Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội không thể là 'bãi rác băng rôn'

Theo Đặng Chung/Lao Động| 13/11/2015 21:23

Vì không đủ người đi tháo dỡ các băng rôn quảng cáo chương trình treo sai quy định, Sở VHTT Hà Nội đã đóng dấu “Vi phạm” để ban tổ chức biết và sửa sai.


Cách xử lý này được cho là đã đánh vào ý thức của đơn vị tổ chức sự kiện, nhưng mới chỉ là biện pháp tình thế và chưa xử lý được tận gốc tình trạng treo băngrôn, quảng cáo tràn lan, trái phép, gây phản cảm như hiện nay.

Dù không... “văn hóa” cho lắm

Ngày 10/11, người dân Hà Nội bất ngờ với một số băng rôn về hai live show của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Trọng Tấn treo ở khu vực ngã ba Lê Thánh Tông - Phan Huy Chú - Lý Thường Kiệt có hai chữ “vi phạm” đỏ chót ngay ở vị trí in hình hai ca sĩ “chủ show”. Không ít người thắc mắc, các ca sĩ đã làm gì sai mà bị “đóng triện vi phạm” lên hình ảnh và treo giữa phố.

Ông Tô Văn Động - GĐ Sở VH-TT-DL Hà Nội - sau đó cho biết, đây là những băng rôn treo sai vị trí nên bị đóng dấu để cảnh cáo: “Hiện tượng treo băng rôn, quảng cáo sai quy định diễn ra quá nhiều, dù Sở VH-TT-DL Hà Nội đã xử lý và tịch thu nhưng không hiệu quả, vì cứ tịch thu, không lâu sau các đơn vị này lại treo lên. Nên chúng tôi đã cho người đánh dấu vi phạm lên những băngrôn treo sai quy định của 2 show ca nhạc do Cty Đông Đô Show tổ chức sản xuất, để người dân và các đơn vị liên quan biết, tiến hành tháo gỡ, xử phạt”.


Băng rôn 2 show ca nhạc của ca sĩ Trọng Tấn và Đàm Vĩnh Hưng bị đóng dấu “vi phạm”.


Thời gian qua, nhiều công ty tổ chức sự kiện bị “sờ gáy” vì không chấp hành nghiêm quy định về treo băng rôn, quảng cáo chương trình, gây phản cảm và mất mỹ quan đô thị. Gây ồn ào nhất phải kể đến vụ xử phạt công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc vì cố tình vi phạm về quảng cáo show ca nhạc của Chế Linh. Thậm chí công ty này còn bị hủy bỏ giấy tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật đối với live show ca sĩ Chế Linh vào năm 2011 vì nhiều lần quảng cáo sai và treo băng rôn không đúng quy định, dù liên tục bị nhắc nhở.

Năm 2013, Sở VH-TT-DL Hà Nội cũng tiến hành cắt, rạch các băngrôn của chương trình In the Sportlight treo sai quy định ở Nhà hát Lớn Hà Nội, khiến cho đơn vị này lầm tưởng rằng đang bị những đơn vị tổ chức khác cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng không phải là lần đầu sở áp dụng biện pháp phun chữ “Vi phạm” lên băng rôn, nhưng việc gây ầm ĩ dư luận thì chưa có tiền lệ.

Trước việc hình ảnh ca sĩ trong băng rôn bị “đóng dấu”, đại diện của ca sĩ Trọng Tấn đã bức xúc cho biết đây là hành động xúc phạm và không tôn trọng nghệ sĩ. Trong khi đó, dù không hài lòng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn cho rằng đây là việc nên làm của cơ quan chức năng để chấn chỉnh các sai phạm, nhưng không nên in chữ “Vi phạm” ngay trên hình nghệ sĩ, tránh gây phản cảm và tò mò trong dư luận.

Trước những ý kiến này của nghệ sĩ, ông Tô Văn Động cũng thừa nhận đây chỉ là biện pháp tình thế và cũng không được “văn hóa” cho lắm, nhưng vì các đơn vị tổ chức ngang nhiên vi phạm nên phải “cảnh cáo”.

Quy định… “chạy” theo thực tế

Hà Nội quy hoạch các điểm treo băng rôn từ 2002, tuy nhiên từ 2008, khi địa giới hành chính mở rộng, nhu cầu quảng cáo tăng cao. Nhất là từ 2010 đến nay, hoạt động biểu diễn nghệ thuật sôi động, các chương trình văn hóa, giải trí liên tục diễn ra. Tính riêng tháng 11/2015 đã có hàng chục live show ca nhạc, chương trình văn hóa tại Hà Nội. Sau live show Rét đầu mùa của Hoàng Quyên là đến show của Trọng Tấn, Đàm Vĩnh Hưng, concert của Bùi Công Duy, đêm nghệ thuật Suối ngàn hoa…

Theo quy định của Sở VH-TT-DL Hà Nội, mỗi show được treo 20 băng rôn trước thời điểm chương trình diễn ra 15 ngày và đúng nơi quy định. Tuy nhiên, sau khi xin phép Sở VH-TT-DL, nhiều đơn vị quảng cáo in ra hàng trăm băng rôn treo “chui” nhiều địa điểm. Như hai live show của Trọng Tấn và Đàm Vĩnh Hưng, theo ông Tô Văn Động thì Đông Đô show đã treo tới gần 200 băng rôn.

Ngoài Đông Đô show, rất nhiều công ty tổ chức sự kiện khác cũng vi phạm tương tự và bị xử phạt. Hiện nay mức xử phạt với hành vi này là 10 triệu đồng. Tuy vậy, mức phạt này được cho là chưa đủ nặng để có tính răn đe. Nhiều công ty tổ chức biểu diễn đã cố tình thách thức các cơ quan quản lý, chấp nhận nộp phạt để đổi lại hiệu quả quảng cáo. Kể cả việc đánh vào ý thức của người tổ chức bằng việc cắt hay phun “dấu đỏ” lên băng rôn cũng chỉ là biện pháp “ngắt ngọn”, chưa thể xử lý dứt điểm vi phạm.

Quy định về việc mỗi show chỉ được treo 20 băng rôn cũng bị cho là không phù hợp với thực tế, nhất là khi Hà Nội đã mở rộng. Bà Hoài Oanh - đại diện Đông Đô Show kiến nghị: “Sở giới hạn mỗi show chỉ được treo 20 băng rôn, trong khi Hà Nội có 30 quận, huyện, như vậy là quá ít, quy định này không còn phù hợp với thực tại”. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng cùng quan điểm: “Tôi nghĩ các lãnh đạo nên cho phép tăng cường số lượng băngrôn đường phố để người tổ chức show mạnh dạn thực hiện các chương trình. Việc làm này cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng treo tràn lan và chấp nhận nộp phạt của nhiều công ty như hiện nay”.

Trước những băn khoăn này, ông Tô Văn Động cho biết: “Việc cấp phép để treo thêm băng rôn không phải là điều khó khăn, nhưng liệu đơn vị tổ chức có chấp hành đúng quy định hay không? Các đơn vị nghệ thuật trong nước không hài lòng với số lượng băng rôn được treo là câu cửa miệng rồi, cấp thêm một vài chục chiếc chắc gì họ đã tuân theo mà cứ đòi lên vài trăm cái. Nên phải “mạnh” tay đánh vào ý thức, nếu cứ nương theo họ thì bao nhiêu “rác băng rôn” sẽ tràn lan, cảnh quan thành phố sẽ vô cùng rối mắt”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội không thể là 'bãi rác băng rôn'

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.