(HNM) - Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, nỗ lực giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội, đời sống của người dân Thủ đô ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời thực hiện giảm nghèo theo chuẩn mới từ năm 2022, thành phố đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội theo hướng bền vững.
Đổi thay theo hướng tích cực
Thời gian qua, đời sống của người dân trên địa bàn Hà Nội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là ở vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Hoàng Văn Chìu cho biết, toàn xã có hơn 8.500 nhân khẩu với gần 50% đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Nhờ các chính sách đầu tư ưu tiên cho vùng khó khăn của thành phố, những năm qua, trung bình mỗi năm, Khánh Thượng giảm được khoảng 90 hộ nghèo, hiện còn 38 hộ nghèo (bằng 1,88%) theo tiêu chí hiện hành.
“Trước đây, chúng tôi khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng giờ gia đình tôi cũng như bà con nơi đây đã khấm khá hơn”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, ở thôn Khánh Chúc Đồi, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) chia sẻ.
Tương tự xã Khánh Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung thông tin, người dân các xã vùng bãi và vùng miền núi như Ba Vì, Minh Quang, Minh Châu, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài đã, đang mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh địa phương. Trong đó, nổi bật là sản xuất, thâm canh cây chè theo hướng VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm du lịch, dịch vụ... Nhờ vậy, đời sống của đồng bào miền núi Ba Vì đang thu hẹp dần khoảng cách với vùng đồng bằng.
Tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức... cũng cơ bản không còn hộ nghèo. Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Bùi Văn Chuyện cho hay: “An Phú là xã khó khăn bậc nhất trong các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội đang trên đà về đích xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống của người dân vì thế được nâng cao từng ngày”.
Đáng chú ý, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đều nhận được sự quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhà ở, nguồn sinh kế, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm... Đặc biệt, thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Trung ương và thành phố Hà Nội trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ đến thời điểm này là hơn 5.000 tỷ đồng, hàng triệu người trên địa bàn có thêm điểm tựa, động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần giảm nguy cơ rơi vào cảnh nghèo, tái nghèo.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song mục tiêu giảm 30% số hộ nghèo trong năm 2021, tương ứng giảm 1.339 hộ nghèo so với cuối năm 2020 có thể trở thành hiện thực.
Bảo đảm giảm nghèo bền vững
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thời gian tới công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, từ ngày 1-1-2022, toàn thành phố áp dụng chuẩn nghèo theo tiêu chí mới, cao hơn nhiều so với hiện nay và so với chuẩn chung của cả nước (chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị). Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều người gặp khó khăn vì không có việc làm ổn định....
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung thông tin, theo chuẩn mới, ước tính, thời điểm cuối năm 2021, toàn thành phố có khoảng 93.000 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có khoảng 65.100 hộ nghèo, tương ứng với khoảng 4-5% tổng số hộ dân, bằng với tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ 2016-2020.
Nhằm hỗ trợ giảm nghèo theo tiêu chí mới, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Trần Đình Thanh kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Hiện huyện Đông Anh đang tiến hành tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở để hoạch định chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025. Còn Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng mong muốn, thành phố tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ có việc làm, thu nhập ổn định...
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, cùng với các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đã, đang triển khai, Sở đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đưa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất.
Theo đó, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Thành phố cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi. Đồng thời chú trọng tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới, chất lượng sống của nhân dân Thủ đô tiếp tục được nâng lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.