Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, các ý kiến đã gợi mở nhiều góc nhìn mới và đề xuất những giải pháp đầy tâm huyết, trí tuệ.
Sáng 18-7, các chuyên gia, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ đã tham gia đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030. Báo Hànộimới lược ghi một số ý kiến tiêu biểu.
GS.TS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội:
Thu hút nhân tài gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Việc thu hút nhân tài trình độ cao về cho Hà Nội cần gắn với một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm khu công nghiệp công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư…
Tuy nhiên, trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tại Phụ lục 3 đề cập khá yếu tới đầu tư đột phá cho mục tiêu quan trọng này. Các dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được đề cập chưa tương xứng. Mục 13/III, Phụ lục 3 ,“Hoàn thành Khu Công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2, quý IV-2028, sản xuất 1.000 sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo” chưa đề cập đến cơ chế để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hợp tác với các đại học, nơi tập trung nguồn lực nghiên cứu và thu hút nhân tài.
Đối với vấn đề này, các giải pháp trọng tâm đã được đề cập ở dự thảo Báo cáo chính trị nhưng cần bổ sung vào nhiệm vụ, gắn với dự kiến kế hoạch và đầu tư tại Phụ lục 3 và 4. Cụ thể như: Đầu tư hoặc hợp tác đầu tư một số trung tâm kết nối khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đặt tại đại học lớn theo mô hình như Melbourne connect đặt tại Đại học Melbourne của Australia; xây dựng các trung tâm chế thử đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, vận hành theo cơ chế bao trọn gói vật tư tiêu hao cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm…
Thúc đẩy cơ chế đồng tài trợ cho các nhà khoa học được thu hút từ nước ngoài về Hà Nội tham gia đào tạo và nghiên cứu tại các đại học trên địa bàn; cơ chế tài trợ học bổng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có định hướng nghiên cứu gắn với định hướng ưu tiên của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và áp dụng cơ chế đồng hướng dẫn (1 hướng dẫn là giảng viên đại học, 1 hướng dẫn là chuyên gia của khu công nghệ cao).
Các hướng sản phẩm ưu tiên như bán dẫn, công nghệ AI ứng dụng, công nghệ sinh học… đều cần phải gắn với đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc thì mới có cơ hội để tạo ra sản phẩm xứng tầm.
GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất:
Tạo đột phá về nâng cao chất lượng môi trường sống
Tôi cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị nên bổ sung trong phần các khâu đột phá nội dung về nâng cao chất lượng môi trường sống của Thủ đô với mục tiêu: Tạo ra một Thủ đô bền vững, trong đó không chỉ có trách nhiệm tạo ra môi trường sống tốt, mà còn có nền kinh tế sôi động và xã hội thân thiện, hội nhập.
Về nhiệm vụ và giải pháp, trong dự thảo đã đề cập tới một trong những lĩnh vực ưu tiên là bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu. Đây là một định hướng đúng đắn và có tầm nhìn để bảo đảm hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, trong cách diễn đạt phần này đề nghị chỉnh sửa đầu đề là: “Phòng, chống và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Trong nội dung chỉ đạo của phần này vẫn chủ yếu là giải pháp mang tính xử lý các vấn đề phát sinh và hiện hữu mà chưa có định hướng tổng thể và dài hạn. Tôi cho rằng cần bổ sung một số giải pháp cần thiết, như: (1) Quy hoạch xây dựng môi trường đô thị bền vững; (2) Điều tra, khảo sát và tổng hợp đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá tổng hợp và dự báo chính xác; (3) Tăng cường đầu tư vào các công nghệ xanh, công nghệ cao và thông minh trong sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông vận tải, tiêu dùng, quản lý chất thải, tái chế, bảo vệ không gian xanh để chống ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; (4) Tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy liên kết vùng trong xây dựng các giải pháp, kế hoạch và hành động bảo vệ môi trường bền vững.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành biểu tượng
Giai đoạn 2026-2030 có bối cảnh phát triển hoàn toàn mới. Môi trường quốc tế đang biến động sâu sắc. Bất thường, bất ổn, bất trắc là những đặc tính chi phối. Đất nước ta đang vào thế và nhịp phát triển mới, thay đổi căn bản tầm nhìn, cách tiếp cận, với các nguồn lực, động lực (lực lượng sản xuất) và mô hình tăng trưởng - phát triển mới. Thách thức và cơ hội đều đặt ra rất khác thường, ở tầm toàn cầu, có tính lịch sử - thời đại.
