(HNMO) - Ngày 1-9-2016, Hà Nội bắt đầu tổ chức triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Sau hơn một năm thực hiện, tuy đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng do còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thành phố quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm mô hình này.
Điểm nhấn về du lịch
Ngày 14-11, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau hơn một năm thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã kết nối với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội tạo nên điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô, dần hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong thông báo về kết quả hơn một năm thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. |
Bên cạnh đó, tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước; là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm - di tích quốc gia đặc biệt, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - thành phố hòa bình; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và thành phố.
Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia rất đông: trung bình ban ngày có khoảng 3-5 nghìn người, buổi tối khoảng 1,5-2 vạn người; trong những ngày lễ, tết vào buổi tối, lượng người có lúc lên đến gần 20 vạn người. Lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và thành phố tăng nhanh; số lượng cửa hàng kinh doanh mới và chuyển mục đích kinh doanh phục vụ cho dịch vụ và du lịch trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tăng 268 cửa hàng (khu phố cổ 232 cửa hàng; xung quanh hồ Hoàn Kiếm 36 của hàng).
Theo ông Đinh Hồng Phong, hơn một năm thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, quận Hoàn Kiếm còn phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố và các sở, ngành chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, như: Tổ chức 23 chốt trực an ninh bên trong và bên ngoài các điểm ra vào không gian đi bộ; các lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm; thường xuyên điều chỉnh phân luồng giao thông cho phù hợp, không để ùn tắc giao thông lớn, không để xảy ra tai nạn giao thông; bố trí lực lượng tuần tra xử lý nghiêm các vi phạm, giải tỏa tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông các tuyến phố xung quanh khu vực không gian đi bộ...
Bên cạnh đó, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố thường xuyên điều chỉnh cấp mới các điểm trông giữ xe ô tô, xe đạp, xe máy và giải tỏa các điểm không có khách đến gửi phương tiện. Hiện nay, có 85 điểm trông giữ so với 90 điểm theo phương án ban đầu với tổng diện tích 23.190m2, cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi phương tiện của nhân dân và du khách đến tham quan; phát hành trên 3.000 thẻ ra vào cho xe máy, xe đạp của các hộ dân, cơ quan trong khu vực và phù hiệu cho xe ô tô của các cơ quan trong không gian đi bộ được ra vào khi làm nhiệm vụ.
UBND quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo triển khai đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, như: Thực hiện duy trì vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh, hoa trang trí xung quanh hồ Hoàn Kiếm; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh đường dạo của hồ Hoàn Kiếm, tại các điểm di tích và một số công trình nhà ở có kiến trúc đẹp; chiếu sáng tại các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật; hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang mặt đứng tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay; triển khai thực hiện đầu tư dự án chỉnh trang mặt đứng 12 tuyến phố nhánh xung quanh hồ Hoàn Kiếm (phố Lương Văn Can, Bảo Khánh, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Hàng Dầu, Lò Sũ, Hồ Hoàn Kiếm…); phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội khảo sát thực hiện dự án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm.
Nơi giao lưu và quảng bá văn hóa
Hơn một năm thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật có nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Ngoài việc thường xuyên duy trì 8 điểm biểu diễn nghệ thuật cố định, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Hoàn Kiếm chủ động tham mưu phối hợp mời các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật, các sự kiện trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm để tạo nên điểm nhấn văn hoá, xây dựng thành chương trình cố định trong năm.
Nhiều chương trình, sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận đánh giá cao, như: Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2017; hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và Triển lãm hoa Anh đào tại Hà Nội năm 2017; “Ngày Hàn Quốc tại Hà Nội 2017; Nhóm nghệ sỹ Argentina biểu diễn vũ điệu nhảy Tango; chương trình Festival thiếu nhi ASEAN +; ngày Quốc tế Yoga lần 3; giao lưu văn hoá ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế; triển lãm ảnh “Đất nước con người ASEAN”; Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Thụy Sỹ, Đại sứ quán Chile tổ chức vẽ tranh di động, biểu diễn múa đương đại trên đường phố; Chương trình "Giai điệu Nga trong lòng Hà Nội"...
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm nhấn về du lịch của Hà Nội. (ảnh: Bùi Việt) |
Bên cạnh đó, tại đây đã diễn ra nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật để giới thiệu những nét văn hóa, quảng bá du lịch của một số địa phương trong cả nước, như: tổ chức “Không gian văn hóa dân tộc Mông - Hà Giang tại Hà Nội”, chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”; chương trình Festival Di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam; tỉnh Tuyên Quang tổ chức sự kiện diễu hành quảng bá văn hoá của tỉnh và giới thiệu đám cưới của người dân tộc Dao; Chương trình quảng bá văn hóa truyền thống tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Tuyên Quang...
Nâng cao hơn nữa hiệu quả
Theo ông Đinh Hồng Phong, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận còn bộc lộ mốt số hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Trước hết là tình trạng bán hàng rong, dắt chó không có rọ mõm, trượt pa-tanh, đi xe điện cân bằng, ô tô - xe máy điện (trẻ em) chưa được giải quyết triệt để.
Do thói quen của người dân và du khách chỉ đến gửi xe tại các điểm sát khu vực đi bộ, nên một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải, trong khi những điểm khác ở xa hơn thì lại vắng người gửi. Thực tế đó khiến một số hộ dân gần không gian đi bộ đã tận dụng vỉa hè trước ngõ, hoặc trước cửa nhà tự ý trông giữ xe trái phép thu giá cao gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh đó, một số hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát; tập thể dục, tập nhảy vào buổi tối mở nhạc to và trang phục không phù hợp đã ảnh hưởng đến văn minh chung của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm còn là nơi giao lưu, quảng bá văn hóa. (ảnh: Bùi Việt) |
Ngoài ra, các quầy hàng kết hợp quầy xe chuyên dụng bán các mặt hàng như đồ lưu niệm, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, bánh mì, nước trái cây, hoa còn quá ít (hiện mới bố trí 2 xe chuyên dụng, 1 quầy bán hoa). Lực lượng làm nhiệm vụ chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa phát huy được ý thức trách nhiệm trong công việc được giao, nhất là các lực lượng tại các chốt (gồm công an, tự quản) mỏng, thiếu về số lượng.
Để tiếp tục tổ chức có hiệu quả không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, theo ông Đinh Hồng Phong, thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nhằm tăng sức lôi cuốn, thu hút du khách, góp phần giới thiệu về văn hóa, nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Tổ chức các đội tình nguyện để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, góp phần xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, thu quá giá quy định; nghiên cứu thay đổi phương án hàng rào an ninh (barie) bằng mẫu barie thẩm mỹ đẹp phù hợp với không gian đi bộ; lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát để hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự; xử lý triệt để tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch…
Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian; tiếp tục mời các đơn vị nghệ thuật của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài thực hiện các chương trình, hoạt động văn hóa, biểu diễn, giao lưu, ẩm thực, lễ hội có chất lượng cao hơn nữa. Triển khai phương án bổ sung các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch phục vụ du khách.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ sáng vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự, không để tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động hoặc gây trọng án.
Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội nghiên cứu, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, bổ sung nhân lực của Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm, bảo đảm đủ năng lực chuyên trách quản lý, vận hành không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khắc phục những hạn chế hiện nay.
UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm sớm có báo cáo đề xuất mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội (phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) để tạo sự kết nối, bổ trợ công năng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và Khu phố cổ Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.