(HNMO) - Trước thông tin báo chí nêu về việc hàng nghìn công nhân thuộc 5 công ty thủy lợi Hà Nội bị nợ lương hai năm qua, sáng 29-1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có một số chỉ đạo cụ thể.
Năm 2016: Còn 171 tỷ chưa giải ngân
Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, về thuỷ lợi phí đối với 5 công ty thuỷ lợi của thành phố, giai đoạn trước 1-1-2017 thực hiện theo thuỷ lợi phí và từ 1-1-2017, chuyển sang giá dịch vụ thuỷ lợi. Thành phố đã triển khai đầy đủ quy định, bố trí kinh phí và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, có báo cáo kịp thời với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và đã quyết toán xong các chi phí của năm 2015.
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) qua kiểm toán đã có Kết luận số 543/TB-KTNN, trong đó nêu một số nội dung cụ thể liên quan đến số lượng lao động tăng không hợp lý; việc sử dụng lao động thực tế thấp hơn định mức và đặc biệt liên quan đến lao động gián tiếp cồng kềnh. KTNN đã yêu cầu 5 công ty rà soát lại để tinh gọn bộ máy.
Thực hiện kết luận của Kiểm toán, theo chỉ đạo của thành phố, liên ngành Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, rà soát lại định mức đơn giá, bám sát theo chỉ đạo của các bộ và Kết luận 543/TB-KTNN.
Với định mức này, năm 2016, thành phố cũng đã bố trí kinh phí theo định mức đơn giá đã phê duyệt. Các đơn vị đã triển khai thực hiện và đến này đã thanh toán được 310 tỷ đồng, còn 171 tỷ đồng, các đơn vị chưa thực hiện xong nên chưa được giải ngân.
Ngoài ra, cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, năm 2017 còn 103 tỷ đồng chưa nghiệm thu để giải ngân cho các công ty thủy lợi. Đây là nguyên nhân khiến người lao động trong 5 công ty thuỷ lợi bị chậm trả lương.
Trước thực tế trên, ngày 26-1-2018, hai Sở Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp và yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện quyết toán để giải ngân số tiền mà thành phố đã bố trí (171 tỷ đồng của năm 2016) và nghiệm thu khối lượng công việc năm 2017 để thanh toán 103 tỷ đồng.
"Nguyên tắc chung là thu nhập và tiền lương của người lao động không được chậm và không được thiếu so với định mức đơn giá mà thành phố đã phê duyệt. Lãnh đạo các đơn vị không đáp ứng được, gây chậm hoặc thiếu so với mức lương phải có báo cáo." - Ông Hà Minh Hải nêu.
Tổng giám đốc cũng chỉ được tạm ứng lương 2 triệu đồng/tháng
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hội, TGĐ Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ cho biết, Công ty đã thực hiện xong tất cả các nội dung công việc theo Kết luận số 543 của KTNN từ tháng 12-2016.
Về việc sắp xếp lại lao động, qua rà soát, Công ty đã giảm 50% lao động gián tiếp, đưa xuống các bộ phận trực tiếp; sáp nhập một số phòng ban để giảm đầu mối, tăng cường lao động trực tiếp. Kết quả đã giảm 21 người và tiếp tục rà soát, giảm bộ phận trùng lặp và số lao động gián tiếp.
"Thực hiện theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, đến nay Công ty đã nhận xong 100% các công trình với tổng số là 328 trạm bơm, bằng 442 máy, 5.659 tuyến kênh, 11.527 cống và các công trình trên kênh. Số công trình này nếu phải tuyển lao động thì cần khoảng trên 300 lao động. Tuy nhiên, Công ty đã sắp xếp lại số lao động hiện tại và không tuyển thêm lao động để vận hành những công trình này.
Các trạm bơm do địa phương xây dựng bàn giao về cho công ty là trạm bơm rất cũ, lạc hậu, không có nhà quản lý. Công nhân mỗi khi vận hành đều phải mang theo ghế, mặc áo mưa, đội mũ làm việc mà không có nơi nghỉ ngơi" - Ông Hội cho biết.
Dù đã được lãnh đạo thành phố quan tâm, giải quyết nhiều khó khăn nhưng quá trình thực hiện theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quyết định của UBND TP Hà Nội với 5 công ty thuỷ lợi thì còn nhiều vướng mắc.
Người đứng đầu Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ cho biết, từ năm 2016 đến nay, do chưa quyết toán xong nên tiền chưa được cấp hết. Năm 2017, kinh phí đến nay mới được cấp 90%. Số kinh phí này không đủ để đáp ứng tiền lương, tiền điện, đóng bảo hiểm xã hội và các khoản chi khác.
"Với Công ty sông Nhuệ, từ năm 2017 đến nay chỉ có thể bố trí sắp xếp tạm ứng cho người lao động, từ Tổng giám đốc trở xuống mỗi tháng 2 triệu đồng" - ông Hội nêu.
Tuy nhiên, trong năm qua, Công ty làm công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ tưới tiêu, bảo đảm phục vụ tốt cho cho sản xuất, không để xảy ra sự cố.
Hiện nay Công ty đang bố trí lực lượng phục vụ lấy nước đổ ải cho vụ xuân 2018. Dự kiến chỉ bố trí cho cán bộ, công nhân viên nghỉ ngày mùng 1 Tết, ngày mùng 2 lại tiếp tục bơm nước phục vụ cho các địa phương cấy lúa xuân.
Do đó, việc giải quyết tiền lương, thưởng Tết cho người lao động là rất cần thiết. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ kiến nghị thành phố xem xét, điều chỉnh nhiều nội dung công việc, đặc biệt cấp bổ sung 10 tỷ đồng tiền điện sử dụng vượt so với định mức năm 2016.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về 5 công ty thuỷ lợi
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nêu, việc để chậm lương cho người lao động trách nhiệm đầu tiên thuộc về 5 công ty thuỷ lợi khi toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán của năm 2016 gửi chậm.
Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Tài chính, Sở Nội vụ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đề xuất và giải quyết dứt điểm trong tuần. Đặc biệt, việc thanh quyết toán phải làm sớm.
Sở Tài chính cũng được yêu cầu phải rút kinh nghiệm trong việc thiếu đôn đốc khi để hồ sơ năm 2016 chưa được thanh quyết toán.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng giao Thanh tra thành phố chuyển toàn bộ kết luận của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến sai phạm của các công ty thuỷ lợi như làm chứng từ giả lấy tiền sử dụng sai mục đích sang Công an thành phố xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.