(HNM) - “Cái mà tôi tìm thấy ở những bức ảnh của John Ramsden lại là cái cho Hà Nội muôn thuở. Đó là sự thanh bình của đời sống và sự tĩnh lặng của tâm hồn người Hà Nội”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói như thế về cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời” của nhà ngoại giao Anh John Ramsden mới ra mắt công chúng.
Một tác phẩm trong cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời” của John Ramsden. |
Khi nhà ngoại giao kỳ cựu John Ramsden mở ký ức riêng tư của mình cất giữ suốt 30 năm chia sẻ với mọi người vào năm 2013 trong một triển lãm ảnh có tên rất cảm xúc của Chế Lan Viên - “Hà Nội mảnh đất hóa tâm hồn”, có người đã tìm lại mình trong đó, có người thấy lạ lẫm với Thủ đô tĩnh lặng đến vậy. Đó là những bức ảnh John Ramsden chụp khi ông làm việc ở Đại sứ quán Anh tại Hà Nội từ những năm 1980 đến 1982. Chỉ 3 năm đầu thập kỷ nhưng với tác giả đó là khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời bấm máy của mình, còn công chúng Việt Nam thì thấy được hình ảnh hiếm hoi của Thủ đô và đất nước giai đoạn này. Trước nhiều yêu cầu muốn thấy lại và lưu giữ những tấm ảnh đó, nhà ngoại giao đã quyết định chọn lọc 110 bức từ khoảng 1.700 bức ảnh ông chụp khi ấy để làm cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời”.
Ảnh hầu hết là đen trắng, chủ yếu chụp ở Hà Nội, còn lại là một vài nơi mà John Ramsden đã đi qua trong suốt khoảng thời gian làm Phó Đại sứ tại Việt Nam. Mới đây, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cho ra mắt sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” cũng ghi hình ảnh Thủ đô thời kỳ hiếm người có điều kiện chụp được - những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Nhưng xem cuốn sách này, hiệu ứng và xúc cảm thị giác không hề trùng lặp. Bởi một tác giả là người sống trong lòng phố cổ Hà Nội, một lại là người nước ngoài, với những cách biệt về văn hóa và hoàn cảnh sống, thì mỗi người có một góc nhìn, tâm trạng bấm máy riêng. Giai đoạn ấy, những nhiếp ảnh gia địa phương không được tự do lang thang như John Ramsden, cũng không đủ tiền làm vậy. Một cuộn phim bằng cả tháng lương. Ramsden chụp ảnh và cứ 3 tháng mới sang Thái Lan để tráng ảnh một lần. “Khi ấy người dân khó khăn, nhưng họ vẫn cười tươi rói, hăng say lao động và hào hứng với tất cả. Và tôi đã phải lòng sự quyến rũ của thành phố này tự bao giờ”, Ramsden kể.
Cuốn sách ảnh được chia làm 2 phần. Phần đầu là ảnh về Hà Nội được sắp xếp theo chủ đề: “Phố Phái” - cách nói hình tượng về phố cổ Hà Nội, “Phố phường, chợ búa”, “Cuộc sống bươn chải”, “Làng xóm ngoại ô”, “Tín ngưỡng, hội hè”. Phần hai là ảnh bên ngoài Hà Nội về làng quê Bắc Bộ, miền núi và Nam Bộ. Như nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Người ta thường nói đến việc “xem” hay “ngắm” ảnh mang lại cái hiệu ứng của thị giác về vẻ đẹp, nhưng với tôi - một người Hà Nội từng sống trong các khung cảnh và cùng thời với những con người có trong những tấm ảnh của John Ramsden - thì khi “đọc” mỗi tấm ảnh đều cảm nhận được một phần ký ức của chính mình”.
Ở đây, có thể thấy những mái ngói thâm nâu của phố cổ, những góc Hồ Gươm nhìn vào Tháp Rùa, cầu Thê Húc, những cửa ô quen thuộc, rồi đền Voi Phục, mái đình, chùa cổ kính. Khuôn hình của Ramsden luôn hướng vào con người, nhất là những người lao động, phản ánh nét nhọc nhằn của họ nhưng tràn đầy lạc quan, yên bình. Toàn bộ 110 bức ảnh còn có phần chú thích rất tỉ mỉ của nhà sử học Dương Trung Quốc. Ngoài nói rõ thời gian, địa điểm chụp ảnh, nhà sử học còn cung cấp nhiều kiến thức xung quanh bức ảnh, có những điều mà chính tác giả ảnh khi bấm máy cũng chưa thể hiểu rõ.
Cuốn sách này là một tư liệu quý để mỗi người hiểu thêm về Hà Nội và đất nước giai đoạn trước Đổi mới và về “chất” Hà Nội mà dù ống kính của người nước ngoài hay Việt Nam vẫn bật lên được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.