, bảo tồn, quảng bá những sản phẩm văn hóa hiện có, song song với phát triển những sản phẩm văn hóa, giá trị văn hóa mới dựa trên những di sản đang có và nền tảng công nghệ. Ví dụ đơn giản là thúc đẩy trải nghiệm công trình kiến trúc, di tích lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo (ở các tỉnh, thành du lịch đang làm nhiều, như Huế, Đà Nẵng...); xây dựng các nền tảng bảo tồn, quảng bá lễ hội, sáng tác…. Thành phố cần nghiên cứu tạo lập những dự án chuyển đổi số cụ thể trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng những chương trình kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp tổ chức quản lý, bảo tồn văn hóa để có những bước đi nhanh chóng và cụ thể. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực công nghệ, nhân lực để triển khai những dự án này.

ÔNG ĐINH VĂN HẢI, PHÓ TỔNG THƯ KÝ HỘI TRUYỀN THÔNG SỐ VIỆT NAM

Công khai, minh bạch hơn nữa để tạo “đất dụng võ” cho các công nghệ lõi

Sức làm việc của công nghệ số là khủng khiếp, ta không công khai, minh bạch để công nghệ số có chỗ làm việc thì đó là một sự lãng phí cơ hội khủng khiếp. Ta dừng lại hoặc tiến chậm, trong khi những thành phố đi trước tiến lên như vũ bão thì khoảng cách phát triển sẽ ngày càng xa.

Hiện quy mô dân số, GDP địa bàn, mức đóng góp ngân sách quốc gia… của Hà Nội đều rất cao. Tổng sức sản xuất, tổng mức tiêu dùng của toàn địa bàn ở mức rất cao. Các ngành nghề của Hà Nội, trong đó có các ngành kinh tế văn hóa, đều có tiềm năng doanh số lớn.

Tuy nhiên, xét từ góc nhìn kinh tế số, nếu muốn Hà Nội phát triển các ngành kinh tế văn hóa dựa vào công nghệ và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, chúng ta phải cải thiện hơn nữa sự công khai, minh bạch. Sức làm việc của công nghệ số là khủng khiếp, ta không công khai, minh bạch để công nghệ số có chỗ làm việc thì đó là một sự lãng phí cơ hội khủng khiếp. Ta dừng lại hoặc tiến chậm, trong khi những thành phố đi trước tiến lên như vũ bão thì khoảng cách phát triển sẽ ngày càng xa ra, cơ hội đuổi kịp (và vượt qua) họ sẽ ngày càng mờ mịt.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số, mà cốt lõi của công nghệ số là công nghệ bán dẫn, tức miêu tả mọi sự vật, hiện tượng, quá trình của thế giới này chỉ bằng tổ hợp các trạng thái ngắt hoặc mở, tắt điện hoặc dẫn điện của các bóng bán dẫn, rồi biểu hiện các trạng thái ngắt và mở đó bằng hai chữ số: chữ số 0 (tương ứng tắt điện) và chữ số 1 (tương ứng dẫn điện). Nếu thiếu công khai, minh bạch, không có dữ liệu mở và mở dữ liệu, thì sẽ không có đất dụng võ cho các công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để Hà Nội có thể hội nhập, tận dụng được sức mạnh to lớn của công nghệ số và vững vàng trên sân chơi toàn cầu, thành phố cần thu hút được những người thực tài, có khát vọng cống hiến, tạo điều kiện làm việc thuận lợi và chế độ thu nhập thoả đáng để họ yên tâm công tác; trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến (internet tốc độ cao, dịch vụ data center, dịch vụ điện toán đám mây…); đặt hàng doanh nghiệp khởi nghiệp; giúp kết nối tìm kiếm đối tác, bạn hàng, giao thương liên vùng, liên quốc gia; bảo vệ tài sản, quyền riêng tư, bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ của những chủ thể hợp pháp…

Việc chuyển đổi số sâu rộng cũng sẽ giúp mọi hoạt động trở nên công khai, minh bạch, các khâu đồng bộ, cập nhật theo thời gian thực. Thu ngân sách sẽ công bằng hơn và được cải thiện nhiều về quy mô. Trên phạm vi quốc tế, Hà Nội cần có thoả thuận song phương và đa phương với các nước về mức thuế tối thiểu chung, về chống chuyển giá; phối hợp quốc tế thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm túc sau kiểm tra, thanh tra để bảo đảm thu đúng, thu đủ từ những nguồn kinh doanh sản phẩm văn hóa, sáng tạo trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, chúng ta cũng cần dùng truyền thông một cách sáng tạo để tuyên dương những điển hình tốt, để chế tài bằng dư luận những cá nhân, tổ chức có vi phạm.

