(HNM) - Thế là hôm qua (11-1), vị nhạc sĩ của tác phẩm kinh điển "Nhớ về Hà Nội" - nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã hóa thành cát bụi trong sự tiễn đưa luyến tiếc của văn nghệ sĩ, gia đình, bè bạn tại TP Hồ Chí Minh, nơi ông gắn bó từ sau giải phóng đến cuối đời. Và Hà Nội - nơi ông đã sống một thời tuổi trẻ - dù ông "có đi bốn phương trời' vẫn nhớ về Hà Nội…
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và vợ tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. |
Những ngày này, sự tiếc thương, hụt hẫng không chỉ đầy ắp trên mặt báo, trong lời điếu, trong cuốn sổ tang mà còn lấp nghẹn trái tim, tâm hồn của những người yêu âm nhạc Hoàng Hiệp. Âm nhạc của ông thuộc mảng trữ tình, lãng mạn mà vẫn hào hùng, cách mạng. Ông ghi dấu ấn và trở thành một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc đương đại Việt Nam qua chuỗi ca khúc "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Lá đỏ", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Cô gái vót chông", "Em vẫn đợi anh về"… như một cuốn phim lịch sử sống động và cảm xúc nhất về chặng đường đi lên của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Cuộc đời nhạc sĩ và những tác phẩm của ông chia đều cho cả hai miền Nam, Bắc. Ở ngoài Bắc ông viết về quê hương miền Nam, miền Trung và khi về Nam ông đã viết khá nhiều ca khúc cho đất Bắc. Lúc nào cũng vậy, ca khúc của ông luôn là món quà cho nhiều thế hệ người yêu nhạc.
Với Hà Nội, vị nhạc sĩ quê An Giang này đã sống 20 năm tuổi trẻ, khi ông tập kết ra Bắc, khi ông bắt đầu bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Theo thống kê được ghi trong tiểu sử của Hoàng Hiệp, 20 năm ấy, ông đã cho ra đời khoảng 100 ca khúc, cả sáng tác và phổ nhạc cho thơ. Nói Hoàng Hiệp là "Nhạc sĩ phổ thơ hay nhất Việt Nam" cũng chẳng quá lời. Những "Ngọn đèn đứng gác" (thơ Chính Hữu); "Qua cầu Tùy Cốc", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Tiểu đội xe không kính" (thơ Phạm Tiến Duật); "Em vẫn đợi anh về" (thơ Lê Giang); "Lá đỏ" (thơ Nguyễn Đình Thi)… bay bổng, vang xa và đọng mãi trong tâm trí khán thính giả. Ở Hà Nội, những năm bom đạn ấy, nhạc sĩ Hoàng Hiệp để tâm sáng tác nhiều bài hát cách mạng, cổ vũ chiến đấu hơn là viết ca khúc về nơi ông đang sống. Nhưng quả là tình yêu với Hà Nội đã ngấm sâu trong ông, để rồi, những ca khúc hay nhất, đằm thắm nhất về Thủ đô hình thành khi ông đã trở về phương Nam, sau giải phóng.
"Nhớ về Hà Nội" được nhạc sĩ sáng tác năm 1983, với lời mở đầu làm thổn thức bao trái tim những người đã từng gắn bó cùng Thủ đô: "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội". Những năm cuối thế kỷ trước, ca khúc này đã quá quen thuộc với công chúng Thủ đô và cả nước, qua tiếng hát của Hồng Nhung với bản phối của nhạc sĩ Quang Vinh. Và càng trở nên gần gũi khi chính bản ghi âm này được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội khi ấy. Bài hát là cảm xúc của một người đã xa nơi rất mực yêu dấu nhưng đủ sức lay động con tim của cả những người ở lại. Làm sao không rung động trước những lời hát quá đẹp: "Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè", "Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya", "ta đánh giặc trên mâm pháo", "đường phố đông vui chờ đón tân niên, là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người"… Và chẳng ngần ngại khi khẳng định đây là một ca khúc kinh điển về Hà Nội, là niềm tự hào của Thủ đô.
Tình cảm với Hà Nội trong Hoàng Hiệp thực sự quá mãnh liệt và chưa bao giờ nguôi ngoai. Chẳng thế, mỗi bài hát của ông về Hà Nội luôn khiến người nghe nao lòng. Ca khúc "Viếng lăng Bác" ông phổ thơ của Viễn Phương thêm một lần tuôn trào cảm xúc trong ông, truyền đến từng người con đất Việt. Âm nhạc của Hoàng Hiệp được nhiều người yêu mến và mãi hát ca khúc của ông có lẽ bởi cách viết vừa lãng mạn, trữ tình mà vẫn đậm chất anh hùng, cách mạng. Cái khéo, cái tinh tế ấy, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam không dễ có được!
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1-10-1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông tham gia cách mạng năm 1945, bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Nhạc sĩ đã tập kết ra Bắc 20 năm (1955-1975) sau đó về công tác tại NXB Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và từng là Tổng Thư ký hội. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông qua đời vào ngày 9-1-2013 tại nhà riêng ở quận 2, TP Hồ Chí Minh và được an táng tại nghĩa trang TP. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.