Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Mở cửa di tích, phố đi bộ phải bảo đảm an toàn phòng dịch

Hoàng Lân| 08/03/2021 17:06

(HNMO) - Chiều 8-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Tập huấn cho cán bộ y tế quy trình tiêm vắc xin

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đã 21 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Cộng dồn giai đoạn 4, Hà Nội có 35 ca mắc ngoài cộng đồng; 1.140 trường hợp F1; 12.829 trường hợp F2 đã kết thúc cách ly. Số lượng người nhập cảnh cách ly hiện còn hơn 1.080 người. 

Từ ngày 4 đến 8-3, các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám sàng lọc cho 603 trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở và đã xét nghiệm cho 124 trường hợp nghi ngờ, tất cả đều âm tính.

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tập huấn cho các cán bộ trong ngành, từ việc rà soát đối tượng, tiếp nhận vắc xin, tổ chức tiêm, theo dõi, giám sát xử lý các các phản ứng sau tiêm chủng.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Sở Y tế dự kiến triển khai tiêm cho các đối tượng là những người có nguy cơ cao tiếp xúc nguồn bệnh như: Người làm việc trong các cơ sở y tế (các cán bộ y tế thường xuyên khám sàng lọc, điều trị, chăm sóc người bệnh, các đơn vị y tế dự phòng...); người tham gia phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc trong các khu cách ly...).

Nhận định tình hình dịch thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, Hà Nội vẫn xác định còn nhiều nguy cơ, bởi Thủ đô là nơi giao thương của nhiều tỉnh, thành. Vì thế, biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả lúc này là cần thực hiện cùng lúc các biện pháp: Chủ động phát hiện, truy vết các ca bệnh; tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch theo "thông điệp 5K"; thực hiện tiêm vắc xin diện rộng.

Liên quan đến việc tiêm vắc xin, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, thành phố sẽ thực hiện tiêm chủng lần 1 vào ngày 9-3 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trước mắt là tiêm chủng cho các y, bác sĩ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin thêm, trong những đợt đầu tiên tiêm vắc xin, các quận, huyện cần phải thực hiện đúng quy trình, kịch bản: Tiêm cho đúng đối tượng, người trên 18 tuổi, thực hiện tiêm 2 mũi, bảo đảm an toàn tiêm chủng. Sở Y tế sẽ bố trí nhân lực y tế để bảo đảm xử trí kịp thời các vấn đề xảy ra trong quá trình tiêm chủng.

"Có thể sẽ có phản ứng phụ sau tiêm vắc xin như sốt, đau đầu. Đây là những phản ứng rất bình thường, giống như khi tiêm các loại vắc xin khác, người dân hoàn toàn yên tâm, bình tĩnh theo dõi sức khỏe", bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Chuẩn bị mở cửa di tích chùa Hương, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho biết đã chuẩn bị các điều kiện mở cửa trở lại di tích. Trong đó, đại diện quận Tây Hồ thông tin, chiều 8-3, nhiều di tích trên địa bàn đã mở cửa trên tinh thần bảo đảm các phương án phòng, chống dịch. Khách sạn Somerset West Point đã kết thúc thời gian cách ly. Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, các di tích đã mở cửa trở lại, trong đó có đền Sóc nhưng lượng khách không đông do đã qua lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, hiện nay công tác chuẩn bị để mở cửa khu di tích danh thắng chùa Hương đã sẵn sàng. Vì chùa Hương luôn đón lượng khách lớn nên huyện Mỹ Đức đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thống nhất các phương án bảo đảm an toàn khi mở cửa di tích. Huyện đã bố trí lực lượng giám sát tại khu vực bán vé, yêu cầu người dân và du khách khai báo y tế bằng mã QR code, trong trường hợp đoàn đi đông thì trưởng đoàn sẽ chịu trách nhiệm kê khai để giảm ách tắc.

Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức đã bố trí hai phòng cách ly trong trường hợp phát hiện những ca nghi ngờ; thực hiện phun khử khuẩn các phương tiện xuồng, đò, nhà hàng, nhà nghỉ; yêu cầu các thuyền giảm bớt số lượng khách; rút ngắn thời gian lễ, yêu cầu người dân và du khách đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên. "Công tác chuẩn bị mở cửa di tích chùa Hương đã sẵn sàng. UBND huyện Mỹ Đức dự kiến mở cửa di tích chùa Hương vào ngày 13-3", ông Đặng Văn Cảnh đề xuất. 

Về vấn đề nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chỉ đạo, trong trường hợp Ban Quản lý di tích chùa Hương đã sẵn sàng các điều kiện an toàn thì lãnh đạo địa phương có thể chủ động mở cửa sớm hơn để tránh việc du khách tập trung đông vào cuối tuần, bảo đảm giãn cách.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị, huyện Mỹ Đức cần có nhiều phương án dự phòng khi di tích chùa Hương mở trở lại, tránh việc mở vào ngày mùng 1 tháng Hai âm lịch (ngày 13-3), có thể sẽ tập trung đông người đi lễ chùa. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thực hiện tuyên truyền người dân thực hiện văn minh khi lễ chùa tại các cơ sở tôn giáo.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong đề xuất thành phố cho phép các không gian đi bộ trên địa bàn quận hoạt động trở lại từ ngày 12-3. Bên cạnh đó, quận cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, như xử phạt hơn 200 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng số tiền 43 triệu đồng, xử phạt hơn 40 cơ sở kinh doanh với số tiền hơn 82 triệu đồng.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau một tuần các trường cho học sinh đi học trở lại, công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn cho học sinh.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hơn 290 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện đón học sinh, sinh viên trở lại học. Trong số học sinh, sinh viên đi học trở lại đợt tới, có 1.475 sinh viên đến từ Hải Dương. Toàn bộ học sinh đến từ tỉnh Hải Dương được yêu cầu cách ly tại nhà đủ 14 ngày trước khi trở lại trường.

Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các phương tiện phải phun khử khuẩn và chuẩn bị các điều kiện để mở trở lại các tuyến vận tải hành khách trong nội đô. 

Quang cảnh cuộc họp.

Chủ động các biện pháp an toàn để "sống chung với dịch"

Đánh giá tình hình dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, mặc dù Hà Nội đã kiểm soát được dịch nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ dịch xâm nhập do số lượng người từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội đông, các chuyên gia vẫn tiếp tục nhập cảnh. Vì thế, các địa phương, đơn vị cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Hà Nội đang nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để các hoạt động được trở lại bình thường nhưng các địa phương, đơn vị giữ vững quan điểm phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, thành phố; duy trì thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch; duy trì hoạt động của tổ tuyên truyền, giám sát Covid-19 cộng đồng để khi có bất cứ ca bệnh mới nào là sẵn sàng thực hiện truy vết, dập dịch.

"Chúng ta cần phải sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch có thể xảy ra tiếp, đồng thời cần phải duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động các biện pháp an toàn để sống chung với dịch", Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nói.

Từ nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch theo "thông điệp 5k", đặc biệt là vấn đề đeo khẩu trang; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện giám sát y tế tại các khu cách ly tập trung và tại nhà bảo đảm không để lây nhiễm dịch ra cộng đồng; xử lý nghiêm đối tượng nhập cảnh trái phép và chủ cơ sở lưu trú phục vụ những người nhập cảnh trái phép.

Về việc tiêm chủng vắc xin, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát đúng đối tượng trên tinh thần công khai, thực hiện tiêm chủng đúng quy trình, bảo đảm an toàn, hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Ngoài ra, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ vào tình hình dịch tiếp tục chủ động đề xuất việc nới lỏng các hoạt động, mở cửa di tích, cơ sở tôn giáo, thờ tự, đồng thời tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Trên cơ sở đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, đồng chí Chử Xuân Dũng cho phép quận Hoàn Kiếm được mở trở lại hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 12-3.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mở cửa di tích, phố đi bộ phải bảo đảm an toàn phòng dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.