(HNMO) - Tối 22-7, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh, các chính sách đã và đang đến với đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, kịp thời. Quá trình triển khai chính sách này bảo đảm đúng người cần trợ giúp, công khai, minh bạch và an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
- UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Là cơ quan chủ trì thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Ngay sau khi Quyết định số 3642/QĐ-UBND được ký ban hành, ngày 21-7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có Văn bản số 4280/SLĐTBXH-LĐTLBHXH gửi các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cũng trong ngày 21-7, Sở đã họp và yêu cầu các phòng nghiệp vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thống nhất công việc, nội dung tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 3642/QĐ-UBND bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, tránh việc lạm dụng, trục lợi chính sách.
- Tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND, thành phố ủy quyền cho các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ông có thể cho biết, quy trình, thời gian, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ sẽ được rút ngắn ra sao?
- Để người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận được với gói hỗ trợ an sinh xã hội, UBND thành phố ủy quyền, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách hỗ trợ đối với nhiều chính sách.
Theo đó, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy và số 144 Trần Phú, quận Hà Đông) cùng 15 điểm, sàn giao dịch việc làm đặt tại một số quận, huyện, thị xã. Sau khi rà soát, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ gửi danh sách những người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và Sở sẽ phê duyệt 4 lần/tháng (quy định của trung ương là 2 lần/tháng và chỉ gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố).
Nhiều thủ tục liên quan đến các chính sách hỗ trợ khác của thành phố cũng được cắt giảm tối đa thời gian giải quyết so với quy định chung. Đó là chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất; hỗ trợ kinh phí đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), thành phố cũng giao cho các địa phương tiến hành xét duyệt trên cơ sở đặc thù của từng địa phương và mức độ tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Tổng thời gian giải quyết từ khi tiếp nhận đến phê duyệt tối đa là 6 ngày.
- Thành phố Hà Nội triển khai chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có đơn vị, địa phương nào đưa nguồn lực hỗ trợ đến người thụ hưởng chưa, thưa ông?
- Theo thông tin gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, để tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện, đến hết ngày 21-7, Bảo hiểm xã hội thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với hơn 87.000 đơn vị. Số lao động được giảm mức đóng là gần 1,44 triệu người với số tiền hơn 48,6 tỷ đồng; đồng thời đã ban hành quyết định dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với một đơn vị, gồm 6 lao động, số tiền tạm dừng đóng hơn là 38 triệu đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố đã xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đối với 10 đơn vị, gồm 165 lao động; xác nhận danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất với đơn vị, gồm 563 lao động; xác nhận danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất với 5 đơn vị, gồm 708 lao động… Các sở, ban, ngành khác có liên quan và các địa phương cũng tập trung triển khai Quyết định số 3642/QĐ-UBND với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Hà Nội với đặc thù dân cư đông, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không ít. Song, với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của nhiều ngành, nhiều phía, chắc chắn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ sớm đến với người lao động gặp khó khăn, góp phần giúp họ ổn định đời sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.