Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các sở, ngành tập trung giải quyết các vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt vấn đề liên quan đến Sở Quy hoạch kiến trúc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai 22 dự án giao thông và hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố.
Đó là các dự án xây dựng đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đường Vành đai 1 các đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Hoàng Cầu - Voi Phục; đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; đường trên cao dọc Vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT; đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng; các nút giao thông và cầu vượt; Đường 5 kéo dài; nâng cấp Đường 70; dự án đường sắt đô thị số 3, dự án thoát nước giai đoạn 2; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Yên Xá, Phú Đô; hai cơ sở hỏa táng; Công viên nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1; Nghĩa trang Minh Phú; mở rộng Nghĩa trang Thanh Tước và công viên vui chơi, giải trí, Trung tâm Thể dục thể thao Đống Đa.
Thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính ưu tiên bố trí vốn cho các dự án còn thiếu, đặc biệt là các dự án giao thông cấp bách như dự án xây dựng các cầu vượt. Đối với dự án đang triển khai nhưng bị chậm trễ do năng lực nhà thầu còn hạn chế như dự án Đường 5 kéo dài, yêu cầu chủ đầu tư kiên quyết thay thế nhà thầu để bảo đảm tiến độ dự án. Ngoài ra, Sở Xây dựng và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố cần đề xuất cơ chế phù hợp và chuẩn bị cơ số nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng. Những dự án chưa thể triển khai do người dân chưa đồng thuận thì tăng cường công tác tuyên truyền vận động như dự án nghĩa trang Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Theo báo cáo của các đơn vị chủ đầu tư 22 dự án trên, vướng mắc của các dự án hiện nay chủ yếu tập trung ở các vấn đề tái định cư, quy hoạch, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiếu vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.