(HNM) - Căn biệt thự kiểu Pháp trên con phố đẹp bậc nhất Hà Nội không phá vỡ không gian Arab với những điệu nhạc dặt dìu. Một ngôn ngữ Việt chuẩn về sắc thái từ và tinh tế trong cách diễn đạt làm tan biến mọi ranh giới về sắc tộc.
Gần gũi, thân thiện và dễ mến, Đại sứ Palestine Saadi Salama khiến người đối diện ngỡ mình đang đối thoại với một người đàn ông Việt Nam hơn là một nhà ngoại giao đến từ đất nước Trung Đông xa xôi.
Một tâm hồn Việt
"Tôi gọi đó là sự đẹp đẽ của số phận khi được trở về Hà Nội hơn hai năm trước đây", cách ông mở đầu cuộc trò chuyện làm tôi thấy rất lạ. Tôi không nghĩ ông sử dụng sai tiếng Việt nhưng cũng chưa kịp hiểu tại sao ông đã dùng hai từ "trở về" như của một người con xa xứ, để nói tới nhiệm kỳ công tác trên cương vị Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam. Chút tò mò của tôi đã nhanh chóng đưa câu chuyện ngược quá khứ về năm 1980, thời điểm chàng thanh niên Saadi Salama háo hức đặt chân lên dải đất bên bờ Đông của Châu Á để theo học ngôn ngữ và lịch sử tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với gia tài 500 USD. Số tiền đó không nhỏ với nhiều người Việt Nam thời ấy nhưng có lẽ cũng chẳng thấm vào đâu với một anh chàng sinh viên vẫn đang tuổi ăn tuổi chơi, sẵn sàng mua một bao thuốc lá Marlboro giá 5 USD và thích uống bia hơi tại các cửa hàng mậu dịch.
"Cuộc sống thời bao cấp bị sức ép nặng nề của cấm vận nên thiếu thốn nhiều thứ thực sự không dễ dàng với một sinh viên nước ngoài còn lạ lẫm từ cái ăn, nết mặc như tôi", ông nhớ lại. Thế nhưng, ý chí của một thanh niên phải tự lập từ năm 12 tuổi trên vùng đất bị chiếm đóng đã giúp Saadi nhanh chóng vượt qua những ngỡ ngàng ban đầu không chỉ để thích nghi mà còn hòa nhập và tìm thấy niềm vui khi đạp xe như bao người Việt Nam khác, trong những bát cơm chan canh không có trong ẩm thực Arab tại căng tin nhà trường hay những buổi lao động công ích của đoàn thanh niên. "Những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của tôi là ở Việt Nam khi đã cho tôi những ký ức không thể nào quên", ông chia sẻ. Ít ai biết rằng, chính tại Việt Nam, ông lần đầu tiên được gặp nhà lãnh tụ yêu mến của nhân dân Palestine Yasser Arafat khi vinh hạnh là phiên dịch cho nhà cách mạng này trong nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Hà Nội đang ngày một phát triển rực rỡ. Ảnh: Trung Kiên |
Thế nhưng, cả ông cũng không thể đoán trước được cuộc sống giản dị tại đất nước ông từng ngưỡng mộ từ khi còn là một cậu bé bán báo với phần thù lao duy nhất của mỗi sáng làm việc là một tờ báo miễn phí trên tay lại ngày càng trở nên thân thuộc đến thế. Ngay từ những ngày ấy, chiến công vang dội của Quân giải phóng Việt Nam, hình ảnh những người du kích cả đời đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam xuất hiện gần như hằng ngày qua những trang báo cứ dần khắc sâu vào tâm trí ông. Niềm khao khát được tìm hiểu về một dân tộc có nhiều nét tương đồng với sự nghiệp chính nghĩa của quê hương Palestine đã đưa ông tới một quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Thay vì Italia hay Romania, ông đã không do dự chọn Việt Nam để bắt đầu con đường của mình khi được Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cử ra nước ngoài học tập. "Sở dĩ tôi muốn đến Việt Nam bởi tôi luôn tâm niệm sẽ gắn sự nghiệp của bản thân với sự nghiệp giải phóng dân tộc của toàn dân Palestine. Với tôi và bao người dân Palestine khác, Việt Nam là biểu tượng của tinh thần đấu tranh và chiến thắng. Tôi muốn hiểu nhiều hơn về đất nước các bạn", ông nói.
