Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở GTVT chủ trì làm việc với Tập đoàn FPT tiến hành nghiên cứu ứng dụng một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông.
Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông tại 40 Hàng Bài. - Ảnh: ANTĐ |
Theo kết quả nghiên cứu Đề án cải thiện giao thông đô thị bằng giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông của Tập đoàn FPT, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông cần phải giải quyết đồng bộ, lâu dài, có nhiều giải pháp trong ngắn hạn.
Theo nghiên cứu, các trạm thu phí tại cửa ngõ tại thành phố làm mất thời gian mỗi xe thêm 5 phút. Phương tiện giao thông cá nhân quá đông và ngày càng gia tăng, khiến tốc độ trung bình của các phương tiện giao thông là rất chậm, cụ thể đối với xe 2 bánh là 10km/h, xe 4 bánh là 8km/h.
Hiện nay khoảng 10% dân số sử dụng xe buýt tuy nhiên với thông lượng rất hạn chế, trong khi muốn người dân đi xe buýt nhiều hơn và cảm thấy thuận tiện hơn thì phải tăng thông lượng lên 3 lần hoặc hơn.
Một vấn đề nhức nhối khác là ý thức giao thông của người dân kém, riêng hiện tượng đi xe ngược chiều đã gây ra đến hơn 20% số vụ tai nạn, hơn 50% là do vượt đèn đỏ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT, từ hiện trạng này, FPT đang tiến hàng khảo sát và xây dựng 5 giải pháp, mà trước hết là triển khai kênh cung cấp thông tin giao thông (điểm ùn tắc, sự cố) trên đường phố qua các biển báo điện tử trên đường để người dân chủ động điều tiết giảm ùn tắc.
Bên cạnh, xây dựng hệ thống camera giám sát phát hiện các phương tiện vi phạm tự động hỗ trợ việc “phạt nguội”. Hệ thống giám sát tự động có thể nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông một cách hiệu quả.
Để giảm phương tiện cá nhân, FPT đề xuất sử dụng công nghệ nhận dạng RFID thu phí theo giờ; xử lý ùn tắc ở các cửa ngõ Thành phố bằng việc hạn chế dừng đỗ khi đi qua trạm thu phí để giảm 60 lần từ 5 phút xuống còn 5 giây cho mỗi xe khi qua trạm thu phí bằng các giải pháp thu phí không cần dừng đỗ;.
Một giải pháp được FPT đề xuất là xây dựng trung tâm điều hành phương tiện công cộng bằng việc triển khai hệ thống thông minh cho các phương tiện giao thông công cộng sử dụng hộp đen theo chuẩn, trung tâm điều hành bảng thông báo tại các trạm chờ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, giải pháp giao thông thông minh giúp giảm 20% tắc nghẽn giao thông ở Thụy Điển, Hồng Kông, Singapore và 6 thành phố lớn của Ấn Độ cũng đang áp dụng CNTT cho vấn đề giao thông.
Theo Ông Trương Gia Bình, FPT đã tham gia giải quyết bài toán ách tắc giao thông tại Tokyo, Osaka, Texas, Chicago, Singapore với phần mềm sử dụng các camera giám sát gắn trên các tuyến đường, chụp hình chính xác trong vòng 40-50m. Trên cơ sở công nghệ và kinh nghiệm đã có, FPT mong muốn cùng Hà Nội làm thí điểm ở một số điểm nóng trên địa bàn Thủ đô.
FPT cho rằng nếu thực hiện được những giải pháp ngắn hạn trên đây, trong vòng 6-12 tháng, Hà Nội có thể giảm 30% số vụ ùn tắc.
Viện Kinh tế - Xã hội Hà Nội và Sở GTVT Thành phố kiến nghị có thể xem xét triển khai xây dựng đề án và triển khai thực hiện các giải pháp này ngay trong năm nay.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay cần có rất nhiều giải pháp đồng bộ kết hợp giữa các giải pháp giao thông và các giải pháp đô thị mạnh mẽ như di dời các cơ quan ra ngoài trung tâm hay giảm nhập cư,… . Bên cạnh giải pháp dài hạn đầu tư hạ tầng, hiện Hà Nội đang tập trung thực hiện các giải pháp trước mắt, chủ yếu là tổ chức giao thông hợp lý.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói, những giải pháp ứng dụng CNTT trong giảm ùn tắc giao thông là vấn đề được Hà Nội quan tâm từ lâu. Đặc biệt, Thành phố rất muốn thực hiện việc thu phí tự động xe vào trung tâm nhằm giảm ùn tắc tại các nút giao thông cửa ngõ,
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao Sở GTVT chủ trì làm việc cụ thể với FPT để thể cùng FPT tiếp tục nghiên cứu giải pháp phân luồng theo kênh thông tin điện tử cùng với VOV, nhiên cứu ứng dụng CNTT thu phí linh hoạt vào trung tâm và các giải pháp “phạt nguội” để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân. Transerco Hà Nội phối hợp FPT nghiên công nghệ quản lý tối ưu hoá hệ thống xe buýt của Thành phố.
Bên cạnh đề xuất cùng Hà Nội thí điểm một số giải pháp chống ùn tắc tại các điểm nóng, Đề án cải thiện giao thông của Tập đoàn FPT cũng đưa ra các giải pháp về xây dựng hạ tầng giao thông thông minh với xe PRT (tên tiếng Anh là Personal Rapid Transport) chạy trên những đường ray trên không với tốc độ 40km/h theo con đường thông minh nhất do IT điều khiển bằng GPS với dự toán đầu tư tiết kiệm và theo phương thức Công tư hợp doanh (PPP).
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng đây là đề xuất khá táo bạo, do vậy cần phải được xem xét trên cơ sở phương án sâu hơn về chức năng, tính khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.