ÔNG NGUYỄN LÂM THANH, GIÁM ĐỐC CHÍNH SÁCH TIKTOK VIỆT NAM

Có 4 nhóm nội dung đang tăng trưởng vượt bậc

Hà Nội là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất ở Việt Nam với rất nhiều thư viện, bảo tàng, nhà hát cũng như các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội cũng diễn ra rất sôi nổi và đa dạng. TikTok mong muốn trong thời gian tới, sẽ có các chương trình hợp tác với Hà Nội để có thể mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

Cùng với nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã và đang được ghi nhận là thị trường đầy tiềm năng để phát triển nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, TikTok cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của 4 nhóm nội dung chính trên nền tảng (từ 1/2020 đến 1/2021), bao gồm: giáo dục (tăng khoảng 34 lần), giải trí (tăng khoảng 26 lần), làm đẹp (tăng khoảng 5 lần) và thương mại điện tử (tăng khoảng 5 lần). Không chỉ hướng đến các nhà sáng tạo, người dùng, cộng đồng TikTok Việt Nam còn đang mở rộng đến đối tượng doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu gần đây của TikTok tại khu vực Đông Nam Á, trong quý đầu tiên của năm 2021, cứ 3 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã sử dụng TikTok thì có 1 doanh nghiệp lựa chọn TikTok làm nền tảng quảng cáo ưa thích nhất cho những sản phẩm của mình.

Từ khi ra mắt tại thị trường Việt Nam đến nay, TikTok luôn nỗ lực triển khai những chiến dịch sáng tạo nhằm lan toả nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam đến với cả cộng đồng trong nước và quốc tế.

Năm 2019, dưới sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch, TikTok chính thức khởi động chương trình #HelloVietnam, đặt mục tiêu mang đến một góc nhìn mới về văn hóa và thúc đẩy du lịch tại Việt Nam trên nền tảng. Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình #HelloVietnam không ngừng mở rộng với nhiều chiến dịch nổi bật như #HelloDaNang, #HelloNinhBinh và gần đây nhất là #HelloHue - phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ “Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2021”, hướng đến thúc đẩy ngành du lịch và chuyển đổi số tại địa phương.

Sự thành công của #HelloVietnam với trên 300 triệu lượt xem đã cho thấy tính hiệu quả trong việc quảng bá văn hóa và du lịch địa phương trên nền tảng TikTok. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các chương trình của Chính phủ nhằm đưa văn hóa và thế mạnh du lịch của địa phương lên nền tảng, đồng thời chủ động tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác với các đơn vị, tổ chức để góp phần vào việc đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với quốc tế.

Hà Nội là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất ở Việt Nam với rất nhiều thư viện, bảo tàng, nhà hát cũng như các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội cũng diễn ra rất sôi nổi và đa dạng. TikTok mong muốn trong thời gian tới, sẽ có các chương trình hợp tác với Hà Nội để có thể mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

ÔNG BÙI MINH PHƯƠNG, GIÁM ĐỐC QUẢN LÝ KHỐI GAMES, CÔNG TY CỔ PHẦN VNG

Ngành game Việt có tiềm năng xuất khẩu rất cao

Nội dung số, giải trí số chắc chắn là một ngành công nghiệp của hiện tại và tương lai. Chúng tôi cho rằng, để có thể phát huy được những thế mạnh của ngành này, cần đặt nó ở một vị trí tương xứng với các ngành kinh tế khác.

Nhờ sự phát triển của công nghệ và sự phổ biến của smartphone, ngành game đang có rất nhiều lợi thế. Thực tế, không phải mới đây mà trong suốt 20 năm qua, doanh thu ngành game luôn cao hơn mức tổng doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc và phim ảnh cộng lại. Với 68,72 triệu người sử dụng Internet (tương ứng hơn 70% dân số), thị trường Việt Nam được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để các nhà phát triển game khai thác.