Và rồi, những câu chuyện lịch sử, những lời văn, ý thơ, những làn điệu dân ca ngọt ngào, những con phố dịu dàng và thanh bình của Hà Nội… không biết tự bao giờ đã là một phần tâm hồn của chàng thanh niên Palestine giàu nghị lực. Giờ đây, dù đã giữ các vị trí khác nhau ở cơ quan đại diện ngoại giao Palestine tại nhiều nước, dù có lúc chia xa hay trở lại, ông luôn tự hào để nói rằng ông là người con của hai nền văn hóa Palestine và Việt Nam.
Khát vọng độc lập
Thông thường, sự xa cách dễ làm người ta lãng quên. Sau khi giữ vai trò Phó Đại sứ Palestine tại Việt Nam năm 1992, ông hiếm có dịp trở lại Hà Nội. Vậy mà chẳng mấy khó khăn để có thể khơi gợi trong người đàn ông Trung Đông này những hình ảnh một Hà Nội chầm chậm và dung dị của những năm 1980 hay một Hà Nội bắt đầu chuyển mình trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Với vị đại sứ đặc biệt này, thành phố ông luôn xem như quê hương thứ hai yêu dấu chưa bao giờ là quá khứ. Từ bất cứ nơi đâu, ông vẫn dõi theo và mừng vui với những thay đổi không ngừng của Hà Nội đang phát triển rực rỡ để ước mong một ngày trùng phùng.
"Thật khó có thể diễn tả được hết những cảm xúc khi lại được về đây. Tôi chỉ muốn đi khắp nơi để xem mọi thứ giờ đã thế nào. Hà Nội khác xưa nhiều quá. Từ diện mạo, tinh thần đến con người đã cho tôi cảm nhận về một thành phố năng động, đầy nội lực và hội nhập mạnh mẽ", ông hào hứng nói. Nhưng ngay sau đó, một chút thoáng buồn đã vương lại trên khuôn mặt đầy chiều sâu nội tâm. "Bạn thấy không, có hòa bình, độc lập là sẽ có tất cả. Hà Nội hôm nay là bằng chứng sống động và thuyết phục nhất về giá trị của tự do. Người Palestine từng xem chiến thắng trong cuộc chiến chống ngoại xâm của Việt Nam như thắng lợi của chính mình. Tôi cũng đã thấy trong thành công của Việt Nam tương lai của người dân Palestine khi thực sự có hòa bình", ông khẳng định trong niềm tin tuyệt đối. Với sự hăng say đến lạ kỳ, ông kể cho tôi rất nhiều về miền đất của những cây ô liu, từ những con người Palestine nồng nhiệt và hiếu khách, đến tâm nguyện chưa thành về một nhà nước cho riêng dân tộc mình.
Câu chuyện giữa chúng tôi có lẽ sẽ khó khép lại nếu như ánh chiều chưa buông xuống. Rảo bước qua những con phố Hà Nội, tôi nghe hơi sương bảng lảng quyện trong những cơn gió mang theo cái rét ngọt. Xa xa, Hồ Gươm đẹp man mác dưới bóng hoàng hôn đầu đông lẫn trong những dòng xe xuôi ngược. Tôi bỗng thấy yêu Hà Nội hơn bao giờ hết. Ông đã nói đúng, mặc cho dòng chảy thời gian, Hà Nội vẫn vẹn nguyên cốt cách và giá trị lịch sử hoàn toàn khác biệt. Quan trọng hơn cả là tinh thần ấy sẽ còn tiếp tục được tỏa sáng dưới vòm trời của tự do và hòa bình. Còn với ông, dù chưa bao giờ cắt nghĩa thật rõ ràng tại sao mình lại gắn bó với thành phố này đến vậy, nhưng tôi nghĩ rằng, ông không chỉ yêu Hà Nội bởi trang sử hào hoa, bởi những hoài niệm đẹp đẽ hay trong hình hài của 4 đứa con mang nửa dòng máu Việt, mà ông còn yêu thành phố của tôi bằng chính khát vọng độc lập cho quê hương mình. Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội thanh bình. Và ông, ông nói mình may mắn khi được thầm gọi: "Hà Nội, nơi tôi đã trở về!"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.