Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội mãi là "một chốn rong chơi"!

Vũ Minh thực hiện| 17/02/2018 08:46

(HNMCT) -


- Thưa ông, không phải ngẫu nhiên giữa lúc vô cùng bận rộn của những ngày cuối năm 2017, ông lại tranh thủ khoảng thời gian hiếm hoi trước giờ lên máy bay đi công tác để giới thiệu về dự án “Phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội: Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn”. Vì sao chuyện này lại quan trọng với ông như vậy?

- Tôi từng sống ở Hà Nội từ năm 2002 đến 2010 trong thời gian đảm nhận cương vị Chuyên gia kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới tại đây. Tôi cũng là tác giả chính của Báo cáo phát triển Việt Nam - World Bank trong nhiều năm và vinh dự được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 với cuốn sách ảnh Hà Nội, một chốn rong chơi. Sau khi rời Hà Nội năm 2010, tôi đảm nhận cương vị Chuyên gia kinh tế Trưởng của World Bank ở khu vực Nam Á - những quốc gia xung quanh Ấn Độ từ đó đến nay, thường xuyên đi lại giữa New Delhi và Washington, D.C. Nhưng dù bận rộn đến mấy, trong tôi luôn đau đáu nỗi niềm về Hà Nội - thành phố mà tôi vô cùng yêu thích và gắn bó.

Bạn biết đấy, tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn muốn làm điều gì đó có ý nghĩa. Một khi bạn đã có được những thành công nhất định trong công việc và đời sống cá nhân, bạn muốn “ném” mình vào cái gì đó cao cả. Việc tìm kiếm một giải pháp điều hòa sự phát triển kinh tế nhanh chóng với việc bảo tồn giá trị kiến trúc và đặc trưng xã hội của Hà Nội là một nhiệm vụ tôi tự đặt ra cho mình. Bởi tôi yêu Hà Nội, và tôi muốn khẳng định việc được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với tôi thực sự là một trách nhiệm, chứ không chỉ là một vinh dự!

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về dự án “Phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội: Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn”?

- Tôi từng chia sẻ trong Hà Nội, một chốn rong chơi rằng: Trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống, hơn thế nữa, đó còn là một thành phố rất đáng yêu. Đi qua hàng nghìn năm lịch sử, ở một đất nước có nền ẩm thực phong phú, Hà Nội giống như một món ăn được chế biến bằng những nguyên liệu tươi ngon với liều lượng lý tưởng. Những tòa nhà được xây dựng với rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Đền chùa và nhà thờ nằm xen lẫn với những khu buôn bán sầm uất. Ban ngày, cuộc sống phơi bày khắp nơi trên hè phố, còn ban đêm tình yêu lại thăng hoa trên yên xe... Có một sự cân bằng mong manh giữa bảo tồn và biến đổi, cho phép kết cấu của xã hội có thể thích nghi mà không bị triệt tiêu!

Nhưng Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn trong sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển. Vì vậy, với dự án của mình, tôi mong muốn phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng như tìm kiếm thật nhiều ý tưởng để xây dựng một “liên minh”, gồm lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, nhà đầu tư tư nhân, dân cư địa phương nhằm gây quỹ, ủng hộ việc thí điểm phát triển đô thị trên một khu phố của Hà Nội. Tôi nghĩ khi ta có thể làm thật tốt với một khối phố, mô hình ấy có thể được nhân rộng ra nhiều khối phố tương tự. Mục tiêu cuối cùng là giúp cho Hà Nội phát triển đô thị nhưng không đánh mất bản sắc và kết cấu xã hội, bảo vệ được sự đa dạng xã hội và nét đặc sắc của Hà Nội!

- Với dự án của mình, ông nghĩ thực hiện ở một khu phố như thế nào là phù hợp?

- Trong dự án của mình, tôi mong có thể tiến hành thí điểm trên một khối nhà có vị trí tương đối gần trung tâm. Việc lựa chọn khối có đặc tính “thích hợp” là cần thiết, ví như trong khối đó có 2 hoặc 3 biệt thự kiểu Pháp, dân cư địa phương đã sinh sống từ lâu (1 hoặc 2 khu tập thể), có sự đa dạng về phong cách kiến trúc, dư thừa đất công (doanh nghiệp quốc doanh...), đường phố tấp nập (quán ăn, cửa hàng, chợ...), khu vực lân cận có tính hấp dẫn (nhiều cây xanh, công viên, hồ nước...).

Chúng ta cần kết hợp chuỗi các hành động nhằm làm thật tốt, hiệu quả với khối nhà đó, nhắm đến các mục tiêu: Tiêu chuẩn đô thị được cải thiện đáng kể (chiếu sáng, bảng thông báo...), phá dỡ các công trình xây dựng không còn giá trị (ví dụ nhà máy cũ), trùng tu nâng cấp trên diện rộng những kiến trúc có giá trị, nâng cấp khu tập thể trở thành những căn hộ hấp dẫn, thanh lịch, mở đường đi bộ xung quanh những tòa nhà quan trọng, tạo không gian mở nối giữa các ngõ hẻm, bố trí tầng hầm đỗ xe dành cho cư dân và khách viếng thăm, lấp đầy phần còn lại của khối nhà bằng các công trình xây dựng tân tiến...

- Ông vừa nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - một giám đốc danh dự, một công việc tình nguyện không nhận lương, thậm chí phải tự bỏ tiền túi của mình cho dự án. Ông nghĩ dự án của mình có khả thi?

- Sáng kiến của tôi có thể được áp dụng hoặc không, dự án của tôi có thể thành công hoặc không - nhưng tôi sẽ luôn kiên định, bền bỉ và nỗ lực cho nó. Trước mắt, tôi mong nhiều người sẽ biết đến dự án này, để cùng chung tay suy nghĩ và đưa ra các ý tưởng giúp Hà Nội phát triển đô thị nhưng giữ được bản sắc, luôn là một thành phố đáng sống và năng động. Tôi hy vọng dù theo các cách khác nhau, tất cả chúng ta sẽ có tư duy chung về cách phát triển cho Hà Nội, tạo “tông” riêng cho thành phố. Hà Nội phải là thành phố có nét đặc trưng riêng, khác biệt với nơi khác. Thông điệp tôi muốn đưa ra, đó là nếu bất cứ ai có ý tưởng nào giúp Hà Nội phát triển theo hướng đó, hãy liên hệ với tôi. Tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ trong mọi khả năng của mình.

- Ông có nghĩ Hà Nội sẽ vẫn là “một chốn rong chơi” sau khi áp dụng ý tưởng này?

- Có chứ! Chừng nào còn giữ được nét duyên dáng và tính cách của Hà Nội, phát huy được bản sắc trong quá trình phát triển, nơi đây sẽ mãi là “một chốn rong chơi”, lưu giữ được những đặc điểm riêng của nó. Hiện nay, với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, tôi mong có thể huy động mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi tìm ý tưởng. Hãy cùng chung tay, giữ gìn vẻ đẹp riêng có của Hà Nội trong quá trình phát triển đô thị!

- Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội mãi là "một chốn rong chơi"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.