(HNMO) - Ngày 23-11, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức họp thông báo về kết quả triển khai thực hiện Lộ trình phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn thành phố.
Hà Nội hiện có 484 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó, cửa hàng xăng dầu trực thuộc các doanh nghiệp (DN) đầu mối là 133 cửa hàng; cửa hàng xăng dầu thuộc các thương nhân phân phối là 27 cửa hàng; cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu, các thương nhân nhận quyền thương mại là 324 cửa hàng. Tính đến ngày 20-11, số lượng cửa hàng kinh doanh xăng E5 trên địa bàn thành phố là 82 cửa hàng, chiếm 17%. Cụ thể, cửa hàng thuộc các thương nhân đầu mối là 70 cửa hàng chiếm 52,6%; cửa hàng thuộc các thương nhân phân phối là 10 cửa hàng chiếm 37%; cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là 2 cửa hàng, chiếm 0,6% số cửa hàng.
Về nguồn phân phối xăng sinh học E5, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 1 trạm phối trộn của Công ty Xăng dầu Khu vực I tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đã được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2014 với công suất 24.000 m3/tháng. Theo báo cáo, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hiện cũng triển khai xong công tác kỹ thuật lắp đặt hệ thống phối trộn và pha chế thử nghiệm xăng sinh học E5, dự kiến cuối tháng 11 này sẽ tiến hành cung cấp cho thị trường với công suất dự kiến khoảng 20.000 m3/tháng. Ngoài ra, Tập đoàn Xăng dầu Dầu khí Việt Nam có trạm phối trộn tại thành phố Hải Phòng cũng có thể cung cấp được cho thị trường Hà Nội khi các DN có nhu cầu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, theo báo cáo của các DN, sản lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn thành phố khoảng 110.000 m3/tháng. Khi 50% các cửa hàng chuyển đổi sang kinh doanh xăng E5, dự kiến số lượng xăng E5 tiêu thụ trong 1 tháng khoảng 50.000m3. Như vậy, nguồn cung xăng E5 trên địa bàn thành phố đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nguồn hàng khi các cửa hàng xăng dầu tiến hành chuyển đổi kinh doanh xăng E5 theo lộ trình của Chính phủ và UBND Thành phố đề ra.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các DN, hiện giá vốn bình quân của xăng E5 cao hơn xăng Ron 92 khoảng 400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí pha chế, bán hàng); ngoài ra khi kinh doanh xăng E5 chi phí tăng thêm 200 đồng/lít do phải đầu tư trạm phối trộn, hao hụt, chi phí tạo nguồn E100… nên theo các DN đầu mối, trong giai đoạn hiện nay, việc kinh doanh xăng E5 chưa đem lại hiệu quả như với xăng khoáng RON92…. Dự kiến, đến ngày 1-1-2016 sẽ rất khó đảm bảo 100% các cửa hàng bán xăng E5, vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị cần có lộ trình dài hơi hơn trong việc áp dụng bán xăng E5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.