(HNMO) - Tối 2-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Công văn hỏa tốc số 2095/UBND-KGVX về việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của thành phố.
UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm tình trạng tập trung đông người tại các điểm công cộng; hàng quán không thực hiện đúng giãn cách, mở cửa quá 21h hằng ngày... Ghi nhận của phóng viên ngày 3-7 cho thấy, vẫn còn nhiều vi phạm diễn ra, cần sự kiên quyết hơn nữa của các lực lượng chức năng.
Tăng cường giám sát
Theo khảo sát của phóng viên, sau khi có Công văn hỏa tốc của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã đã tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các vi phạm.
Sáng 3-7, trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức, phóng viên nhận thấy không có tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bán trà đá, họp chợ. Phần lớn quán bán hàng ăn mở cửa đã chấp hành quy định lắp dựng vách ngăn. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) Lê Văn Thiềng cho biết, ngoài tổ chức cho 97 hộ kinh doanh các dịch vụ ăn uống, karaoke, game online... ký cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch, 3 tổ công tác của thị trấn thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Tính từ đầu tuần đến nay, thị trấn đã xử lý 13 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, không lắp dựng vách ngăn và mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống quá giờ quy định.
Tương tự, ghi nhận trên địa bàn huyện Đông Anh trong sáng 3-7, hầu hết hàng quán đã lắp vách ngăn, bố trí khu vực sát khuẩn tay và hướng dẫn khách ngồi giãn cách. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, thông qua hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng, cơ quan chức năng đã xử lý 177 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với tổng số tiền gần 613 triệu đồng. Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, huyện và 24 xã, thị trấn còn quyết định dừng tổ chức 63 sự kiện văn hóa, thể thao để phòng dịch.
Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Hoàng Thắng thông tin, các tổ Covid-19 cộng đồng có mặt tại các khu dân cư, chợ dân sinh từ sáng sớm để nhắc nhở người bán hàng tại chợ Khương Thượng tuân thủ quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu. Đặc biệt, các tổ Covid-19 cũng tăng cường nhắc nhở hàng quán phải lắp tấm chắn ngăn giọt bắn, đồng thời báo cáo bằng hình ảnh qua ứng dụng Zalo để lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt, định hướng xử lý những vụ việc, vi phạm phát sinh.
Nhiều vi phạm tồn tại
Bên cạnh các địa phương làm tốt, vẫn còn nhiều nơi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Sáng 3-7, phóng viên ghi nhận tại vườn hoa Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) có rất đông người, nhiều nhóm hoạt động trên 30 người, tụ tập cùng học khiêu vũ, tập thể dục. Bà Lê Thanh Hà, người dân phường Ngọc Lâm cho biết, theo thói quen, nhiều người đến tập thể dục từ sáng sớm tại vườn hoa này. Tuy nhiên, họ lại chủ quan, không chấp hành quy định phòng dịch, cần được nhắc nhở, xử lý để chấm dứt vi phạm.
Tương tự, tại ngõ 264 phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên); phố Bạch Đằng từ ngã ba Bạch Đằng - Vạn Kiếp đến bến Phà Đen (thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng); phố Tôn Thất Thiệp (phường Điện Biên, quận Ba Đình)..., tình trạng các tiểu thương bán hàng rong, chợ “cóc” vẫn khá phổ biến.
Khảo sát trên các phố Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Ngọc Phan, Nguyên Hồng, Hoàng Ngọc Phách... đoạn qua phường Láng Hạ (quận Đống Đa), phóng viên nhận thấy, do nhu cầu ăn uống của người dân, một số cơ sở vẫn nhận khách và chưa chấp hành giãn cách. Cũng do tâm lý chủ quan, nhất là sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều người dân khi tham gia thể thao, đi bộ buổi sáng đeo khẩu trang theo kiểu đối phó, chỉ đến khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở, họ mới chấp hành.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ Lê Ngọc Hoa, UBND phường đã yêu cầu các tổ Covid-19 cộng đồng "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để nhắc nhở người dân khi tham gia thể thao, ăn uống hạn chế tụ tập đông người và đeo khẩu trang đúng quy định. Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường đã xử phạt vi phạm hành chính 14 triệu đồng đối với 14 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, UBND phường tiếp tục tăng cường và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm Báo Hànộimới nêu”, bà Lê Ngọc Hoa cho biết.
Khảo sát về việc cố tình bán hàng sau 21h ngày 2-7, phóng viên ghi nhận tại một số tuyến phố khác trên địa bàn quận Ba Đình như đoạn vỉa hè từ số 52-60 phố Yên Phụ, các cửa hàng ăn uống rất đông khách, xe máy để tràn lan dưới lòng đường. Tại ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún hoặc tại phố Hàng Than, vẫn tồn tại các hàng trà đá vỉa hè hoạt động sau 23h.
Chủ tịch UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Võ Hồng Vinh cho biết, trước những vi phạm xảy ra trên địa bàn, lực lượng chức năng phường đã xử phạt 58 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Sau khi nhận được Công văn hỏa tốc số 2095/UBND-KGVX của thành phố, UBND phường đã giao trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng, gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống dịch; giao địa bàn quản lý cho các tổ, nhóm Covid-19 cộng đồng; tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý, giám sát tại các điểm, cơ sở dễ phát sinh vi phạm, nhất là việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, duy trì chế độ thông tin, phản ánh từ cơ sở đến Ban Chỉ đạo phòng dịch, công an phường để kịp thời xử lý vi phạm.
“Về những vi phạm phát sinh trên địa bàn như Báo nêu, UBND phường sẽ tăng cường tuần tra, giải tỏa các hàng quán bán hàng sau 21h”, ông Võ Hồng Vinh cho biết.
Tình trạng vi phạm cũng xảy ra tại các xã: Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm... của huyện Mê Linh. Sáng 3-7, nhiều người dân còn lấn chiếm lòng, lề đường để để mua bán hàng nông sản, một số người đeo khẩu trang nhưng không đúng cách... Điều đáng nói là tại những nơi này, phóng viên không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở hay xử lý vi phạm.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phân công lực lượng kiểm tra, giải tán chợ tạm và yêu cầu tiểu thương đưa rau, củ, hoa, cây cảnh vào chợ chính để bán. Ban Quản lý các chợ phải bố trí nhân viên hướng dẫn người mua, bán hàng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đúng quy định...
"Nếu địa phương nào để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng vì sự chủ quan, lơ là, huyện sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương đó", Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương khẳng định.
Trong ngày 3-7, công an phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) đã duy trì tuần tra quanh khu vực hồ Thiền Quang để tuyên truyền phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vào buổi trưa và đầu giờ chiều, khi vắng bóng lực lượng chức năng, tại khu vực hồ, người dân tập trung uống trà đá rất đông. Điều này cho thấy, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Đề nghị cơ quan chức năng các địa phương tăng cường hơn nữa xử lý vi phạm, chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan phòng, chống dịch như Báo Hànộimới đã nêu ở trên.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.