Chính trị

Hà Nội nâng cao sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công trực tuyến

Hà Phong 25/12/2023 - 21:21

Kết quả rà soát và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính (TTHC) ủy quyền cho cấp huyện, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều thủ tục như: Công thương, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư… cho thấy, năm 2023, Hà Nội đảm bảo 100% các TTHC được ủy quyền có quy trình nội bộ kèm theo. Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền kèm theo quy trình nội bộ của 578 TTHC, đạt tỷ lệ 94%.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 8 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 TTHC thuộc các lĩnh vực. 100% TTHC được đơn giản hóa, công bố, công khai được cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện đúng quy định. Việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục đạt tỷ lệ trên 20%, trong đó, ngoài việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, cắt giảm thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.

ca-ng-da-n-nh-n-phi-u-la-l-ch-t-pha-p-t-i-ha-n-i.jpg
Công dân nhận phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội.

Thực hiện cải cách, việc triển khai đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố đã hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đến các cấp chính quyền thành phố được đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả bảo đảm nhanh chóng. Các dữ liệu số trên đó cũng đã thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số của thành phố phát triển nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, một số sở, ngành chưa chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của thành phố. Điển hình là với việc triển khai xây dựng các quy trình/quy chế liên thông trong giải quyết TTHC đã được thành phố giao. Tương tự, việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng (SIPAS) thuộc lĩnh vực sở, ngành quản lý chậm xây dựng, trình thành phố các đề án, giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư trang thiết bị, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại Bộ phận “một cửa”, các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số SIPAS, PAPI tại cơ sở.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; trách nhiệm của UBND cấp xã về thực hiện quy chế dân chủ tại xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, thành phố chú trọng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền TTHC; tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội. Theo dõi, đôn đốc, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các TTHC; đánh giá hiệu quả của việc thực hiện quy chế/quy trình liên thông TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng - Đô thị, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Xã hội; xây dựng quy chuẩn, quy trình giải quyết công việc hành chính. Đồng thời, theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các nội dung, kênh thông tin liên quan đến kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về TTHC.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nâng cao sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.