(HNMO) - Sáng 9-12, tiếp tục kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội đã xem xét, thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2021.
Với 91/91 đại biểu tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thống nhất, năm 2021, biên chế hành chính của thành phố là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức là 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ là 1.076 chỉ tiêu, giảm 361 chỉ tiêu so với năm 2020.
HĐND thành phố Hà Nội cũng quyết định biên chế sự nghiệp là 135.383 biên chế, trong đó biên chế viên chức là 116.380 biên chế, giảm 6.385 biên chế so với năm 2020.
Các lĩnh vực giảm gồm: Giảm trừ từ nguồn biên chế dự phòng còn chưa sử dụng 2.585 biên chế; giảm do chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ để giảm biên chế hưởng lương ngân sách; 30 đơn vị sự nghiệp giảm 1.913 biên chế; giảm 734 biên chế viên chức giáo dục khối mầm non do giảm 9.838 số học sinh; giảm 201 biên chế viên chức tại các trường cao đẳng nghề do giảm 1.352 số học sinh, sinh viên; giảm 256 biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế theo chủ trương tinh giản biên chế (bảo đảm lũy kế giảm 10%); giảm 696 biên chế viên chức theo tỷ lệ tự chủ từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp y tế đã tự chủ một phần chi thường xuyên.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng thống nhất biên chế sự nghiệp có lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ gồm 10.464 chỉ tiêu, giảm 405 chỉ tiêu so với năm 2020; lao động hợp đồng theo định mức gồm 8.539 chỉ tiêu, giảm 391 so với năm 2020.
Nghị quyết cũng đề ra một số giải pháp, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để từ đó lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị và trong toàn hệ thống chính trị.
Để triển khai có hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, điều hành của Thủ đô, thực sự hướng tới người dân và doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, bởi đây là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021-2025 hay không, đặc biệt là xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, tính toán thành lập các trường liên cấp, đẩy mạnh thành lập các trường ngoài công lập; đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.