Ngày 28-11, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 280/KH-UBND về điều tra xã hội học xác định Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2023 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, đối tượng điều tra xã hội học đối với các sở, cơ quan tương đương sở bao gồm 5 đối tượng sau: Đại biểu HĐND thành phố; giám đốc/thủ trưởng các sở, cơ quan tương đương sở; chủ tịch các UBND cấp huyện; doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch thủ tục hành chính; người dân (cá nhân) có giao dịch thủ tục hành chính.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã (gọi chung là huyện) bao gồm 5 đối tượng sau: Đại biểu HĐND thành phố; giám đốc/thủ trưởng các sở, cơ quan tương đương sở; chủ tịch các UBND cấp xã trực thuộc; doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch thủ tục hành chính; người dân (cá nhân) có giao dịch thủ tục hành chính.
Phạm vi điều tra xã hội học địa bàn thành phố Hà Nội để xác định chỉ số cải cách hành chính của 22 sở (năm 2023, chưa đánh giá đối với Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc) và 30 đơn vị cấp huyện.
Thời gian điều tra: Từ tháng 11-2023 đến 31-12-2023, thực hiện thu thập thông tin với mỗi đối tượng điều tra theo tình hình cụ thể của các đơn vị.
Thời kỳ đánh giá: Thu thập thông tin về kết quả công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị phát sinh từ 1-1-2023 đến 31-12-2023.
Số lượng phiếu điều tra: Khoảng 2.621 phiếu, được phân bổ chi tiết cho các đơn vị. Nội dung phiếu điều tra xã hội học thuộc các nhóm đối tượng là đại biểu HĐND thành phố; giám đốc/thủ trưởng các sở/cơ quan tương đương sở; chủ tịch các UBND cấp huyện; chủ tịch các UBND cấp xã được xây dựng dựa trên các tiêu chí, tiêu chí thành phần và đối tượng được xác định điều tra xã hội học quy định tại Quyết định số 4190/QĐ-UBND ngày 22-8-2023 của UBND thành phố; phiếu điều tra xã hội học thuộc các nhóm đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức; người dân (cá nhân) trên địa bàn có giao dịch thủ tục hành chính được xây dựng dựa trên mẫu phiếu quy định tại phụ lục 5 kèm theo Kế hoạch số 143/KH-UBND (ngày 11-6-2021) về cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công (SIPAS) giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội.
Cuộc điều tra xã hội học này có quy mô trên toàn thành phố để xác định chỉ số cải cách hành chính đối với 22 sở, cơ quan tương đương sở và 30 UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hình thức chọn mẫu điều tra có chủ đích kết hợp với lựa chọn mẫu ngẫu nhiên tùy vào từng đối tượng điều tra xã hội học. Số lượng phiếu được phân bổ cụ thể cho từng đơn vị.
Sau khi hoàn thành việc điều tra xã hội học, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các chuyên gia điều tra xã hội học tiến hành kiểm tra, xử lý, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra xã hội học và báo cáo nghiên cứu, đánh giá kết quả điều tra xã hội học xác định Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2023 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Việc điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần để làm cơ sở phân tích, đánh giá đúng thực trạng chất lượng công tác cải cách hành chính của từng đơn vị. Xây dựng các báo cáo nghiên cứu, đánh giá, phân tích kết quả điều tra xã hội học xác định Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2023 đối với các sở, cơ quan tương tương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội làm cơ sở đề ra giải pháp cải thiện Chỉ số cải cách hành chính cho những năm tiếp theo.
Kế hoạch đã nêu rõ tiến độ triển khai đối với 7 nội dung, cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp. Trong đó, nội dung đầu tiên là xây dựng và ban hành phương án điều tra xã hội học được tiến hành ngay sau khi thành phố ban hành kế hoạch; nội dung cuối cùng là gửi báo cáo đánh giá, phân tích kết quả điều tra xã hội học (chi tiết) về Hội đồng thẩm định phải hoàn thành trước ngày 10-1-2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.