Tuy nhiên, thực tế, nguồn cung về các sản phẩm game thuần Việt vẫn còn nhiều hạn chế: Các tựa game nhiều người Việt Nam chơi thì thường có xuất xứ nước ngoài và được quản lý, phát hành bởi các doanh nghiệp trong nước, còn các studio đang phát triển game thành công của Việt Nam thì đa phần khách hàng của họ lại từ các quốc gia khác trên thế giới.

Ngành game Việt đang phát triển với dấu hiệu tích cực và cũng là ngành có tiềm năng xuất khẩu rất cao, nhưng định kiến về kinh doanh game, chơi game vẫn chưa nhận được những cái nhìn tích cực. Chúng tôi hi vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những trường đào tạo sản xuất game bài bản, chuyên nghiệp như các nước khác để có thể xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, góp phần phát triển và vận hành các sản phẩm đạt đến chất lượng quốc tế.

Nội dung số, giải trí số chắc chắn là một ngành công nghiệp của hiện tại và tương lai. Ở Việt Nam nói chung và những thành phố lớn như Hà Nội, việc sở hữu smartphone và tiếp cận dễ dàng với internet tốc độ cao đã tạo điều kiện cho trò chơi trực tuyến và các hoạt động giải trí số khác phát triển mạnh. Các nhà phát triển game trong nước thấu hiểu văn hóa bản địa, thói quen sinh hoạt của người dùng Việt Nam và có khả năng hỗ trợ, chăm sóc khách hàng nhanh chóng, giúp người dùng có những trải nghiệm tốt nhất. Bên cạnh đó, ngành game trực tuyến vốn đã được “khai sinh” trên nền tảng số, nên về ngắn hạn sẽ được hưởng lợi về số lượng người dùng trong giai đoạn Covid–19, nhưng trong dài hạn, khi nền kinh tế chung bị ảnh hưởng thì nội dung số, giải trí số không thể đứng ngoài vòng xoáy khó khăn.

Chúng tôi cho rằng, để có thể phát huy được những thế mạnh của ngành này, Hà Nội cần đặt nó ở một vị trí tương xứng với các ngành kinh tế khác. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp trong ngành mới phát huy hết khả năng để đóng góp cho các mục tiêu chung. Môi trường số luôn luôn vận động và biến đổi, do vậy, quản lý môi trường này cần sự linh hoạt để vừa có cơ chế kiểm duyệt phù hợp nhưng vẫn tạo điều kiện tốt cho ngành phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta cần quản lý chặt chẽ các nội dung “phản” văn hóa. Hiện nay, trên thị trường vẫn còn tồn tại rất nhiều những sản phẩm chứa đựng nội dung không phù hợp với văn hóa Việt Nam, vô hình chung gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp đang kinh doanh game chân chính khác.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ có các cuộc thi sáng tạo nội dung trên môi trường số nhằm tạo động lực cho các nhà phát triển game thỏa sức sáng tạo. Đây cũng sẽ là một nguồn kịch bản dồi dào, có định hướng và phù hợp để phát triển thành các nội dung trò chơi trực tuyến.

Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được được tải nhiều nhất trên thế giới. Cứ mỗi 25 game được tải thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất. Báo cáo marketing năm 2020 của Adsota cho thấy tỉ lệ người chơi game tại Việt Nam hằng ngày năm 2020 đã đạt 72%, tỉ lệ tìm kiếm game mới mỗi tuần đạt 61%.

Báo cáo của Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cũng cho biết, doanh thu của ngành công nghiệp game tại Việt Nam năm 2020 cán mốc 12.000 tỷ đồng (gấp đôi so với năm 2015), số lượng lao động trong ngành tăng từ 7.000 người lên 25.000 người giai đoạn 2015-2020.

Trong những năm gần đây, thể thao điện tử cũng được đưa vào là bộ môn chính thức thi đấu Seagames cùng với các giải đấu trực tuyến thu hút hàng triệu khán giả và mang lại mức thu nhập khá đến rất cao cho các vận động viên.

