Ta như bay lên, hư ảo, lâng lâng và tan biến, thoát tục. Ta bỗng thấy thanh thản lòng mình. Ta bỗng thấy những gì là tranh giành vật chất nhỏ nhen, tầm thường, đố kỵ trong cuộc sống thường nhật, những hư danh hão huyền, hào nhoáng, đều là vô nghĩa trước thiên nhiên muôn đời lạ lùng và bất tử.
Bỗng nhiên. Và bất chợt, một phút giây nào đó trong cuộc đời. Con người như bay lên, hư ảo, lâng lâng và tan biến. Cảm giác mới lạ ào đến, tóc em nhẹ bay và mắt sáng long lanh. Và gió. Gió từ đâu như mơn man, như lướt nhẹ, như đùa giỡn cả trong từng hơi thở dịu êm. Trước mắt ta, trời trong trong thật cao, thật xanh và quang đãng. Nắng hoe vàng, hoa hoe trắng sáng, hoe hoe xanh và hoe hoe óng ả. Bóc một tờ lịch mới, chợt đã thấy “Bạch Lộ” – Nắng nhạt cuối tháng 7 âm lịch bước sang đầu tháng 8 “Thu phân”. Ta nghe màu gió heo may đã bắt đầu về để tạo nên những cảm giác mới – Từ năm cửa ô Hà Nội, gió heo may xòe mở tóc em bay.
Từ tháng 8 mùa thu – Trung thu trăng rằm như trái bưởi vàng trôi. Trong muôn sắc hoa vào mùa cưới của nam nữ thanh niên Hà thành thanh lịch. Ta nghe hương cốm làng Vòng nõn xanh thoang thoảng. Ta nghe chín mọng trái hồng đỏ au đặt kề bên nải chuối vàng ươm trứng cuốc.
Ta nghe ríu rít tiếng đàn chim ngói bay về từng đôi trong hương thơm cọng rơm kết tổ. Ta nghe mùi sữa trong đòng đòng non lúa mới từ các cánh đồng ngoại thành theo gió đầu mùa mở những heo may. Ai ơi đừng đi xa Hà Nội trong nhịp chuyển mùa “Thu phân” sang “Lập đông”, đầu tháng 10 âm lịch để bước vào “Tiểu tuyết”. Cứ ngỡ như xòe bàn tay là bắt được gió, là bắt được nắng, là hái được cả một đám mây trắng mỏng lững lờ tít tắp giữa trời cao.
Hà Nội heo may, ta đưa nhau vòng vòng từ hồ Thiền Quang, qua đường Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương sang Lý Thường Kiệt, qua Trần Hưng Đạo, vòng lên đường Thanh Niên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá, và cuối cùng soi ánh mắt xuống mặt nước Hồ Tây. Bỗng nhiên, trăm ngàn truyền thuyết xa xưa như dậy về, gợi nhớ, nảy nở sinh sôi cho những huyền thoại về tổ tiên giống nòi người Việt. Hồ Tây, Tây Hồ sương sớm giăng giăng mờ trắng, tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương, nhịp chày Yên Thái. Thi sĩ tài danh Cao Bá Quát – một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai – “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, đi qua Hồ Tây ngỡ như thấy khuôn mặt nàng Tây Thi nghiêng nước nghiêng thành; nhưng Tây Thi chỉ làm cho Ngô Vương Phù Sai ngơ ngẩn, còn Tây Hồ đã làm cho ai từng đến kinh thành Thăng long, đều phải ngơ ngẩn, ngẩn ngơ...
Ta lại đưa nhau vòng vòng qua những ngả đường ngoại thành, đêm heo may theo nhịp chuyển mùa từ những đường cao tốc mở rộng dưới ánh đèn cao áp. Những ngọn gió ngoại thành, người ngoại thành xuôi ngược qua cầu. Lại nghe đòng đòng thơm hương lúa mới, như sữa mẹ ngọt ngào nuôi ta từ thời thơ bé. Có một đêm như thế, có nhiều đêm như thế, ta đi hoặc ta tự mình tưởng tượng, chỉ riêng Hà Nội mới cho ta một cảm giác đê mê say. Và chao ơi là hương hoa sữa. Hoa sữa thoang thoảng trầm, êm êm và cũng nhẹ hắc. Hoa của riêng mùa heo may Hà Nội, của riêng một góc Đông Đô, Thăng Long. Ta lại bóc một tờ lịch nữa, đã lại thấy mùa heo may chuyển từ Nô-en sang năm mới dương lịch, để bước vào Tết âm lịch cổ truyền suốt nghìn năm đất nước. Cô gái Hà Nội đã bắt đầu khoe các kiểu áo rét mùa đông, những màu áo len mỏng rực rỡ và mảnh khăn chồng voan bay nhẹ lướt. Lại thương em trong đó Sài Gòn – Em ở trong này không có mùa đông – nên em không được ngọn gió heo may mơn man, và không thấy nước mắt nàng Bân dệt áo cho chồng sang xuân lỗi hẹn. Hãy về đây em ơi, cùng Thăng Long non nước, nghe những nhịp heo may đầy ắp kỷ niệm quê hương...
Bỗng nhiên. Và bất chợt một phút giây nào đó trong cuộc đời. Ta như bay lên, hư ảo, lâng lâng và tan biến, thoát tục. Ta bỗng thấy thanh thản lòng mình. Ta bỗng thấy những gì là tranh giành vật chất nhỏ nhen, tầm thường, đố kỵ trong cuộc sống thường nhật, những hư danh hão huyền, hào nhoáng, đều là vô nghĩa trước thiên nhiên muôn đời lạ lùng và bất tử. Đó phải chăng là giây phút của nhịp chuyển mùa heo may tháng 10 Hà Nội.
Ta nghe từ năm cửa ô xòe mở những bình yên... đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long rồng bay!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.