UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc mở cửa công viên Yên Sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.
Công viên sẽ mở cửa tự do cho nhân dân vào mà không thu phí. Trước mắt, Thành phố giao Công ty Gamuda Land Việt Nam quản lý, vận hành Công viên và kinh phí quản lý, vận hành sẽ do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam chi trả.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang kiến nghị UBND Thành phố giao Công ty Gamuda Land Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền địa phương xây dựng cơ chế phối hợp và nội quy ra vào công viên.
Trước đó, Thành phố từng yêu cầu mở cửa Công viên Yên Sở vào ngày 1/11/2012, tuy nhiên, vì nhiều lý do, tới nay, công viên này vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động.
Công viên Yên Sở - một công viên được kỳ vọng là công viên đô thị lớn nhất châu Á sẽ sớm mở cửa miễn phí phục vụ nhân dân |
Khó khăn do bất động sản đi xuống
Được biết, đoàn Gamuada Berhad (Malaysia) – chủ đầu tư dự án Công viên Yên Sở hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn lại vốn khi đầu tư (theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng - PV) vào công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước Yên Sở.
Mặc dù Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ cùng nhà đầu tư nhưng đến nay chưa giải quyết xong. Để tháo gỡ khó khăn cho Gamuada Berhad, đối với Dự án Công viên Yên Sở, ông Khôi yêu cầu điều chỉnh chức năng sử dụng đất của khu chức năng đô thị của Công viên bằng cách bổ sung thêm chức năng nhà ở thương mại.
Một mặt tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch Thành phố cũng đồng thời đề nghị Nhà đầu tư chủ động nghiên cứu đưa ra các phương án tháo gỡ như: giữ nguyên giấy chứng nhận đầu tư và bổ sung thêm các hoạtđộng kinh doanh vui chơi giải trí trong công viên để tạo thêm nguồn thu bù đắp chi phí đầu tư; nghiên cứu đề xuất các phương án theo hình thức BT, BOT…
Trước đó, hồi cuối năm 2012, Hà Nội cũng đã quyết định điều chỉnh cục bộ dự án Công viên Yên Sở, theo đó chuyển đổi 5,2 ha đất dự kiến quy hoạch là công viên cây xanh sang chức năng là khu dân cư cải tạo chỉnh trang, trong đó bao gồm: nhà ở dân cư, công trình dịch vụ công cộng hạ tầng xã hội, đường giao thông. Quy mô khu vực điều chỉnh cục bộ thuộc khu dân cư phường Thịnh Liệt, phía Đông Bắc giáp sông Sét, phía Nam giáp đường hiện trạng và mương bao hồ Yên Sở, phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch dự kiến rộng 30m.
Công viên Yên Sở chính thức khởi công vào tháng 12/2007, với tổng đầu tư dự án là 2 tỷ USD. Nằm trong quy hoạch mở rộng chiến lược của Thủ đô Hà Nội, công viên Yên Sở là dự án lớn, với mục tiêu ban đầu là một công viên công cộng đẳng cấp quốc tế có khu trường học, khu triển lãm và khu bảo tồn văn hóa, khu trung tâm thương mại gồm hai tòa tháp văn phòng dành cho các tập đoàn đa quốc gia, các khách sạn 5 sao, trung tâm hội thảo, các cửa hàng và khu nhà ở trên tổng diện tích 327 héc ta bao quanh hồ Yên Sở. Trong đó diện tích công viên và hồ nước là 280 héc ta, được kỳ vọng sẽ là công viên đô thị lớn nhất châu Á.
Bên cạnh đó, những biến đổi tích cực do Công viên Yên Sở còn được kỳ vọng giúp cải thiện chất lượng nước của kênh và hồ Yên Sở, cải thiện môi trường sống quanh hồ, cho cộng đồng dân cư tại cửa ô Thanh Liệt cũng như các cộng đồng dân cư khác sống dọc theo sông Tô Lịch vốn đang sử dụng nước sông để sinh hoạt và tưới tiêu.
Tuy nhiên, sự khó khăn trong thị trường bất động sản những năm gần đây đã khiến cho việc hoàn thành các hạng mục trong công viên này chưa được thực hiện như dự kiến. Thậm chí, những bất cập trong việc điều chỉnh quy hoạch của công viên này có thời gian còn làm cho người dân bức xúc vì nước hồ điều hòa trong công viên, là nơi chưa nước thải sinh hoạt nhưng không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm trầm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.