XÂY DỰNG CÁC BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA MỚI

Tạo ra các sản phẩm văn hóa lớn, đủ năng lực cạnh tranh, làm nên bản sắc riêng biệt, định vị thương hiệu Thủ đô trên bản đồ công nghiệp văn hóa của khu vực và thế giới.

ÔNG BÙI HOÀI SƠN, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI

Cần những công trình mang dấu ấn đặc trưng của Hà Nội

“Không khó để kể tên một số công trình văn hóa mà Hà Nội đã xây dựng trong 30 năm đổi mới, song để tìm công trình tiêu biểu thì thật khó”

Nhìn vào các công trình văn hóa của Hà Nội, trước hết là các rạp hát hiện nay, dù mới được đầu tư hàng loạt nhưng không có rạp nào đủ điều kiện để biểu diễn những chương trình nghệ thuật lớn. Còn các công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Công viên Hòa Bình, Tượng đài Thánh Gióng, Bảo tàng Hà Nội, đại lộ Thăng Long… dù có kinh phí đầu tư lớn song chưa thể hiện được dấu ấn riêng, chưa đặc trưng cho Hà Nội ở giai đoạn mới. Rõ ràng, không khó để kể tên một số công trình văn hóa mà Hà Nội đã xây dựng trong 30 năm đổi mới, song để tìm công trình tiêu biểu thì thật khó.

Vì công nghiệp văn hóa liên quan đến 4 yếu tố bao gồm tài năng sáng tạo, tiềm năng văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh nên Hà Nội phải chú trọng đến cả 4 yếu tố này. Tập trung cho tài năng sáng tạo chính là chăm lo cho đội ngũ sáng tạo, các văn nghệ sĩ, những nhà thiết kế, lập trình... Ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo, đào tạo tài năng cả ở trong và ngoài nước, việc xây dựng thương hiệu cho các văn nghệ sĩ, tổ chức các sự kiện quốc tế tại Việt Nam và tham gia các sự kiện quốc tế, hình thành các biểu tượng văn hóa mới, tạo ra các sản phẩm, dự án văn hóa lớn để định vị thương hiệu Thủ đô trong thời đại 4.0… là những giải pháp rất cần thiết, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, với tiềm năng, vốn văn hóa, chúng ta nên chú ý đến việc tạo sức sống mới cho các di tích, lễ hội, sản phẩm làng nghề, ẩm thực... trên cơ sở sử dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh, tạo ra sự hấp dẫn đối với những sản phẩm này. Đơn cử như một món ăn sẽ hấp dẫn và ngon hơn nếu được trang trí đẹp đi kèm với những câu chuyện thú vị về món ăn đó, được chế biến bởi những đầu bếp, tại nhà hàng có thương hiệu.

Một nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội trong 5 năm sắp tới là rất hữu ích, có tác dụng định hướng cho lĩnh vực quan trọng này, đồng thời là cơ sở pháp lý để Hà Nội có thêm chính sách về ưu đãi thuế, đất đai, hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.

Khi chúng ta có được sự đồng thuận về nhận thức rằng, văn hóa là lĩnh vực quan trọng đối với Thủ đô, và công nghiệp văn hóa tạo thuận lợi, lợi thế để Thủ đô khẳng định giá trị, thương hiệu của mình; khi chúng ta thấy được rằng, cái đẹp không chỉ “cứu rỗi thế giới” bằng cách giúp cho tinh thần của chúng ta lạc quan, hạnh phúc hơn, mà còn có thể đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội khác, chúng ta sẽ hình thành nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.

BÀ PHẠM THỊ THANH HƯỜNG, TRƯỞNG BAN VĂN HÓA, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN UNESCO TẠI VIỆT NAM

Lợi thế để trở thành điểm đến của khu vực và quốc tế

“Với vai trò là một thành phố - Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Bangkok, Hà Nội có lợi thế trong việc tổ chức và trở thành điểm đến cho các diễn đàn, sự kiện khu vực và quốc tế, thúc đẩy những sự hợp tác mang tầm quốc tế với các thành phố khác trên thế giới, tạo nên những sản phẩm, dự án văn hóa tầm cỡ quốc tế”.