Đối với mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, đây là nhiệm vụ đặc biệt thách thức cho cả nước; với Hà Nội, thách thức càng gay gắt hơn bởi không chỉ đòi hỏi con số tăng trưởng, mà còn phải có chất lượng tăng trưởng. Để làm được, Hà Nội phải triệt để giải quyết các ách tắc cũ; đồng thời thu hút đủ nguồn lực, tạo ra động lực mới, khác thường và còn phải có các giải pháp thông minh, vượt trội trong ứng xử chiến lược, cộng với nỗ lực phi thường.
Nhưng trong dự thảo Báo cáo chính trị, dường như Hà Nội chưa cho thấy rõ sự khác biệt trong mục tiêu tăng trưởng là ở đâu - hay ở chất lượng tăng trưởng so với các địa phương khác. Xét "thuần" tốc độ, dường như tăng trưởng cao của Hà Nội vẫn dựa chủ yếu vào việc tăng vốn đầu tư. Như thế, liệu có thể tạo đột biến về tốc độ tăng trưởng kinh tế không? Thành phố có gì khác biệt - đột biến về nguồn lực - động lực và phương thức phát triển?
Tôi cho rằng, Hà Nội cần lý giải kỹ cơ cấu đầu tư theo ngành và theo thời gian, từ đó xác định có thể đột biến từ đâu. Phải chăng là tạo đột biến từ kinh tế số (với mục tiêu chiếm tối thiểu 30% GRDP), công nghiệp văn hóa (8% GRDP) hay đột biến về “Chiến lược tận dụng và phát huy lợi thế truyền thống - vốn có”. Nếu muốn tạo đột biến từ năng lực - động lực phát triển mới thì Hà Nội cần phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành biểu tượng, động lực và dẫn dắt; còn nếu muốn phát triển nguồn lực con người - trí tuệ sáng tạo, Hà Nội phải sớm có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo...
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Mạnh về kinh tế, sáng về đạo đức, tỏa về tinh thần, bền vững trong lòng người
Nội dung "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" tuy được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, nhưng còn thiên về hình thức; chưa đi sâu vào căn cốt đạo đức truyền thống, chưa chạm đến gốc rễ văn hóa tâm linh của dân tộc.
Tôi đề xuất, nên đưa thêm giải pháp cụ thể về "giáo dục đạo đức công dân" gắn với các giá trị truyền thống: Hiếu kính, trung tín, nhân nghĩa, liêm sỉ. Tăng cường lồng ghép giáo dục văn hóa Phật giáo, lễ nghi, tinh thần từ bi, bất bạo động, biết sẻ chia... vào các chương trình giáo dục công dân, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Có chính sách khuyến khích xây dựng "thiết chế văn hóa - đạo đức" tại cơ sở, như trung tâm tu dưỡng, lớp giáo lý, đạo đức truyền thống.
Ngoài ra, tôi nhận thấy, nhiều chỉ tiêu kinh tế được nêu cụ thể trong dự thảo Báo cáo chính trị, nhưng ít đề cập đến tính "hợp đạo lý", "phát triển có tâm", "giảm tiêu thụ - tăng chất lượng sống". Vì vậy, tôi đề xuất nên đưa vào phương hướng phát triển mô hình "kinh tế tuần hoàn - kinh tế thiện lành" - giảm tiêu thụ vật chất, tăng cường sản phẩm tinh thần. Khuyến khích doanh nghiệp tích hợp yếu tố đạo đức, tâm linh vào chiến lược quản trị. Đồng thời cần hướng tới xây dựng Hà Nội là "Thành phố nhân ái - thành phố từ bi" trong kỷ nguyên mới.
Những góp ý trên được nêu ra với tinh thần xây dựng, trân trọng truyền thống dân tộc và trung thành với con đường phát triển văn minh - đạo lý mà ông cha đã dày công dựng xây. Là người xuất gia, tôi tâm niệm Phật pháp đồng hành cùng dân tộc và đạo lý không thể tách rời hiện thực cuộc sống. Hà Nội nếu muốn xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, thì không chỉ cần mạnh về kinh tế mà cần sáng về đạo đức, tỏa về tinh thần, bền vững trong lòng người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.