(HNMO) - Sáng nay, 19/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Luật gồm 8 chương, 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính gồm: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); Xã, phường, thị trấn (cấp xã); đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính.
Theo những quy định mới trong luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở địa bàn đô thị được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý theo ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, uỷ quyền phù hợp giữa cấp thành phố với các thị xã, quận, phường... Ngoài việc quyết định ngân sách, nhân sự, Hội đồng nhân dân ở thành phố trực thuộc trung ương còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị, quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân ở quận và phường chủ yếu tập trung quyết định những vấn đề về ngân sách, nhân sự và giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân.
Về nguyên tắc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, với tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500 nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500 nghìn dân thì cứ thêm 30 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu; Tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì cứ thêm 50 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu.
Đáng chú ý, về tổ chức, ở thành phố trực thuộc trung ương thành lập thêm Ban đô thị của Hội đồng nhân dân để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô.
Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có không quá 5 phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các thành phố khác trực thuộc trung ương có 3 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật quy định chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng thành viên Ủy ban nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương, Luật quy định cụ thể các trường hợp được phân cấp, ủy quyền, hình thức phân quyền, phân cấp, ủy quyền và xác định rõ trách nhiệm của các bên trong vấn đề này. Cụ thể như sau:
Trường hợp phân cấp: Luật quy định căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp ủy quyền: Luật quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
Về hình thức phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Luật quy định việc phân quyền phải được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước thực hiện phân cấp; việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản của cơ quan ủy quyền.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Chính phủ. Theo đó, về cơ cấu, số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.