Để Hà Nội đạt được thành công trong quá trình tạo ra các sản phẩm, dự án văn hóa lớn, UNESCO tin tưởng vào sự cần thiết của những quan hệ đối tác vững mạnh. Trước hết, thành phố cần thúc đẩy, khuyến khích và tạo điều kiện cho các mối quan hệ đối tác giữa các thiết chế văn hóa đặc sắc trên địa bàn, chẳng hạn, giữa các điểm đến di sản, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề với các đối tác công - tư trong lĩnh vực công nghiệp nội dung, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… để hình thành các sản phẩm chất lượng, có dấu ấn tại các không gian văn hóa đặc sắc của Hà Nội.

Đồng thời, với vai trò là một thành phố - Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Bangkok, Hà Nội có lợi thế trong việc tổ chức và trở thành điểm đến cho các diễn đàn, sự kiện khu vực và quốc tế, thúc đẩy những sự hợp tác mang tầm quốc tế với các thành phố khác trên thế giới. Thêm vào đó, Thủ đô cũng là nơi tập trung mật độ cao lực lượng thanh niên giàu năng lượng, trình độ và kỹ năng - họ cần được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển này. Bởi họ, với sức trẻ và sự sáng tạo của mình, sẽ là nòng cốt hiện thực hóa những ‎ý‎ tưởng và tầm nhìn của thành phố.

Là đối tác tin cậy của Chính phủ Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội, UNESCO luôn cam kết đồng hành cùng Thủ đô trong các chương tình văn hóa. Hiện nay, UNESCO đang thực hiện dự án “Hà Nội Rethink” cùng với đối tác là Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc UN Habitat và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc Unido với sự hỗ trợ của Tập đoàn Sovico tại Việt Nam để hỗ trợ Hà Nội trong việc thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững, xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Sáng tạo.

Năm 2021 được Liên hợp quốc chọn là năm toàn cầu về kinh tế sáng tạo vì phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng Đề án phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội sẽ đóng góp đáng kể trong việc phục hồi của thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, văn hóa và các ngành sáng tạo thời kỳ hậu Covid-19.

Vào ngày 30-10-2019, 20 năm sau khi được UNESCO công nhận là Thành phố vì Hòa bình, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO chính thức công nhận là Thành phố sáng tạo, tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên toàn cầu. Hà Nội - Thành phố sáng tạo là một câu chuyện mới trong giai đoạn mới, đại diện cho một thương hiệu và hình ảnh của Hà Nội - và đất nước - đó là hướng tới tương lai, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Danh hiệu này là sự tiếp nối với truyền thống, được xây dựng dựa trên di sản và các nguồn lực của một Thủ đô văn hóa, một “Thành phố vì hòa bình” và phát huy nguồn năng lượng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô hôm nay. Tất cả tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

KIẾN TRÚC SƯ ĐOÀN KỲ THANH

Hà Nội có điều kiện nhất để phát triển không gian sáng tạo

“Thật đáng tiếc khi hiện nay, thành phố gần 10 triệu dân lại chưa có cái gọi là “tổ” đúng nghĩa cho những người làm sáng tạo nghệ thuật có không gian làm việc. Nếu mình không tập hợp họ về, họ sẽ bị phân tán năng lượng đi chỗ khác và không biết đến khi nào mới có được hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo cho thành phố”.

Không chỉ khởi tạo hệ sinh thái sáng tạo, điểm nhấn cho sự phát triển bền vững đô thị dựa trên các thế mạnh sẵn có, các không gian sáng tạo còn giúp lan truyền cảm hứng, tạo bản sắc và sức hấp dẫn cho đô thị, định vị chất sáng tạo Hà Nội trong lòng cả nước và bạn bè quốc tế.

Nhìn khắp cả nước để tìm nơi xây dựng không gian sáng tạo xứng tầm, theo khảo cứu của cá nhân tôi, kể cả so với các đô thị phát triển mạnh như thành phố Hồ Chí Minh thì Hà Nội vẫn là nơi có điều kiện nhất để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Cho nên, chiếc “tổ” ấy cần được hình thành ở Hà Nội, góp phần tạo thêm một công trình văn hoá mang ý nghĩa thời đại.

