(HNMO) - Ngày 8-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến nay, Hà Nội đã thu hút khoảng 69,844 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 2 toàn quốc. Năm 2022 đạt 1,77 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, đứng đầu toàn quốc với 1,82 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới (tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022).
Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư của Hà Nội. Nhiều dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điện năng, chế biến, chế tạo… được cấp mới hoặc tăng vốn với số vốn góp từ trên 1 triệu USD trở lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ phục hồi của kinh tế Thủ đô.
Tuy vậy, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn này vẫn còn những tồn tại, bất cập dẫn đến kết quả thu hút trong 2 năm gần đây giảm so với giai đoạn 2018-2020.
Một số nguyên nhân chủ yếu gồm: Thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quỹ đất hạn chế; giá thuê đất cao so với các địa phương lân cận; một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và luật chuyên ngành... Trên thực tế, quy mô vốn của một dự án mới có xu hướng giảm xuống, số lượng dự án quy mô nhỏ tăng lên; mức giải ngân nói chung chỉ chiếm gần 50% tổng vốn đăng ký.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, thời gian qua, Hà Nội rất nỗ lực và đã thu hút được kết quả đáng ghi nhận về vốn đầu tư nước ngoài; những số liệu thống kê đã chứng minh thực tế đó. Cơ quan chức năng sẵn sàng quan tâm, tập trung hợp tác để trao đổi thông tin, nắm bắt thực tế và tìm cách giải quyết các vấn đề nảy sinh, hỗ trợ Thủ đô phát huy tiềm năng, cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu nhận biết hành vi đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; hướng dẫn đối với danh mục ngành nghề, mục tiêu đầu tư nhạy cảm... Đối với các dự án có sử dụng đất thì đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ chuyên ngành có hướng dẫn cụ thể đối với các nội dung pháp luật còn chồng chéo trên tinh thần dẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
Thành phố cũng sẽ tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến trực tiếp và xúc tiến tại chỗ; chủ động lựa chọn các dự án phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại...
Thành phố Hà Nội cũng tăng cường rà soát các dự án nhằm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết, được quy định trong giấy phép đầu tư cũng như để nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thành phố sẽ chủ động tận dụng cơ hội để quảng bá, kêu gọi đầu tư nước ngoài và tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.