Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội, nguồn cảm hứng của điện ảnh Việt Nam

Thi Thi| 05/10/2014 06:24

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về việc thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam vào năm 1953, chỉ một năm sau, Thủ đô được giải phóng.

Năm 1954, khi giải phóng Hà Nội, ta tiếp quản một số phim nước ngoài từ 16 rạp chiếu bóng tư nhân. Song, nhiều phim nặng về giải trí, thậm chí có sự lệch lạc về tư duy, nghệ thuật.

Cảnh trong phim “Đừng đốt”.



Với sắc lệnh được coi như dấu mốc thành lập của điện ảnh cách mạng nói trên, ngay trong giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở sản xuất phim tại Thủ đô Hà Nội đã được triển khai. Phải nói, ngay ở những bước đi còn chập chững của điện ảnh, nhiều phim truyện về đề tài Hà Nội đã được sản xuất, trong đó, không ít tác phẩm đến nay vẫn được coi là "phim kinh điển của điện ảnh nước nhà".

"Tiền tuyến gọi" (1969) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam (giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim lần thứ 2 - năm 1973) là một bộ phim tái hiện nhiệt huyết của một lớp trí thức Hà Nội, những người đã không ngần ngại lên đường "Nam tiến". Ít ai biết chuyện phim bắt nguồn từ vở kịch cùng tên của bác sĩ Trần Quán Anh - nội dung đề cập đến những vấn đề bức thiết của ngành y trong thời chiến. Trong phim, chất trữ tình và bầu không khí chiến tranh giữa Thủ đô đã được thể hiện qua những khuôn hình gây xúc động. Đêm trước ngày lên đường, những trí thức trẻ vẫn mải mê dán giấy hoa lên những ô cửa kính; người Hà Nội bình thản thả bộ ngắm trời đêm giữa phố xá ngổn ngang hầm hố cá nhân…

"Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn" (1966) ra đời trước "Tiền tuyến gọi". Đó là một tác phẩm điện ảnh độc đáo, được xem như bộ phim đầu tiên về thể loại phản gián của điện ảnh Việt Nam. Năm 1954, khi đội quân Pháp rút khỏi Hà Nội, phía Mỹ đã cài lại một tổ gián điệp làm nội ứng. Không thực hiện được mục tiêu này, họ soạn kế hoạch tạo một vụ nổ lớn ở Thủ đô vào đúng Ba mươi Tết. Nhưng, lực lượng công an của ta đã khám phá và khống chế toàn bộ tổ gián điệp được cài lại… Hấp dẫn và mới mẻ, "Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn" đã được nhận Bằng khen của Hội đồng Giám khảo tại Liên hoan phim lần thứ 2 - năm 1973. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng, phim có thể đoạt giải cao hơn nếu ở thời kỳ đó thể loại phim phản gián được đánh giá ngang bằng so với các thể loại khác.

Nhắc lại điện ảnh về Hà Nội không thể không nhắc đến "Em bé Hà Nội" của đạo diễn Hải Ninh (1974). Phim lột tả tinh thần, khí phách của người Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 lịch sử, những người đã góp phần làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không". Cho đến nay, đôi mắt, tiếng gọi của em bé Ngọc Hà khi đi tìm bố là bộ đội tên lửa và mẹ là công nhân xếp chữ nhà in vẫn còn đọng trong tâm trí người xem.

Nhà quay phim Đan Thiết Thụ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội là "tay máy" góp công làm khá nhiều phim truyện về Hà Nội, trong đó có bộ phim "Phía Bắc Thủ đô" (1977, đạo diễn Huy Thành). Đó là câu chuyện về tình yêu, gia đình và những người công nhân nhận nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy Điện Yên Phụ trong những ngày bom Mỹ dội xuống Hà Nội. Đan Thiết Thụ cũng là người đã quay "Cách sống của tôi" (1978) - bộ phim nói về thế hệ thứ ba của những người Hà Nội đi xây dựng cuộc sống mới ở Lâm Đồng.

Những năm sau này, chúng ta còn có "Hà Nội mùa chim làm tổ" (1981) của đạo diễn Đức Hoàn, phim phản ánh cuộc sống có nhiều đổi thay của người Hà Nội vào những năm tháng sau ngày đất nước thống nhất. Từ chính bộ phim này, ca khúc "Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng đã xuất hiện và có được một đời sống riêng đặc biệt trong lòng công chúng. Cũng có thể kể đến nhiều bộ phim hay khác đã khai thác sâu sắc đề tài lịch sử, cuộc sống, tâm hồn của người Hà Nội như "Hà Nội mùa đông năm 46" (1997), "Mùa ổi" (2001), "Hà Nội 12 ngày đêm" (2002), "Đừng đốt" (2009), "Mùi cỏ cháy" (2012)…

NSƯT Thanh Loan, nữ diễn viên xinh đẹp trong bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn" chia sẻ: "Những bộ phim về Hà Nội luôn gây xúc động với chúng tôi, đặc biệt là những phim về chiến tranh như "Mùi cỏ cháy". Qua đây, chúng tôi được sống lại một thời đau thương mà đẹp đẽ, cái thời mà những thế hệ ưu tú của Hà Nội sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc".

Thật tự hào khi Thủ đô đã trở thành niềm cảm hứng lớn lao cho nghệ thuật thứ bảy, vì chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp từ đất và người Hà Nội và cũng vì vị thế trung tâm của đất nước. Đến nay, vẫn có nhiều dự án phim về Hà Nội được các nghệ sĩ ấp ủ thực hiện, trong đó có đề án làm phim "Người mẹ Hà Nội" (Hãng phim Sao Khuê, Hội Điện ảnh Hà Nội thực hiện), kịch bản của cố đạo diễn, NSND Hải Ninh đã được Hội đồng Duyệt kịch bản phim của TP Hà Nội thông qua. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến dự án phim truyền hình dài tập "Cao hơn bầu trời" (khởi động từ cuối năm 2012) có ý nghĩa tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân miền Bắc, đặc biệt là chiến thắng vang dội "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Đến nay, loạt phim đang vào giai đoạn hậu kỳ, sẽ sớm ra mắt khán giả. Cũng có thể kể đến dự án điện ảnh chuyển thể các tác phẩm văn học đầu thế kỷ XX của Hãng phim Đông A, trong đó, ít nhiều đều có bóng dáng của đất và người Hà Nội một thời...

Rõ ràng là hôm qua, hôm nay hay mai sau, chắc chắn "chất Hà Nội" cũng như "tinh thần người Hà Nội" vẫn là hấp lực mạnh mẽ đối với các thế hệ nghệ sĩ cũng như với điện ảnh nước nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội, nguồn cảm hứng của điện ảnh Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.