Hà Nội là tình yêu của rất nhiều bạn trẻ làm trong lĩnh vực sáng tạo. Họ có thái độ làm việc dấn thân để thực hiện ý tưởng sáng tạo, biến thành sản phẩm hiện thực, là tiền đề tốt cho phát triển thành phố sáng tạo. Do đó, thành phố cần ban hành chính sách, tạo cơ sở hạ tầng để hình thành một hệ sinh thái cho các ngành, nghề có sức cộng hưởng, cộng sinh, kích thích sự sáng tạo của nhau. Nếu có nơi chốn, có không gian, có cái “tổ” đến và nhiều lực hút họ lại thì tựa như lên… men dấm. Thành phố chỉ việc reo men rồi tự nó sẽ nảy nở, phát triển thành nhiều sản phẩm hay, xây dựng đời sống nghệ thuật, đời sống sáng tạo... Dòng chảy sáng tạo thành nhu cầu của giới trẻ, của người dân.

Thật đáng tiếc khi hiện nay, thành phố gần 10 triệu dân lại chưa có cái gọi là “tổ” đúng nghĩa cho những người làm sáng tạo nghệ thuật có không gian làm việc. Nếu mình không tập hợp họ về, họ sẽ bị phân tán năng lượng đi chỗ khác và không biết đến khi nào mới có được hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo cho thành phố.

Phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo là lối đi gần như bắt buộc của Hà Nội để tạo ra giá trị thặng dư vượt trội gấp nhiều lần so với chi phí vốn bỏ ra. Do đó, thành phố càng nhanh chóng tạo tiền đề, tạo cơ hội để công nghiệp sáng tạo có thể phát triển càng sớm càng tốt. Muốn xây dựng thành phố sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hoá, thành phố cần công dân sáng tạo, công dân nghệ thuật và tạo điều kiện để mỗi cá nhân có điều kiện phát triển.

Hình thành các không gian sáng tạo tầm cỡ, đó sẽ là điểm nhấn mang giá trị văn hoá đặc biệt cho Hà Nội. Tôi rất vui vì gần đây thành phố đã “lắng nghe” nhu cầu của các anh em trong lĩnh vực sáng tạo. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp 100% năng lượng để thực hiện những ý tưởng của mình, hình thành một điểm đến thực sự kết nối các giới, ngành ở nhiều lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật, góp phần tạo sự hấp dẫn cho Hà Nội…

ĐẠO DIỄN NGUYỄN VIỆT TÚ

Mô hình “3 nhà” cho những sản phẩm lớn

“Chúng tôi phải bắt đầu với nguồn vốn tự có và các dự án nhỏ, để dần dần các nhà đầu tư, là các doanh nghiệp thấy được khả năng và tầm nhìn của mình và cho chúng tôi những cơ hội, dự án lớn như hiện nay”.

Lợi thế lớn nhất của Hà Nội để phát triển ngành công nghiệp văn hóa phải nhắc đến đó chính là nền tảng lịch sử, nhận diện thương hiệu du lịch, văn hóa có sẵn ở cấp độ quốc tế. Đây là một lợi thế vô cùng to lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và để phát triển một nền công nghiệp, không thể chỉ dựa vào nội lực hay quyết tâm của riêng địa phương đó, mà còn cần sự hoạch định chính sách ở tầm quốc gia, vì không có bất kỳ một nền công nghiệp nào có thể đứng độc lập một mình mà không cần đến sự tương tác từ các hệ sinh thái xung quanh, từ chính sách của Nhà nước.

Điều đáng mừng là nếu cách đây 6-7 năm, chỉ có những người làm du lịch, hay văn hóa mới nói về điều này, thì nay, theo một cách chủ động, đã có nhiều ý tưởng, kế hoạch hành động cụ thể từ địa phương, các doanh nghiệp, các công ty, cá nhân trong nền công nghiệp sáng tạo nhằm hiện thực hóa những gì chúng ta đang nói đến. Thành công đầu tiên có thể nói đến cho mô hình này, với những sản phẩm sáng tạo được đầu tư rất bài bản, với nguồn ngân sách không thua kém gì các sản phẩm của thế giới, chính là Phú Quốc United Center.

