Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội nỗ lực phát triển nhà ở: Đáp ứng nhu cầu an cư

Dạ Khánh| 18/02/2021 06:15

(HNM) - Cũng như các đô thị lớn khác, Hà Nội đứng trước áp lực lớn về nhu cầu nhà ở. Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực tập trung phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị mới đáp ứng nhu cầu an cư cũng như cải thiện chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là một trong những giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Golden Time (quận Bắc Từ Liêm) vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyễn Quang

Vượt chỉ tiêu đề ra

Ra Hà Nội học tập rồi ở lại lập nghiệp, xây dựng gia đình, sau gần 10 năm thuê nhà ở trọ, cuối năm 2020, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà (quê ở tỉnh Phú Thọ, công tác tại Công ty cổ phần Thương mại, công nghệ và sản xuất Aloprint, quận Hoàng Mai) vui mừng dọn về ngôi nhà mới mua tại Khu đô thị Hồng Hà Eco City (huyện Thanh Trì). Không chỉ là nơi an cư, gia đình chị Hà được sinh sống ở không gian rộng rãi hơn, môi trường sống có nhiều tiện ích cho người lớn và trẻ nhỏ. 

Theo Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phát triển khoảng 31,5 triệu mét vuông sàn nhà ở (gồm cả nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, tái định cư...). Tuy nhiên, kết quả thực hiện vượt mục tiêu đề ra, đạt khoảng 34,8 triệu mét vuông sàn nhà ở. Trong đó, về nhà ở xã hội, thành phố đã kêu gọi đầu tư phát triển 69 dự án (66 dự án nhà ở xã hội, 3 dự án nhà ở thương mại có diện tích nhà ở xã hội) với khoảng 4,3 triệu mét vuông sàn. Ngoài ra, thành phố đang triển khai 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung với khoảng hơn 2 triệu mét vuông sàn phục vụ nhu cầu sau năm 2020. Về nhà ở thương mại, đã có 335 dự án với gần 21 triệu mét vuông sàn (đạt 102,24% kế hoạch). Với nhà ở tái định cư, hoàn thành 37 dự án với khoảng 1,6 triệu mét vuông sàn (đạt 135% kế hoạch)...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin, để phát triển các dự án nhà ở mới vừa đáp ứng nhu cầu an cư vừa tạo lập môi trường sống có chất lượng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020). Trong đó, thành phố đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể, như chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư; áp dụng cơ chế thu hút đầu tư dự án khu đô thị đồng bộ hạ tầng...

Trong các dự án nhà ở hoàn thành, có nhiều khu đô thị tập trung, như: FLC Garden City Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm), Eurowindow River Park (huyện Đông Anh),… không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở, mà còn đem đến diện mạo kiến trúc đô thị mới, hiện đại.

Phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng

Cư dân sinh hoạt ngoài trời tại khuôn viên Khu đô thị Hồng Hà Eco City (huyện Thanh Trì). Ảnh: Doãn Phong

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh; tăng trưởng kinh tế gắn liền với tăng mức thu nhập làm tăng khả năng chi trả cho nhu cầu nhà ở. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở với yêu cầu cao hơn về chất lượng cũng sẽ tăng lên. “Năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị sẽ tăng lên 45% (hiện là 40%), tương ứng mỗi năm xây mới khoảng 70 triệu mét vuông sàn nhà ở đô thị”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân Thủ đô, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở trong năm 2021 là hoàn thành xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở xác định quỹ đất, tập trung nguồn lực. Đồng thời, thành phố cũng lựa chọn 5 khu chung cư cũ để thí điểm cải tạo, xây dựng lại, trên cơ sở đó hoàn chỉnh nội dung Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục rà soát quỹ đất hình thành các dự án, khu nhà ở xã hội; sử dụng nguồn tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% trong các khu đô thị, khu nhà ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua; tập trung đôn đốc triển khai các dự án nhà ở thương mại, các dự án nhà ở tái định...

"Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư,...", ông Võ Nguyên Phong thông tin thêm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 3 nghị định liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, xây dựng lại nhà chung cư cũ và dự án nhà ở thương mại. Bộ cũng đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, theo đó chú trọng phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ.

“Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp, các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nỗ lực phát triển nhà ở: Đáp ứng nhu cầu an cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.