Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Năm 2023 mỗi gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy

Tiến Thành| 14/01/2023 09:52

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 13-1-2023 triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; đề cao hơn ý thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trong những giải pháp được kế hoạch đề ra, thành phố xác định cần nghiên cứu đổi mới về tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. UBND thành phố xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Thành phố xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thành phố cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tất cả các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Trong kế hoạch, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan. Đáng chú ý, giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho người dân; phấn đấu trong năm 2023, trên địa bàn, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 100% người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở thuộc diện quản lý phải được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Năm 2023 mỗi gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.