Tôi và cộng sự nhìn thấy tiềm năng và theo đuổi cái gọi là "nền công nghiệp sáng tạo nội dung giải trí" từ những năm 2015, khi những chuyến đi liên tục đến những nền công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới hằng năm cho chúng tôi thấy được tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Thuận lợi, là mình được làm những thứ mới mẻ, tiên phong tại thị trường.

Khó khăn, thách thức, là chưa ai hiểu thứ mình làm.

Bên cạnh đó, bản thân ngành du lịch vốn là lực đẩy mạnh nhất cho nền công nghiệp văn hóa ở thời điểm đó cũng chưa có một hoạch định rõ ràng, hay có các phương án để cùng tương tác với những người trong ngành công nghiệp văn hóa như chúng tôi để hỗ trợ qua lại nhau. Chính vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu với nguồn vốn tự có và các dự án nhỏ, để dần dần, các nhà đầu tư, là các doanh nghiệp, thấy được khả năng và tầm nhìn của mình và cho chúng tôi những cơ hội, dự án lớn như hiện nay.

Để đem nhiều sản phẩm văn hóa tầm cỡ thế giới về Hà Nội, ngược lại, đem những sản phẩm lớn từ Hà Nội ra thế giới, có một mô hình rất hay từ các nước láng giềng vốn cùng thổ nhưỡng và nền tảng văn hóa, lịch sử, đó chính là mô hình “3 nhà”. Trong đó, Nhà nước (chính quyền địa phương) sẽ ban hành những chủ trương không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn điều phối các bộ, ban, ngành liên quan, giao dự án, giao đất… Nhà doanh nghiệp là các đơn vị đầu tư vốn xây dựng (hạ tầng, sản phẩm sáng tạo), khai thác cơ sở hạ tầng được giao, kinh doanh thương mại. Nhà sáng tạo là người lên ý tưởng, hiện thực hóa, quản lý các phần mà mình phụ trách…

Tôi cho rằng, việc trông chờ vào nguồn ngân sách từ địa phương, hay nhà nước, trong bất kỳ thời điểm nào đều là thụ động. Bằng kinh nghiệm của mình qua nhiều dự án, tôi thấy, chỉ khi nào bản thân chính các thành phần trong nền công nghiệp văn hóa có sự chủ động, không chỉ trong sáng tạo, mà trong cả cách để hiện thực hóa các dự án sáng tạo đó, thì lúc đó chúng ta mới có được một nền “công nghiệp văn hóa" đúng nghĩa.

Động lực tăng trưởng – Để tìm và chỉ ra được rõ ràng, chắc chắn không bao giờ dễ. Những động lực mà chúng tôi đưa ra, chắc chắn chưa đủ đầy, nhưng nó là những thứ chúng tôi “đọc” được qua hàng ngàn phút trò chuyện với các chuyên gia, nhà quản lý, nhà văn hoá, những người làm nghệ thuật, những doanh nhân và cả những người dân bình thường của Thủ đô đang đón đợi một sức sống mới cho nền kinh tế Thủ đô vốn chịu nhiều tổn thương vì dịch bệnh.

Thế giới càng hội nhập, công nghệ càng lan toả, càng chứng minh một chân giá trị: Cốt cách, vị thế, tầm vóc của một dân tộc, sức mạnh mềm của một quốc gia không chỉ quyết định bằng kinh tế, mà phải thông qua văn hóa. Mà văn hoá chính là vốn quý nhất, giàu có nhất của Hà Nội.

Hà Nội sẽ bứt phá thế nào để phát huy hết sức mạnh của vốn quý này, cụ thể hoá các chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển Thủ đô trong tương lai? Hiện thực hoá ước mơ, kỳ vọng của lớp lớp người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, sáng tạo với rất nhiều tài năng, tâm huyết và đã sẵn sàng dấn thân…?

Những câu hỏi lớn ấy chắc chắn sẽ sớm được giải đáp qua Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 được Thành uỷ Hà Nội ban hành tới đây. Những phác thảo trên giấy ấy sẽ là những chỉ dẫn đầu tiên, thể hiện rõ nét nhất mong muốn, quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp để những nguồn lực văn hoá “tiềm năng” của Thủ đô thực sự trở thành “tiền năng”, và kỳ vọng xa hơn là chiếc chìa khoá “vạn năng” cho dấu mốc phát triển mới của Hà Nội.